Bài 3. SỰ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN TÂM LÝ

Bài 3. SỰ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN TÂM LÝ
  Các nội dung chính:

 1. Sự nảy sinh tâm lý ở loài người
 2. Hoạt động, giao tiếp và sự phát triển tâm lý cá nhân
 3. Phân chia các giai đoạn phát triển tâm lý cá nhân

1. Sự nảy sinh tâm lý ở loài người 
1.1. Sự nảy sinh các hình thức bậc thấp của hành vi và tâm lý
Tâm lý là khái niệm chung hàm chứa nhiều hiện tượng chủ quan được tâm lý học nghiên cứu. Quan niệm duy vật biện chứng khẳng định tâm lý là thuộc tính của vật chất sống có tổ chức cao tự điều khiển sự phát triển và tự nhận thức.
 
Tiêu chuẩn xác định sự nảy sinh tâm lý ở một cơ thể sống là khả năng đáp lại các tác động của ngoại giới có ảnh hưởng trực tiếp hay gián tiếp đến sự tồn tại và phát triển của cơ thể.
 
Các hiện tượng tâm lý là kết quả của quá trình tiến hóa sinh học lâu dài của vật chất sống. Sau khi xuất hiện sự sống rất lâu tâm lý mới xuất hiện (sự sống xuất hiện cách nay 2-3 tỷ năm).
 
Sự phát triển của tâm lý, giống như các hiện tượng khác trong tự nhiên và xã hội, mang tính chất tăng tiến và có sự chuyển biến theo quy luật từ các hình thức đơn giản, thấp hơn đến các hình thức cao hơn, phức tạp hơn, hoàn thiện hơn.
 
Ở các sinh vật sống đơn giản nhất người ta đã quan sát thấy khả năng phản ứng có chọn lọc đối với các tác động khác nhau của môi trường bên ngoài. Ví dụ, con amíp – một tế bào sống chứa đầy chất nguyên sinh, đã có thể di chuyển rời xa một số kích thích này để đến gần một số kích thích khác. Đó là hình thức thích nghi sơ khai của các cơ thể đơn giản nhất đối với môi trường bên ngoài. Hình thức thích nghi này được gọi là “tính hướng”. Các động tác của con amíp có được nhờ tính chịu kích thích mà nó có.
 
Trải qua nhiều thế kỷ, xuất hiện các cơ thể sống có tổ chức thần kinh-cơ phức tạp hơn. Xuất hiện những hành vi thích nghi phức tạp hơn như vồ lấy thức ăn vừa trông thấy (gọi là phản xạ thức ăn), quay thân về phía có kích thích đột ngột (phản xạ định hướng)… Hành vi thích nghi này được gọi là phản xạ không điều kiện – là những sự đáp lại trực tiếp có tính quy luật của sinh vật đối với những kích thích bên ngoài nhờ các cơ chế của thần kinh-cơ được củng cố trong quá trình phát sinh chủng loại. Ở giai đoạn này xuất hiện và dần hoàn thiện các cảm giác. Tâm lý xuất hiện ngay khi các cảm giác còn ở dạng sơ khai.
 
Trong quá trình phát triển tiếp theo của sự sống, cùng với sự hoàn thiện hệ thần kinh, các phản xạ không điều kiện đơn giản ngày càng được hoàn thiện. Xuất hiện khả năng đáp lại các kích thích phức tạp (tổng hợp) xuất phát từ môi trường bên ngoài cũng như môi trường bên trong bằng một chuỗi phản xạ không điều kiện có tính dây chuyền – phản xạ không điều kiện phức tạp hay bản năng. Ở giai đoạn này khả năng phản ánh thể hiện với chất lượng khá cao – sự phản ánh xuất hiện không phải dưới dạng các cảm giác tách rời mà dưới dạng các thụ cảm hoàn chỉnh (tri giác) cho phép cơ thể sống thay đổi các thao tác cho tương ứng với các đặc điểm và tính chất của các vật thể. Ở đây cũng xuất hiện một hình thức phản ánh tâm lý quan trọng khác - các cảm xúc liên quan đến bản năng.
 
Hình thức hành vi xuất hiện tiếp theo bản năng là phản xạ có điều kiện (hay kỹ xảo) của động vật. Kỹ xảo là những phản xạ có điều kiện phức tạp bảo đảm sự thích nghi có phân biệt của động vật đối với các điều kiện luôn thay đổi của môi trường và do đó thỏa mãn đầy đủ hơn các nhu cầu của động vật. Các kỹ xảo hình thành và củng cố trong quá trình sinh sống của cá thể và giúp các cá thể thích nghi tốt hơn với môi trường. Các kỹ xảo đạt đến mức độ phát triển cao ở các động vật có bán cầu đại não. Sự phát triển tâm lý ở giai đoạn này đặc trưng bởi trình độ phân biệt cao của cảm giác và tri giác. Các loài động vật có khả năng phản ánh không chỉ các vật thể và tính chất của các vật thể mà còn quan hệ giữa các vật thể. Xuất hiện phản xạ về quan hệ. Nếu như ở giai đoạn bản năng hành vi của động vật dựa trên cơ sở nhận thức trực tiếp thì ở giai đoạn kỹ xảo đã xuất hiện khả năng thực hiện hành vi dựa trên các biểu tượng lưu giữ trong trí nhớ.
 
Bắt đầu phát triển từ khả năng tổng hợp các biểu tượng, các loài động vật thực hiện việc chuyển các thao tác vận dụng trong một hành vi sang một hành vi khác giống với hành vi đó. Điều này chuẩn bị cơ sở cho việc hình thành một hành vi mới về chất – hành vi trí tuệ.
 
Ở các loài động vật bậc cao (từ loài có vú), khi gặp phải những tình huống khó khăn bất thường mà bản năng và kỹ xảo không đủ để khắc phục, xuất hiện một loại hành vi mới - hành vi trí tuệ. Hành vi trí tuệ là những hành vi mà trong đó, trên cơ sở phản ánh các mối liên hệ và quan hệ tồn tại giữa các vật thể, con vật giải quyết những nhiệm vụ mới mà nó chưa hề gặp trong kinh nghiệm trước đây. Đây là hình thức thích nghi cao của động vật đối với môi trường xung quanh. Cơ sở của các hành vi này là những mối liên hệ phản xạ có điều kiện phức tạp.
 
Trong quá trình phát sinh chủng loại hành vi trí tuệ phát triển và phức tạp hóa dần dần. Những hành vi trí tuệ đơn giản như đi đường vòng đã xuất hiện ở những động vật có hệ thần kinh phát triển. Ở những động vật bậc cao như hắc tinh tinh các hành vi này có hình thức của việc tìm những cách thức mới để giải quyết nhiệm vụ bằng cách sử dụng các đồ vật khác nhau làm công cụ.
 
Hành vi trí tuệ ở động vật, tuy nhiên, vẫn mang tính nguyên thủy, không vượt khỏi giới hạn của một số nhiệm vụ do điều kiện sống tự nhiên của chúng tạo ra.
 
1.2. Sự xuất hiện các chức năng tâm lý cấp cao ở người
 
Sự phát triển tiếp theo của tâm lý ở trình độ con người, theo quan điểm duy vật biện chứng, chủ yếu diễn ra nhờ vào sự phát triển trí nhớ, lời nói, tư duy và ý thức. Các yếu tố quyết định sự phát triển tiếp theo này sự phức tạp hóa hoạt động, sự hoàn thiện công cụ lao động và việc sử dụng rộng rãi các hệ thống ký hiệu. Nhờ các yếu tố này, ở người không chỉ có các mức độ tổ chức thấp của các quá trình tâm lý, mà còn xuất hiện các chức năng tâm lý cấp cao.
 
Ở loài người, sự phát triển vượt bậc về tâm lý được thúc đẩy bởi ba thành tựu cơ bản của cả nhân loại: việc chế tạo công cụ lao động; sự sản xuất các đối tượng văn hóa vật chất và tinh thần; sự xuất hiện ngôn ngữ và lời nói.
 
Nhờ có công cụ lao động con người có khả năng tác động lên thế giới tự nhiên và hiểu tự nhiên sâu sắc hơn – khám phá được cả các thuộc tính trừu tượng của thế giới (ví dụ độ cứng của đá, của gỗ…). Sự hoàn thiện công cụ lao động và việc thực hiện các thao tác lao động bằng công cụ làm cải tổ chức năng của bàn tay. Bàn tay trở thành công cụ lao động tinh tế nhất, đồng thời cũng trở thành công cụ nhận thức thế giới. Đôi mắt người học theo đôi tay và trở thành công cụ nhận thức thế giới một cách tinh tế. Đôi tay và đôi mắt thúc đẩy sự phát triển của tư duy và tạo nên những yếu tố cơ bản của đời sống tinh thần của con người.
 
Những đối tượng văn hóa vật chất và tinh thần được loài người sáng tạo từ thế hệ này qua thế hệ khác không mất đi mà được truyền lại, được tái tạo, được hoàn thiện. Cơ chế truyền đạt các năng lực, tri thức, kỹ năng, kỹ xảo được thay đổi – để đạt đến một trình độ mới về phát triển tâm lý và hành vi đã không cần phải thay đổi bộ mã di truyền, giải phẫu hay sinh lý các cơ quan cơ thể. Chỉ cần có một bộ não mềm dẻo với bộ máy giải phẫu sinh lý phù hợp là con người có thể học được cách sử dụng những đối tượng của nền văn hóa vật chất và tinh thần do các thế hệ trước để lại. Con người đã bước ra khỏi ngưỡng của giới hạn sinh học và mở ra khả năng hoàn thiện bản thân vô tận.
 
Nhờ sự sáng tạo, hoàn thiện và sử dụng rộng rãi hệ thống ký hiệu, loài người có khả năng vô cùng to lớn trong việc gìn giữ, tích lũy kinh nghiệm dưới dạng các văn bản, sản phẩm lao động sáng tạo và truyền lại cho thế hệ sau. Thế hệ sau chỉ việc tiếp thu những tri thức, kỹ năng, kỹ xảo do thế hệ trước để lại và trở thành những con người văn minh. Hơn thế nữa, do chỗ quá trình “người hóa” diễn ra rất sớm, ngay từ những ngày đầu tiên của cuộc sống, từng người còn đủ thời gian để đóng góp phần của mình vào kho tàng của nhân loại, và bằng cách đó nhân lên gấp bội nền văn hóa loài người. Việc sáng tạo ra chữ viết đã tạo ra khả năng to lớn cho việc ghi chép, gìn giữ và tái hiện thông tin. Loài người không còn phải gìn giữ kinh nghiệm trong đầu từng người, và do đó thoát khỏi nguy cơ đứt mạch thông tin do người giữ thông tin mất tích hay chết.
 
Trong thế giới hiện nay, việc sáng tạo ra những phương thức ghi chép, gìn giữ và tái hiện thông tin mới như băng ghi âm, ghi hình, đĩa CD, mạng thông tin internet và các phương tiện kỹ thuật hiện đại khác đã đặt loài người trước ngưỡng cửa của một cơ hội mới về chất cho sự phát triển tâm lý.
 
Các hệ thống ký hiệu, đặc biệt lời nói, đồng thời cũng trở thành phương tiện để con người tác động lên chính bản thân mình, điều khiển chú ý, tri giác, trí nhớ, tư duy và các quá trình tâm lý khác ở bản thân. Bên cạnh hệ thống tín hiệu thứ nhất mà con người về cơ bản được thiên phú (1), con người còn hình thành được hệ thống tín hiệu thứ hai thể hiện ở từ ngữ. Từ ngữ với nghĩa nhất định thống nhất quy ước thay thế cho sự vật, hiện tượng thực. Chúng tác động lên con người giống như sự vật hiện tượng thực tác động. Hệ thống tín hiệu thứ hai là cơ sở hình thành sự tự điều khiển, tự điều chỉnh. Nhờ đó, tri giác trở nên có tính đối tượng, tính ổn định, tính ý nghĩa, tính cấu trúc; chú ý trở nên có chủ định; trí nhớ trở thành logic, tư duy – trừu tượng. Trên thực tế, nhờ ngôn ngữ, tất cả các quá trình tâm lý vượt ra ngoài khuôn khổ của sự giới hạn sinh học, hoàn thiện vô tận. Bảng 2 mô tả tóm tắt những giai đoạn tiến hóa cơ bản của con người.
Bảng 2: Những giai đoạn tiến hóa cơ bản của con người (Fogel F., Motulxki A)
Não Cm3Số nămSố thế hệ Công cụ
lao động
Lối sốngNghệ thuật và ngôn ngữ
400-5501.7 triệu 85.000Đá, xương
thô sơ
Săn bắn, hái lượm 
900600.00030.000Đá hoàn thiệnSăn bắn, hái lượm 
1300 50.000 2.500Rìu đáSăn bắn, hái lượm Hình vẽ hang động, ngôn ngữ cổ
 30.000
10.000
1.500
500
Công cụ kim loạiNông nghiệpNgôn ngữ tượng hình
 6.000300Công cụ tương đối phức tạp, phương tiện vận chuyểnThành phố và sản xuất nông nghiệp 
 3500
300
175
15
 Các cơ chế phức tạpTrung tâm  
công nghiệp
  In sách
 301Năng lượng nguyên tử   Kỷ nguyên nguyên tử Radio,  truyền hình
 20 Máy tính điện tửHậu công nghiệp 

Đối với con người từ ngữ đã trở thành cái điều khiển cơ bản các hành vi, thành thể mang các giá trị đạo đức và văn hóa, thành phương tiện và nguồn gốc của văn minh nhân loại. Từ ngữ cũng đóng vai trò là nhân tố cơ bản của dạy học và giáo dục. Nhờ từ ngữ con người-cá thể trở thành con người-nhân cách.
 
Như vậy, tóm tắt những điểm đã trình bày ở các mục 1.1 và 1.2 ở chương này, có thể trình bày khái quát quá trình nảy sinh và phát triển của tâm lý trong quá trình tiến hóa của sự sống như trong bảng 3.
 
Bảng 3. Tóm tắt sự phát triển tâm lý trong quá trình tiến hóa (2)
 
Thời gian xuất hiện và sinh sốngCấp động vậtTổ chức thần kinhTrình độ phát triển tâm lý
Từ 2000 triệu năm trước
 
Nguyên sinh vật

 
Chưa có tế bào thần kinh hoặc có mạng thần kinh phân tán khắp cơ thể
Tính chịu kích thích
(Chưa xuất hiện tâm lý, mới chỉ là phản ánh sinh lý)
Từ 600-500 triệu năm trướcTiết túc. Động vật không xương sốngThần kinh hạch
 
Tính nhạy cảm. (Xuất hiện cảm giác)
 
Từ 350-300 triệu
năm trước
 
Lớp cá

 
Hệ thần kinh trung ương, mầm mống vỏ não Tri giác
 Khả năng chú ý
 
200-100 triệu năm trướcLớp bò sát
 
Bộ não phát triển
Xuất hiện rõ vỏ não
  Tri giác phát triển
   Khả năng chú ý
50-30 triệu năm trước
 
Lớp có vú bậc thấp
 
Bán cầu não lớn phát triển, vỏ não phát triển  Trí nhớ
 10 triệu năm trước
 
 Họ khỉ, người vượn, ÔktralopitecVỏ não phát triển trùm lên phần khác của vỏ nãoTư duy bằng tay, có hành vi tinh khôn
 
 2-1 triệu năm trước



 
 Loài người



 
Vùng não mới phát triển các nếp nhăn, khúc cuộn não phát triển mạnh, xuật hiện hệ thống tín hiệu thứ hai Tư duy ngôn ngữ, ý thức, tự ý thức



 
1.3. Bản chất tâm lý người
 
Trong lịch sử nghiên cứu tâm lý học câu hỏi về bản chất tâm lý người là một trong những câu hỏi cổ xưa nhất. Vào thời cổ đại người ta nghiêng về việc nhìn nhận bản chất siêu nhiên của tâm lý. Decartes vào thế kỷ XVII đặt nền móng cho việc nhìn nhận bản chất cơ học của tâm lý. Việc thừa nhận bản chất phản xạ của tâm lý chỉ thực sự bắt đầu từ nửa sau thế kỷ XIX. Tâm lý học duy vật biện chứng khẳng định tâm lý người là sự phản ánh hiện thực khách quan vào não người thông qua hoạt động của chủ thể.
 
Tâm lý không phải là cái gì đó có sẵn trong con người, cũng không phải là sản phẩm khép kín của hoạt động bên trong não hay của một bộ phận nào đó bên trong cơ thể. Chính sự phản ánh (hay nói một cách đơn giản là sự “sao chép”) của hiện thực khách quan vào não tạo nên thế giới tinh thần, tạo nên cái tâm lý của con người. Thế giới khách quan tồn tại bằng các thuộc tính không gian và thời gian. Các thuộc tính của thế giới khách quan tác động vào hệ thần kinh của con người – tổ chức cao nhất của vật chất, tạo ra trên não các quá trình sinh lý, sinh hóa. Chính những quá trình này là cơ sở của hình ảnh tinh thần, hình ảnh tâm lý. Nói cách khác, tâm lý người có nguồn gốc khách quan, nội dung của tâm lý là thế giới khách quan.
 
Khác với các hình thức phản ánh khác của thế giới vật chất (phản ánh vật lý, sinh lý…) phản ánh tâm lý là một loại phản ánh đặc biệt. Thứ nhất, phản ánh tâm lý tạo ra “hình ảnh tâm lý” về thế giới – một loại hình ảnh có tính sinh động, không “chết cứng”. Thứ hai, hình ảnh tâm lý mang đậm dấu ấn của chủ thể (cá nhân hay nhóm), hình ảnh tâm lý về cùng một sự vật hay hiện tượng khách quan ở những người (nhóm người) khác nhau là khác nhau. Mỗi người (nhóm người) trong khi cảm nhận thế giới đã lồng vào trong đó những nhu cầu, mong đợi, tâm thế… riêng làm cho thế giới được phản ánh thông qua lăng kính chủ quan của người (nhóm người) đó. Nói một cách khác, tâm lý người là hình ảnh chủ quan về hiện thực khách quan. Tâm lý người có tính chủ thể.
 
Việc thừa nhận nguồn gốc khách quan của tâm lý dẫn đến việc khi nghiên cứu tâm lý con người phải nghiên cứu hoàn cảnh sống và hoạt động của con người. Đồng thời, do tâm lý người có tính chủ thể, nên trong ứng xử hàng ngày, trong dạy học và giáo dục phải chú ý đến đặc điểm riêng của từng người (nhóm người), phải “sát đối tượng”.
 
Tâm lý người có bản chất hoạt động. Phản ánh tâm lý không tách rời hoạt động – hoạt động như thế nào thì hình ảnh tâm lý như thế ấy. Hoạt động vừa tạo ra tâm lý vừa sử dụng phản ánh tâm lý làm khâu trung gian của hoạt động, tác động vào đối tượng. Hoạt động là bản thể của tâm lý, ý thức. Mọi hiện tượng tâm lý là những hoạt động tâm lý, từ những hiện tượng tâm lý đơn giản nhất như cảm giác, cho đến những hiện tượng phác tạp như tư duy. Về bản chất hoạt động của tâm lý (cảm giác) Aristotle đã nhận xét tinh tế rằng “Bản thân mắt như một cơ quan của cơ thể thì chưa có gì là tâm lý, nhưng khi mắt bắt đầu làm việc, nhìn - ta nhìn thấy một cái gì đấy tức là có cảm giác hay có tâm lý (3) 
 
Trong quá trình phát triển của con người, thế hệ sau không đơn độc khám phá thế giới, nó tiếp thu những tri thức, kỹ năng, kỹ xảo, những năng lực do thế hệ trước để lại và trở thành những con người văn minh – kinh nghiệm xã hội-lịch sử đã biến thành cái riêng của mỗi người. Tâm lý người có bản chất xã hội.
 
Bản chất xã hội của tâm lý con người xuất phát ở chỗ nguồn gốc của tâm lý người là đời sống xã hội, là nền văn hóa của nhân loại. Sự tiếp thu nền văn hóa tạo ra nội dung đời sống tâm lý. Sự tiếp thu này diễn ra trong các mối quan hệ xã hội chằng chịt của con người – qua các quan hệ nuôi dạy trong gia đình, các quan hệ dạy học và giáo dục trong nhà trường, các quan hệ luật pháp và tư tưởng trong cộng đồng… Thoát ly khỏi các quan hệ xã hội sẽ dẫn đến mất bản tính người. Đã có hàng loạt các trường hợp khi trẻ em vì một lý do nào đó bị cách ly khỏi xã hội loài người, đến khi người ta tìm lại được thì các em đã không có những đặc tính đặc trưng cho con người (4) .
 
Tâm lý người hình thành trong các mối quan hệ xã hội. Các quan hệ kinh tế, xã hội, các quan hệ chính trị, pháp luật, các quan hệ đạo đức, tư tưởng, các quan hệ làng xóm, bạn bè… đều chi phối tâm lý cá nhân. Chính vì vậy những người sống trong các môi trường văn hóa xã hội khác nhau sẽ có những đặc điểm tâm lý khác nhau. Mỗi cộng đồng, mỗi dân tộc có những nét tâm lý riêng. Ở một chiều khác, tuy nhiên, cũng phải thấy rằng tâm lý người không phải đơn thuần là sản phẩm thụ động của những tác động một chiều của các quan hệ xã hội. Con người với tư cách thực thể xã hội tích cực xây dựng, vận hành và phát triển các quan hệ xã hội.
 
Bản chất xã hội dẫn đến tính lịch sử của tâm lý người. Tâm lý của mỗi con người hình thành, phát triển và biến đổi cùng với sự vận động của lịch sử cá nhân, lịch sử cộng đồng, dân tộc và nhân loại. Tâm lý mỗi người chịu sự chế ước bởi lịch sử của cá nhân và của cộng đồng.
 
Việc nhìn nhận bản chất xã hội của tâm lý người dẫn đến việc khi nghiên cứu tâm lý một người hay một nhóm người nào đó phải nghiên cứu nó trong môi trường xã hội, trong nền văn hóa mà nó sống và hoạt động, trong các quan hệ xã hội của nó. Từ góc độ giáo dục, cần tổ chức có hiệu quả môi trường xã hội, các quan hệ xã hội của trẻ em để thông qua đó hình thành nhân cách mong muốn ở trẻ.

1.4. Ý thức – hình thức phản ánh tâm lý bậc cao
 
Trong quá trình tiến hóa của sinh vật, mốc phân biệt rõ ràng nhất giữa con vật và con người đó chính là ý thức. Ý thức là một cấp độ phản ánh tâm lý đặc trưng, cao cấp chỉ có ở người.
 
Một quá trình nhận thức nào đó tạo ra trong não một hình ảnh tâm lý, nhờ có ngôn ngữ, chính hình ảnh tâm lý đó được khách quan hóa và trở thành đối tượng để ta tiếp tục phản ánh, làm cho kết quả phản ánh sâu sắc hơn, tinh vi hơn. Quá trình phản ánh cấp hai như vậy, phản ánh của phản ánh, được gọi là ý thức.
 
Nếu cảm giác, tri giác, tư duy… mang lại cho con người những tri thức về thế giới khách quan thì ý thức là năng lực hiểu biết tri thức đó. Vì vậy cũng có thể nói ý thức là tri thức về tri thức, là hiểu biết về hiểu biết.
 
Như vậy, ý thức là hình thức phản ánh tâm lý cao nhất chỉ có ở người, là sự phản ánh bằng ngôn ngữ những gì con người đã tiếp thu được trong quá trình quan hệ qua lại với thế giới khách quan. Có thể ví ý thức như là “cặp mắt thứ hai” soi vào các kết quả do “cặp mắt thứ nhất” (cảm giác, tri giác, tư duy, cảm xúc…) mang lại. Với ý nghĩa đó ta có thể nói “ý thức là tâm lý được nhận thức”.
 
Ý thức là một chỉnh thể mang lại chất lượng mới cho thế giới nội tâm của con người. Cấu trúc của ý thức bao gồm ba thành phần (3 mặt) liên kết, thống nhất hữu cơ với nhau, đó là mặt nhận thức, mặt thái độ và mặt năng động của ý thức.
 
Mặt nhận thức bao gồm: 1) các quá trình nhận thức cảm tính mang lại những tài liệu đầu tiên cho ý thức, đó là những hình ảnh trực quan, sinh động về thực tại khách quan; 2) quá trình nhận thức lý tính mang lại cho con người hình ảnh khái quát bản chất về thực tại khách quan và các mối liên hệ có tính quy luật của các sự vật hiện tượng, tạo ra nội dung cơ bản của ý thức, là hạt nhân của ý thức. Bản thân các thao tác tư duy: so sánh, phân tích, tổng hợp cũng là thao tác của ý thức.
 
Mặt thái độ của ý thức: khi phản ánh thế giới khách quan ở cấp độ ý thức, con người luôn thể hiện thái độ của mình (thái độ cảm xúc, thái độ đánh giá, thái độ lựa chọn) đối với đối tượng. Thái độ được hình thành trên cơ sở nhận thức thế giới.
 
Mặt năng động của ý thức: ý thức tạo cho con người có khả năng dự kiến trước hoạt động, điều khiển, điều chỉnh hoạt động nhằm thích nghi và cải tạo thế giới khách quan, đồng thời cải tạo cả bản thân. Mặt khác ý thức nảy sinh và phát triển trong hoạt động. Cấu trúc của hoạt động quy định cấu trúc của ý thức. Quá trình xác định mục đích là điều kiện để có ý thức, động cơ, mục đích có ảnh hưởng quyết định đối với kết quả của quá trình nhận thức. Vì thế, nhu cầu, hứng thú, động cơ, ý chí… đều có vị trí nhất định trong cấu trúc ý thức.
 
Các hiện tượng tâm lý định hướng, điều khiển, điều chỉnh các hành vi và hoạt động của con người ở các mức độ khác nhau. Căn cứ vào tính tự giác, mức độ sáng tỏ và phạm vi bao quát của chúng, người ta phân chia các hiện tượng tâm lý của con người thành ba cấp độ:
 
Cấp độ chưa ý thức: trong cuộc sống, cùng với các hiện tượng tâm lý có ý thức, chúng ta thường gặp những hiện tượng tâm lý chưa có ý thức chi phối hoạt động của con người. Hiện tượng tâm lý mà cá nhân không ý thức và chưa nhận thức được, trong tâm lý học gọi là vô thức. Có thể định nghĩa vô thức như là hiện tượng tâm lý ở tầng bậc chưa ý thức, nơi mà ý thức không thực hiện chức năng của mình. Vô thức điều khiển những hành vi mang tính bản năng, không chủ định và tính không nhận thức được của con người.
 
Vô thức có các đặc điểm: 1) con người không nhận thức được các hiện tượng tâm lý, hành vi, của mình; 2) con người không đánh giá, kiểm soát được về hành vi, ngôn ngữ của mình; 3) vô thức không kèm theo sự dự kiến trước, không có chủ định. Sự xuất hiện hành vi vô thức thường bất ngờ, đột ngột, xảy ra trong thời gian ngắn; 4) hình ảnh tâm lý trong vô thức có thể của cả quá khứ, hiện tại và tương lai nhưng chúng liên kết với nhau không theo quy luật hiện thực.
 
Vô thức bao gồm nhiều hiện tượng tâm lý khác nhau: 1) vô thức ở tầng bản năng vô thức (bản năng dinh dưỡng, tự vệ, sinh dục) tiềm tàng ở tầng sâu, dưới ý thức, mang tính bẩm sinh, di truyền; 2) vô thức còn bao gồm cả hiện tượng tâm lý dưới ngưỡng ý thức (tiền ý thức); 3) những hiện tượng tâm lý vốn là có ý thức nhưng do lặp đi lặp lại nhiều lần trở nên quá quen thuộc thành dưới ý thức – đó là tiềm thức. Tiềm thức là một dạng tiềm năng, sâu lắng của ý thức, nó thường trực chỉ đạo hành động, lời nói, suy nghĩ… của con người tới mức chủ thể không nhận thức rõ được nguyên nhân.
 
Cấp độ thứ hai của ý thức là cấp độ ý thức và tự ý thức.
 
Ở cấp độ ý thức, con người nhận thức, tỏ thái độ có chủ tâm và dự kiến trước hành vi của mình, từ đó có thể kiểm soát hành vi của mình, và làm chủ hành vi – hành vi trở nên có ý thức. Ý thức có những đặc điểm sau: 1) các hiện tượng tâm lý có ý thức đều được chủ thể nhận thức, chủ thể biết rõ mình đang làm gì, nghĩ gì (vì thế, nhiều khi “có ý thức” đồng nghĩa với có hiểu biết, có tri thức); 2) ý thức bao hàm thái độ của chủ thể đối với đối tượng đã được nhận thức - thái độ đó là động cơ của hành vi ý thức; 3) ý thức được thể hiện ở tính có chủ tâm và dự kiến trước hành vi. Đặc điểm này phân biệt bản chất hành động của con người với hành vi của con vật.
 
Tự ý thức là mức độ phát triển cao của ý thức. Tự ý thức là ý thức về mình, có nghĩa là khi bản thân trở thành đối tượng “mổ xẻ”, phân tích, lý giải… thì lúc đó, con người đang tự ý thức. Tự ý thức bắt đầu xuất hiện từ tuổi lên 3 với biểu hiện:
 • Chủ thể tự nhận thức về bản thân mình từ bên ngoài đến nội dung tâm hồn, đến vị thế và các quan hệ xã hội, trên cơ sở đó tự nhân xét, tự đánh giá.
 • Chủ thể có thái độ rõ ràng đối với bản thân.
 • Chủ thể tự điều chỉnh, điều khiển hành vi theo mục đích tự giác.
 • Chủ thể có khả năng tự giáo dục, tự hoàn thiện mình.
 
Cấp độ ý thức nhóm và ý thức tập thể: trong hoạt động và giao tiếp xã hội, ý thức cá nhân sẽ phát triển dần dần đến ý thức xã hội (ý thức nhóm, ý thức tập thể, ý thức cộng đồng). Ở cấp độ này, con người xử sự không đơn thuần trên nhu cầu, hứng thú, thị hiếu, quan điểm… của cá nhân mình mà xuất phát từ lợi ích, danh dự của nhóm, của tập thể, của cộng đồng. Hành động với ý thức, ý thức tập thể, ý thức cộng đồng, con người có thêm sức mạnh tinh thần mới, dễ dàng hòa nhập với cộng đồng, cùng cộng đồng phát triển.
 
Các cấp độ khác nhau của ý thức luôn tác động lẫn nhau, chuyển hóa và bổ sung cho nhau làm tăng tính đa dạng và sức mạnh của ý thức. Sự phát triển của ý thức từ cấp độ thấp đến cấp độ cao là dấu hiệu quan trọng nhất của sự phát triển nhân cách.

2. Hoạt động, giao tiếp và sự phát triển tâm lý cá nhân 
    2.1. Khái niệm về hoạt động và giao tiếp
Khái niệm hoạt động là một trong những khái niệm trung tâm của tâm lý học. Có nhiều cách hiểu khác nhau về hoạt động vì có nhiều góc độ xem xét. Từ góc độ triết học hoạt động là quan hệ biện chứng của chủ thể và khách thể. Trong quan hệ đó, chủ thể là con người, khách thể là hiện thực khách quan. Dưới góc độ sinh học, hoạt động là sự tiêu hao năng lượng thần kinh và cơ bắp của con người khi tác động vào hiện thực khách quan nhằm thỏa mãn nhu cầu vật chất hoặc nhu cầu tinh thần của con người.
Tâm lý học, xuất phát từ quan điểm cho rằng cuộc sống của con người là chuỗi những hoạt động và giao tiếp cho nên hoạt động được hiểu là phương thức tồn tại của con người trong thế giới. Tâm lý học xem xét một cách toàn diện cả mặt bên trong (tâm lý) và mặt bên ngoài (hành vi) của hoạt động, xem xét cả sản phẩm vật chất và sản phẩm tinh thần của hoạt động. Từ cách nhìn này hoạt động được hiểu là quá trình tác động qua lại tích cực giữa con người và thế giới, để tạo ra sản phẩm cả về phía con người và thế giới, nhằm thỏa mãn nhu cầu của con người.
Trong quá trình hoạt động, có hai quá trình diễn ra đồng thời với nhau và bổ sung cho nhau, đó là quá trình đối tượng hóa và quá trình chủ thể hóa.
Quá trình đối tượng hóa là quá trình chủ thể chuyển năng lực của mình thành sản phẩm. Quá trình này còn gọi là quá trình xuất tâm. Tâm lý con người được bộc lộ, được khách quan hóa trong quá trình làm ra sản phẩm. Nhờ vậy, chúng ta mới có thể tìm hiểu được tâm lý con người thông qua hoạt động của họ.
 
Quá trình chủ thể hóa là quá trình con người chuyển các đặc điểm và bản chất của đối tượng hoạt động thành hiểu biết, kinh nghiệm của cá nhân chủ thể. Quá trình này còn gọi là quá trình nhập tâm. Đây là chiều con người sáng tạo ra bản thân mình.
 
Như vậy, trong hoạt động con người vừa tạo ra sản phẩm về phía thế giới (cải biến thế giới), vừa tạo ra tâm lý và ý thức của mình (sáng tạo bản thân). Nói cách khác, tâm lý, ý thức, nhân cách được bộc lộ, hình thành và phát triển trong hoạt động của con người.
 
Hoạt động của con người có các đặc điểm:
 
- Hoạt động của con người mang tính mục đích. Con người hoạt động có mục đích và có ý thức, có sự nỗ lực ý chí, có sự sáng tạo. Mục đích của mỗi hoạt động mỗi khác, tính tích cực cũng có nhiều mức độ khác nhau, vì vậy mỗi người có sự tích cực riêng.
 
- Hoạt động bao giờ cũng có đối tượng. Đối tượng của hoạt động là cái ta tác động vào nhằm thay đổi hoặc chiếm lĩnh. Nó có thể là sự vật, hiện tượng, khái niệm, con người hoặc mối quan hệ…có khả năng thỏa mãn nhu cầu nào đó của con người, thúc đẩy con người hoạt động. Vì thế đối tượng hoạt động là hiện thân của động cơ hoạt động. Cũng cần phải nói thêm rằng có nhiều trường hợp đối tượng của hoạt động không phải là một cái gì đó có sẵn, mà là cái đang xuất hiện trong quá trình hoạt động. Đặc điểm này thường thấy khi con người hoạt động một cách tích cực như trong hoạt động nghiên cứu, trong hoạt động học tập…
 
- Hoạt động bao giờ cũng có chủ thể. Chủ thể hoạt động là con người có ý thức tác động vào khách thể - đối tượng của hoạt động. Như vậy, hàm chứa trong hoạt động là tính chủ thể mà đặc điểm nổi bật nhất của nó là tính tự giác và tính tích cực. Vì vậy con vật không thể là chủ thể của hoạt động. Chủ thể hoạt động có khi là cá nhân, có khi là một nhóm người. Chủ thể là nhóm người khi họ cùng nhau thực hiện hoạt động với cùng một đối tượng, một động cơ chung.
 
- Hoạt động vận hành theo nguyên tắc gián tiếp. Trong hoạt động, con người bao giờ cũng sáng tạo ra công cụ và sử dụng những công cụ nhất định để nâng cao hiệu quả của hoạt động. Trong hoạt động lao động, người ta dùng các công cụ kỹ thuật như máy móc, cái cưa, cái cuốc… tác động vào đối tượng lao động. Tương tự như vậy, tiếng nói, chữ viết, kinh nghiệm và các hình ảnh tâm lý khác là công cụ tâm lý được sử dụng để tổ chức, điều khiển thế giới tinh thần của mỗi con người. Những công cụ đó giữ chức năng trung gian giữa chủ thể và đối tượng hoạt động, tạo ra hiệu quả của hoạt động cao hơn. Điều này chỉ ra sự khác biệt về chất giữa hoạt động của con người với hành vi bản năng của con vật.
 
Mô tả Cấu trúc của hoạt động đề cập đến các thành tố bên trong hoạt động - hoạt động bao gồm các thành tố nào. Đây là vấn đề được nhiều nhà tâm lý học quan tâm.
 
Người đầu tiên nghiên cứu vấn đề này và đạt được những kết quả nhất định là L.X. Vưgôtxki (1886-1934). Ông đã phân tích các khái niệm “công cụ”, “thao tác”, “mục đích”, “động cơ”.
 
A.N.Lêonchiev - nhà tâm lý học Xô Viết nổi tiếng đã tiếp tục phát triển nghiên cứu và trên cơ sở thực nghiệm, lần đầu tiên ông đã mô tả cấu trúc chung của hoạt động vào năm 1974. Ông đã cụ thể hoá cấu trúc đó trên nhiều bình diện: hình thái, kiểu loại, thành phần, đơn vị, trình độ, cấp bậc… Có thể khái quát kết quả nghiên cứu của A.N. Lêonchiev về cấu trúc vĩ mô của hoạt động như sau (xem mô hình).
 
Động cơ của hoạt động (motive): hoạt động luôn nhằm thỏa mãn nhu cầu nào đó của con người. Khi nhu cầu gặp đối tượng có thể thỏa mãn nó thì đối tượng trở thành động cơ thôi thúc chủ thể hoạt động. Như vậy, đối tượng là cái vật thể hóa nhu cầu, là động cơ đích thực của hoạt động. Nói cách khác, hoạt động là quá trình hiện thực hóa động cơ.
 
Động cơ được coi là mục đích chung, mục đích cuối cùng của hoạt động. Bất kỳ hoạt động nào cũng có động cơ tương ứng. Như vậy, tương ứng với hoạt động (activity) của chủ thể là động cơ - đối tượng liên quan tới nhu cầu.
 
Như phân tích trên, động cơ là mục đích chung của hoạt động (còn gọi là động cơ xa). Động cơ được phát triển theo hướng cụ thể hóa trong các mục đích bộ phận (goal). Nói cách khác, mục đích là hình thức cụ thể hóa của động cơ, là bộ phận cấu thành động cơ.
 
Như vậy, quá trình hiện thực hóa động cơ được tiến hành từng bước, từng khâu để đạt được mục đích xác định trong những hoàn cảnh cụ thể. Các quá trình tiến hành từng khâu đó được gọi là hành động (actions). Hành động nhằm vào mục đích bộ phận để góp phần tiến tới hiện thực hóa động cơ. Nói cách khác, hành động là một giai đoạn cụ thể của hoạt động.
 
Chủ thể chỉ có thể đạt được mục đích bằng các phương tiện trong các điều kiện nhất định (conditions). Mỗi phương tiện quy định cách thức hành động riêng. Mỗi cách thức hành động bao gồm nhiều thao tác (operations). Như vậy, thao tác là đơn vị nhỏ nhất của hoạt động, nó không có mục đích riêng, nó phụ thuộc chặt chẽ vào phương tiện.
 
Trong tâm lý học có một số cách phân loại hoạt động khác nhau.
 
Xét theo quá trình phát triển cá thể, con người có các hoạt động: 1) hoạt động vui chơi; 2) hoạt động học tập; 3) hoạt động lao động.
 
Vui chơi là hoạt động chủ đạo của trẻ nhỏ, nó là dạng hoạt động không mang tính bắt buộc, không tạo ra sản phẩm vật chất. Vì vậy, người ta tham gia nhiệt tình vào trò chơi là do sức hấp dẫn của bản thân trò chơi. Nhưng hoạt động vui chơi cũng có ý nghĩa to lớn với cuộc sống con người. Với trẻ em, chính trò chơi giúp trẻ lĩnh hội thuộc tính của sự vật, hiện tượng, trẻ tập đặt mình vào các mối quan hệ xã hội, hình thành một số kỹ năng.. Người lớn cũng có khi tham gia vào hoạt động vui chơi để giải trí.
 
Hoạt động học tập là một dạng hoạt động đặc trưng của con người, nó có các đặc điểm:
 
    • Đối tượng của hoạt động học là hệ thống tri thức, kỹ năng, kỹ xảo mới, những phương thức hành vi…những kinh nghiệm xã hội lịch sử.
 
    • Hoạt động học là hoạt động hướng vào làm thay đổi chính bản thân người học.
 
    • Hoạt động học là hoạt động được điều khiển một cách có ý thức.
 
Hoạt động lao động là loại hoạt động nhằm tạo ra những sản phẩm có ích cho xã hội. Hoạt động lao động là hình thức hoạt động cơ bản của con người trưởng thành, nó đòi hỏi những điều kiện thể chất và tâm lý (tri thức, kỹ năng, kỹ xảo, tình cảm, ý chí,…). Lao động không chỉ tạo ra của cải vật chất, nó còn làm phát triển nhận thức, tình cảm, ý chí và nhiều phẩm chất tâm lý khác của cá nhân. Một dạng đặc biệt của lao động là hoạt động xã hội - là các hoạt động mang ý nghĩa xã hội tích cực, nhưng không mang tính chất bắt buộc, không tạo ra của cải vật chất. Hoạt động xã hội góp phần tổ chức xã hội. Các hoạt động từ thiện, hoạt động nhân đạo, sự tham gia các phong trào hoạt động chung của cộng đồng, tham gia các tổ chức xã hội là các dạng hoạt động xã hội.
 
Xét về phương diện sản phẩm của hoạt động người ta có hoạt động: 1) biến đổi; 2) nhận thức; 3) định hướng giá trị; 4) giao lưu.
 
Hoạt động biến đổi là những hoạt động làm thay đổi hiện thực (tự nhiên, xã hội, con người). Hoạt động biến đổi bao gồm các hoạt động như hoạt động lao động, hoạt động chính trị xã hội, hoạt động giáo dục …
 
Hoạt động nhận thức là loại hoạt động tinh thần, phản ánh thế giới khách quan nhưng không làm thay đổi các vật thể thực, và các quan hệ thực …
Hoạt động định hướng giá trị là một loại hoạt động tinh thần, xác định ý nghĩa của thực tại với bản thân chủ thể, tạo ra phương hướng của hoạt động.
Hoạt động giao lưu là hoạt động thiết lập và vận hành mối quan hệ người. ví dụ như giao tiếp, quan hệ bạn bè…
 
Tóm lại, con người tiến hành nhiều loại hoạt động khác nhau. Sự phân loại hoạt động chỉ có tính chất tương tối và các loại hoạt động của con người có mối quan hệ gắn bó, mật thiết với nhau, đan xen vào nhau, xâm nhập và chuyển hóa cho nhau.
 
Giao tiếp là một loại hình hoạt động đặc thù của con người. Loại hình hoạt động này hiện thực hóa quan hệ giữa con người với con người với tư cách những thực thể tích cực, những thực thể xã hội.
 
Tâm lý học định nghĩa giao tiếp là sự tiếp xúc tâm lý giữa người với người, thông qua đó con người trao đổi với nhau về thông tin, cảm xúc; tri giác, nhận thức lẫn nhau, ảnh hưởng qua lại nhau. Giao tiếp là hoạt động xác lập, vận hành và phát triển các quan hệ người – người, hiện thực hóa các quan hệ xã hội giữa chủ thể này với chủ thể khác. Sự giao tiếp có thể diễn ra giữa cá nhân với cá nhân;
cá nhân với nhóm; nhóm với nhóm; nhóm với cộng đồng.
 
Xét về mặt cấu trúc tâm lý thì giao tiếp có cấu trúc chung của hoạt động: có động cơ quy định sự hình thành và diễn biến của nó; được tạo thành từ các hành động và thao tác. Giao tiếp cũng có đầy đủ các tính chất của một hoạt động: tính mục đích, tính chủ thể, tính đối tượng, nhắm vào một đối tượng nào đó để tạo ra một sản phẩm nào đó.
 
Giao tiếp được phân biệt theo quy cách thành giao tiếp chính thức (nhằm thực hiện nhiệm vụ chung theo chức trách, quy định, thể chế) và không chính thức (theo kiểu thân tình, không câu nệ hình thức). Theo phương tiện thực hiện giao tiếp được phân chia thành giao tiếp vật chất (thông qua hành động); giao tiếp bằng tín hiệu phi ngôn ngữ (cử chỉ, điệu bộ, nét mặt…); và giao tiếp bằng ngôn ngữ (tiếng nói, chữ viết)…
 
Các loại giao tiếp nói trên liên quan chặt chẽ với nhau, tác động qua lại, bổ sung cho nhau làm cho mối quan hệ giao tiếp của con người vô cùng phong phú, đa dạng.
Giao tiếp và hoạt động là hai mặt không thể thiếu nhau của hoạt động cùng nhau, của lối sống của con người. Chúng đan xen vào nhau, cái nọ làm điều kiện của cái kia, cái nọ có thể trở thành một bộ phận của cái kia.
    2.2. Vai trò của hoạt động và giao tiếp đối với tâm lý cá nhân
Thế giới tâm lý của mỗi cá nhân là độc đáo, duy nhất. Mặc dù các yếu tố tự nhiên-sinh học của cơ thể (5) và môi trường sống có vai trò của mình trong việc hình thành nên tâm lý của con người, nhưng sự khác biệt về tâm lý giữa người này và người khác được quyết định trước hết bởi hoạt động và giao tiếp của họ.
Tâm lý người là sản phẩm của hoạt động và giao tiếp trong các mối quan hệ xã hội. Trong hoạt động và giao tiếp, thông qua quá trình chủ thể hóa, con người “rút” lấy những thuộc tính, những năng lực chứa đựng trong các đối tượng hoạt động, trong các sản phẩm vật chất và tinh thần của loài người, trong những người khác (qua giao tiếp), tiếp thu vốn tri thức và năng lực người của cả loài người để chuyển hóa thành tâm lý của mình, hình thành nên chính bản thân mình. Trên cơ sở đó, con người lại sáng tạo thêm tri thức mới làm cho nền văn minh của loài người càng phát triển.
Tất cả các hoạt động của con người đều tạo ra tâm lý. Hoạt động lao động sản xuất và hoạt động thực tiễn, ngoài việc tạo ra của cải vật chất nó cọ̀n tạo ra tâm lý con người đó là sự hiểu biết, kinh nghiệm sáng tạo và các cảm xúc vui buồn … Hoạt động học tập, vui chơi là hoạt động đặc biệt tạo ra sự phát triển tâm lý như nhận thức, tình cảm, kỹ năng, kỹ xảo cho con người. Giao tiếp có vai trò quyết định trong hình thành các giá trị, các thái độ của con người…
Trong quá trình phát triển của con người, tùy từng giai đoạn, các loại hình hoạt động và giao tiếp có ý nghĩa khác nhau đối với sự phát triển. Tâm lý học đã xác định, ở mỗi lứa tuổi (thời kỳ phát triển) tuy con người có nhiều loại hình hoạt động khác nhau (vui chơi, học tập, lao động, thể dục, thể thao, văn hóa, văn nghệ…) nhưng trong đó chỉ có một, hai hoạt động chính, chúng có ý nghĩa quan trọng với sự hình thành và phát triển tâm lý, nhân cách của lứa tuổi, hoạt động đó được gọi là “hoạt động chủ đạo”.
Hoạt động chủ đạo là hoạt động chủ yếu của lứa tuổi, nó quy định những biến đổi chủ yếu nhất trong các quá trình tâm lý và trong các đặc điểm tâm lý của nhân cách con người ở giai đoạn phát triển nhất định. Hoạt động chủ đạo có các đặc điểm cơ bản sau:
    • Hoạt động này lần đầu tiên xuất hiện trong đời sống cá nhân. Khi nó đã là hoạt động chủ đạo thì trong lòng nó đã nảy sinh yếu tố của hoạt động mới khác - dạng hoạt động chủ đạo ở lứa tuổi tiếp theo;
 
    • Một khi hoạt động chủ đạo đã nảy sinh hình thành và phát triển thì không mất đi mà tiếp tục tồn tại mãi;
 
    • Đó là hoạt động quyết định sự ra đời thành tựu mới, cấu tạo tâm lý mới đặc trưng cho lứa tuổi.
Với quan niệm như trên, Tâm lý học đã xác định hoạt động chủ đạo của các lứa tuổi cụ thể: 1) vui chơi là hoạt động chủ đạo của trẻ em ở lứa tuổi mầm non; 2) học tập là hoạt động chủ đạo ở tuổi học sinh; 3) lao động sản xuất và hoạt động xã hội là hoạt động chủ đạo ở người lớn.
 
Việc nhận thức hoạt động chủ đạo ở từng giai đoạn phát triển của con người có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc tổ chức hoạt động giáo dục, nó đảm bảo việc tổ chức hoạt động đi đúng hướng, không lãng phí các nguồn lực và đặc biệt không lãng phí cơ hội phát triển của từng trẻ em.

3. Phân chia các giai đoạn phát triển tâm lý cá nhân 
     3.1. Sự phân chia các giai đoạn phát triển tâm lý cá nhân
Sự phát triển tâm lý gắn liền với khái niệm lứa tuổi.
 
Lứa tuổi được hiểu là một giai đoạn khác biệt về chất của sự phát triển thể xác, tâm lý và hành vi, được đặc trưng bởi các đặc điểm chỉ có ở giai đoạn đó mà thôi. Trong tâm lý học có hai khái niệm lứa tuổi được sử dụng: lứa tuổi thể xác - chỉ ra thời gian mà đứa trẻ đã sống qua, được đo bằng năm, tháng, ngày; và lứa tuổi tâm lý - chỉ ra trình độ phát triển tâm lý đã đạt được tại một thời điểm. L.X. Vưgotxki coi lứa tuổi tâm lý là một giai đoạn phát triển đóng kín một cách tương đối (vì theo tiến trình lịch sử sự phát triển tâm lý cũng thay đổi theo, các lứa tuổi sẽ không còn là hiện tượng vĩnh viễn, bất biến) ở đó sự phát triển tâm lý đạt tới một chất lượng mới và diễn ra theo những quy luật đặc thù. Ðứa trẻ có tuổi thể xác là 5 tuổi, ví dụ, về mặt tâm lý có thể phát triển như đứa trẻ 6, 7 thậm chí như đứa trẻ 8 tuổi, hoặc ngược lại, chỉ phát triển như đứa trẻ 3, 4 tuổi. Ở đây có mặt sự không trùng khít giữa lứa tuổi thể xác và lứa tuổi tâm lý.
 
Sự chuyển đổi từ lứa tuổi này sang lứa tuổi khác gắn liền với những biến đổi các chỉ số thể chất và các đặc điểm tâm lý. Những chuyển đổi lứa tuổi có thể diễn ra từ từ, khó nhận thấy cả từ phía chủ thể lẫn người ngoài. Tuy nhiên, nếu sự chuyển dịch từ lứa tuổi thể xác này sang lứa tuổi thể xác khác xảy ra cùng thời điểm với sự chuyển dịch từ lứa tuổi tâm lý này sang lứa tuổi tâm lý khác thì thông thường nó đi kèm theo những dấu hiệu dễ nhận thấy từ bên ngoài - nhiều người (đặc biệt trẻ em) thu mình lại, dễ bị kích động, cử chỉ gây khó chịu cho những người xung quanh. Tình huống như vậy được gọi là khủng hoảng phát triển lứa tuổi hay khủng hoảng lứa tuổi. Khủng hoảng lứa tuổi chỉ ra những thay đổi cơ bản trong cơ thể và tâm lý con người, đồng thời cũng chỉ ra rằng trong bước đường phát triển của con người có thể xuất hiện những vấn đề mà một mình họ không giải quyết được. Vai trò của xã hội, của cộng đồng chính là ở sự hỗ trợ trong những tình huống như vậy.

    3.2. Các giai đoạn phát triển tâm lý cá nhân
 
Căn cứ vào những thay đổi cơ bản trong điều kiện sống và hoạt động của con người, vào những thay đổi trong cấu trúc tâm lý của cá nhân, vào sự trưởng thành của cơ thể, đồng thời cũng căn cứ vào hệ thống giáo dục đang tồn tại trong thực tiễn nhà trường và tổ chức đời sống xã hội Việt Nam người ta chia ra một số giai đoạn và thời kỳ chủ yếu trong sự phát triển tâm lý con người:
Giai đoạn trước tuổi học:
Tuổi sơ sinh: thời kỳ 0 đến 2 tháng
Tuổi hài nhi: thời kỳ 2 tháng đến 1 năm
Tuổi vườn trẻ: thời kỳ từ 1 đến hết 3 năm
Tuổi mẫu giáo : từ 3 đến hết 5 năm
Giai đoạn tuổi học sinh:
Thời kỳ đầu tuổi học hay nhi đồng: từ 6 đến 11, 12 tuổi
Thời kỳ giữa tuổi học hay thiếu niên: từ 11, 12 đến 14, 15 tuổi
Thời kỳ cuối tuổi học hay đầu tuổi thanh niên: từ 14, 15 đến 17, 18 tuổi
Thời kỳ sinh viên: từ 18 tuổi đến 23, 24 tuổi
Giai đoạn trưởng thành: 23, 24 tuổi đến 55 – 60 tuổi
Giai đoạn tuổi già: từ 55-60 tuổi trở lên

Mỗi giai đoạn, thời kỳ có một vị trí, vai trò nhất định trong quá trình đứa trẻ mới sinh trở thành một nhân cách trưởng thành. Mỗi thời kỳ phát triển có những nét tâm lý đặc trưng của mình mà con người phải trải qua, và việc chuyển từ thời kỳ này sang thời kỳ khác bao giờ cũng gắn với sự xuất hiện những cấu tạo tâm lý mới về chất./.

 
Câu hỏi ôn tập 
 1. Hãy mô tả quá trình nảy sinh tâm lý người.
 2. Phân tích bản chất tâm lý con người.
 3. Ý thức là gì? Phân biệt ý thức và vô thức.
 4. Phân tích những đặc điểm của hoạt động.
 5. Phân biệt hoạt động và giao tiếp.
 6. Phân tích vai trò của hoạt động và giao tiếp trong sự nảy sinh và phát triển tâm lý người.
 7. Cơ sở phân chia các giai đoạn phát triển tâm lý cá nhân, ý nghĩa của việc phân chia này?
 
(1) P.Pavlov
(2)  Trích theo: Tâm lý học đại cương, Nguyễn Quang Uẩn (CB), HN, 1995.
(3) Aristotle
(4) Victor, ở Pháp, được tìm thấy trong rừng năm 1800, 12 tuổi, có hành vi như người rừng. Sau này được dạy hành vi xã hội (tắm nước, chơi trò chơi ...), sống được 28 năm nhưng vẫn câm. Genie (Mỹ, 1970), 13.5 tuổi, bị nhốt 12 năm, trí tuệ thấp hơn trẻ 2 tuổi, sau 8 năm dạy khả năng ngôn ngữ vẫn nghèo nàn, sai ngữ pháp.
(5) Mã di truyền của mọi người (khoảng 35.000 gien) giống nhau đến 99.99 % và giống của tinh tinh đến 98 %.

1 comment: