Giấc Mộng Bình Thường

Giấc Mộng Bình Thường

(Tiếp theo Cánh Chim Cuối Trời)

      Cả bọn tụ tập ngoài hành lang chứ không chịu vào lớp ngay, bàn cãi ồn ào về bài thi mid-term tuần rồi, lo lắng không biết là có đủ điểm trung bình hay không. Thấy Danny lại gần, Khoa ra dấu cho các bạn, và hạ giọng nói nhỏ hơn:
      -     Suỵt! ông “Tây Lõ” tới đó. Đứng qua một bên để người ta còn có chỗ đi.
      Lâm bụm miệng cười vì vì cái tên “Việt Nam hoá” mà Khoa đặt cho ông thầy:
      -     Coi chừng. Ông ấy biết chút tiếng Việt đó.
      Danny đi ngang, gật đầu mỉm cười chào lại đám sinh viên, và thay vì đi thẳng vào lớp, Danny dừng lại hỏi thăm:
      -     Chào các bạn. Các bạn nói chuyện gì mà vui vậy?
      Cả bọn nhao nhao trả lời. Chỉ có Loan im lặng, quay mặt nhìn ra sân trường. Danny  đưa mắt thoáng nhìn Loan, vui vẻ nói với tất cả mọi người:
      -     Các bạn vào lớp đi. Hôm nay chúng mình duyệt lại bài thi tuần rồi.
      Danny Taylor còn quá trẻ và hiền, dạy English Writing, môn học các sinh viên ngoại quốc rất e ngại vì English không phải là ngôn ngữ mẹ đẻ của họ, tuy nhiên Danny rất vui tính nên sinh viên không cảm thấy khó thở như là theo học lớp của các vị giáo sư già lạnh lùng. Sinh viên Mỹ nhiều đứa lấc cấc, không coi thày ra gì, nhưng đám sinh viên Việt Nam thì trái lại lúc nào ngoan ngoãn, dễ thương nên Danny rất mến.
      Trong đám sinh viên Việt, Danny chú ý tới Loan nhất vì khác với các bạn lúc nào củng vui nhộn, Loan luôn luôn trầm lặng gần như u buồn. Nét đẹp Á Đông của Loan như bông hoa lạ trong vườn. Những lúc bàn tay với những ngón dài trắng hồng của Loan đưa lên vén mái tóc ngang lưng qua một bên, để lộ cái gáy trắng ngần, ai cũng thầm ngưỡng mộ, thế nhưng đôi mắt đen xâu thẳm của Loan lúc nào cũng hình như nhìn về một nơi rất xa xôi. Danny đã nhiều lần thẫn thờ ngắm Loan nhưng vì cương vị giáo sư nên vẫn cố gắng giữ một khoảng cách.

      Danny mỉm cười, nói với cả lớp:
      -     Khi yêu cầu các bạn  viết về một biến cố ảnh hưởng tới đời sống của các bạn tôi không ngờ là đã được đọc những bài rất lý thú, vui có, buồn có, và có vài bài thật hay tôi muốn chia xẻ với mọi người hôm nay.
      Danny ngừng nói, lấy từ biefcase ra một xấp giấy, hắng giọng và bắt đầu đọc thật chậm, thỉnh thoảng ngừng lại, cao giọng phê bình, khen ngợi hay giảng giải thêm. Các bài không được mang ra đọc Danny cũng cẩn thận mang đến tận tay sinh viên với lời khích lệ. Loan cũng như mọi người, hồi hộp chờ xem bài viết của mình có được điểm tốt hay không. Thấy mọi người đều đã nhận được bài, và ai hình như cũng có vẻ vui mừng, Loan càng nóng ruột. Bài cuối cùng Danny còn giữ trong tay là bài của Loan. Danny tới gần nhưng thay vì đưa cho Loan, Danny nhỏ nhẹ:
      -     Loan, bài của em rất là đặc biệt, nhưng có vài điểm tôi muốn biết thêm. Em gặp riêng tôi tại văn phòng sau tiết học này được không?
      Loan bối rối:
      -     Dạ. Em sẽ tới, nhưng không biết …
      Danny vội vã xua tay:
      -     Không có gì quan trọng. Tôi chỉ muốn góp ý với em về bài viết đặc biệt này thôi.
      Loan gật đầu, nói khẽ:
      -     Cám ơn thày.
      Danny mỉm cười, đưa mắt nhìn đồng hồ treo trên tường, và ra dấu cho cả lớp là đã hết giờ. Cả lớp ồn ào đứng dậy, vài sinh viên bu quanh Danny, khiếu nại hoặc hỏi thêm về những lời nhận xét Danny viết.
      Loan chậm rãi ra khỏi lớp, Khoa chạy theo sau, nói nhỏ:
      -     Hi hi, ông “Tây Lõ” khoái Loan lắm đó, Loan biết không?
      Loan gắt nhẹ:
      -     Nói nhảm. Bài của Khoa được điểm cao không?
      Khoa mỉm cười:
      -     B minus. Đủ xài!
      -     Không biết bài của Loan ra sao. Ông Taylor làm Loan hồi hộp quá.
      Khoa trấn an:
      -     Yên chí đi. Đước gọi lên văn phòng chắc là để khen…
      -     Hay là để mắng!
      -     Học giỏi và … dễ thương như Loan ai nỡ mắng.
      -     Xí!
      -     Thật mà. Hôm nọ ông Taylor gặp Khoa ngồi một mình tại cafeteria, ông ấy tới ngồi chung bàn và hỏi Loan đâu sao không thấy. Khoa nói không biết, ông ta nửa đùa nửa thật, nói hai người là boy friend/girl friend mà sao lại không đi ăn chung!
      Loan lườm Khoa:
      -     Rồi Khoa nói sao? Nhận vơ hả?
      Khoa cười hì hì:
      -     Đâu có. Khoa chỉ cười chứ không cải chính. Ông ta có vẻ buồn.
      -     Xạo!
      -     Thật mà.
      Thấy Danny đã ra khỏi lớp học và đang đi về phiá văn phòng, Loan vẫy tay chào Khoa, bước vội theo Danny. Khoa nói với theo:
      -     Good luck, Loan.

0O0
     
      Danny mời Loan ngồi xuống ghế cạnh bàn, hỏi thăm như thể là đang nói chuyện với một người bạn:
      -     Loan khoẻ không? Em uống chút cà phê nhé.
      Loan vội vã lắc đầu:
      -     Em vẫn thường, nhưng cám ơn thày, em không biết uống cà phê.
      Danny mỉm cười:
      -     Tiếc là không có nước trà để mời em. OK, chúng mình vào việc nhé.
      -     Dạ.
      -     Bài của em rất mới lạ. Các bạn người Việt của em thường viết về chiến tranh VN, về vượt biên tìm tự do, hoặc về những khó khăn khi mới định cư tại đất nước này. Các đề tài đó đã được nói đến nhiều nên không còn gây xúc động cho người đọc như lúc ban đầu. Em viết về chiến tranh Iraq, về tấm lòng của người di dân trẻ đối với quốc gia này, và niềm đau đớn chia lìa của những người yêu nhau. Tôi đọc và thấy xúc động, dù rằng bài viết có vài lỗi kỹ thuật nhỏ. Tôi chắc đây là câu chuyện có thật chứ không phải hư cấu, đúng không Loan?
      Loan khẽ thở dài:
      -     Dạ. Đó là câu chuyện có thật, nhưng không biết là em có viết ra được tất cả những chi tiết cần phải có hay không.
      -     Tôi nghĩ là em đã viết rất rỏ ràng và mạch lạc. Tôi cảm nhận được tâm tình của người viết nên đã cho bài của em điểm A minus.
      -     Em cám ơn thày.
      -     Tôi sẽ sửa chữa vài lỗi kỹ thuật cho thích hợp với lối viết thông thường của người Mỹ, và xin phép em cho tôi xử dụng bài viết của em làm tài liệu dạy học. Em bằng lòng chứ?
      Loan e dè:
      -     Dạ được, nhưng xin thày đừng dùng tên thật của em, và nhất là tên của người phi công trong truyện.
      -     Được, tôi sẽ không dùng tên thật. Cho tôi chia xẻ với em vài cảm nghĩ nhé.
      -     Dạ.
      -     Trông em lúc nào cũng u buồn. Người phi công tử nạn tại chiến trường Iraq đã hơn ba năm rồi, em cũng nên nghĩ tới tương lai của riêng em.
      Loan cười buồn:
      -     Ba năm hay mười năm thì cũng thế thôi. Em vẫn còn thương nhớ anh ấy.
      -     Dù chưa bao giờ gặp mặt nhau một lần?
      -     Dạ. Đọc thư anh ấy viết, nghe anh ấy tâm tình qua điện thoại, xem những tấm hình anh ấy gửi về, em có cảm tưởng như là chúng em đã quen biết nhau từ kiếp nào.
      -     Tôi biết người Á Đông theo đạo Phật thường tin vào duyên kiếp. Em cũng là Phật tử, phải không?
      -     Dạ.
      Danny bỗng nhiên thở dài:
      -     Tôi ước gì cũng có được một tình yêu nồng ấm như thế.
      Loan yên lặng cúi đầu. Danny nhìn Loan thiết tha:
      -     Tôi thành thật cảm phục tình yêu thánh thiện của em, nhưng tôi mong một ngày nào rồi em cũng sẽ có một đời sống gia đình hạnh phúc.
      Loan ngập ngừng:
      -     Em cám ơn thày. Cái ngày nào đó có thể sẽ xảy ra, và nếu nó xảy ra một cách tự nhiên thì cũng có thể là duyên số. Lúc này em chưa nghĩ tới, chỉ chú tâm học cho bố mẹ em vui lòng. Chỉ còn một năm nữa là em tốt nghiệp.
      -     Sắp tới mùa hè. Em có đi đâu xa không?
      -     Dạ không. Em còn phải đi làm để kiếm tiền học phí.
      -     Em làm ở đâu?
      -     Em làm việc cho tiệm  Starbuck gần trường.
      Danny bật cười:
      -     Em làm cho tiệm cà phê mà lại không biết uống cà phê!
      Loan mỉm cười ý nhị:
      -     Em thích mùi hương nồng hơn là vị đắng trên đầu lưỡi.
      Danny gật gù:
      -     Bây giờ thì tôi hiểu tại sao tình yêu xa cách lại nồng nàn. Em để tôi giữ bài viết của em nhé. Cám ơn em rất nhiều.
      Loan đứng lên, cúi đầu chào Danny, vội vã ra khỏi văn phòng, không biết là Danny đang đăm đăm nhìn theo cùng với tiếng thở dài.

0O0

      Tiệm cà phê Starbuck lúc nào cũng đông khách. Người ta đứng xếp hàng dài chờ order khiến Loan bận luôn tay. Chiếc cell phone rung trong túi quần nhưng Loan không thể nào rút ra để trả lời. Chắc là Khoa gọi, Loan nghĩ thầm, có lẽ là lại hẹn hò đi movie hoặc ra biển chơi đó thôi. Khoa là bạn rất thân nhưng không phải là người yêu, có lẽ vì Khoa thích hợp với tính tình  vui vẻ của Châu, em gái Loan, hơn là nét u buồn cố hữu của Loan. Hơn thế nữa, Khoa biết Loan có chuyện tình buồn nên không muốn khuấy động.
      Được nghỉ 15 phút Loan mở phone ra xem ai gọi. Không phải từ Khoa mà từ nhà. Loan hấp tấp gọi về, nghĩ thầm cả nhà đều biết là Loan đang đi làm lúc này mà còn gọi nên chắc là có gì khẩn cấp. Châu bắt phone, và mới vừa nghe em “hello” là Loan đã hỏi vội vàng:
      -     Nhà có chuyện gì hả Châu?
      Tiếng Châu ngập ngừng trong phone:
      -     Mọi việc bình thường, nhưng có một lá thư lạ lắm nên em muốn gọi cho chị biết ngay.
      -     Lạ là sao?
      -     Tên người gửi là Đức, Hoàng Minh Đức!
      Loan giật mình hốt hoảng:
      -     Đức? Thật hả Châu?
      -     Vâng. Đúng là chữ anh Đức. Em còn nhận biết mà. Em mang tới cho chị ngay bây giờ nhé?
      Loan nghe tim mình đập mạnh trong lồng ngực:
      -     Đừng! Chị xin nghỉ về nhà ngay bây giờ.
      Có thể nào như thế được không? Bao nhiêu năm nay mình cứ nghĩ là anh không còn trên cõi đời này, tuy rằng trong hồ sơ người ta vẫn ghi là “Missing In Action”, vì toán cấp cứu không tìm được dấu vết nào của anh sau khi phi cơ của anh bị bắn rơi. Loan vừa lái xe vừa suy nghĩ miên man. Nếu là thư của anh thì không biết là anh viết lúc nào. Có bao giờ một lá thư gửi hơn ba năm mới tới tay người nhận? Ừ, biết đâu được, mình đã từng nghe chuyện này thời đệ nhị thế chiến rồi mà!

      Châu dúi vào tay chị chiếc phong bì màu xanh.  Loan run run đưa lên cao ngắm nhìn. Không phải là mầu phong bì ngày xưa nhưng nét chữ thì đúng là của người xưa. Châu sốt ruột dục dã:
      -     Mở mau ra xem đi chị. Lạy trời …
      Loan luống cuống xé phong bì. Lá thư chỉ là một trang giấy mỏng:

“Em yêu,

      Không biết là anh xưng hô với em như vậy có còn đúng không? Hơn ba năm rồi, bao nhiều là thay đổi, bây giờ em ra sao, có còn giây phút nào nghĩ tới anh?
      Anh mới từ cõi chết trở về. Phi cơ anh bị bắn rơi nhưng anh chỉ bị thương. Hệ thống ghế an toàn hất anh ra trước khi phi cơ phát nổ, và anh đã bị bắt làm tù binh, bị giam hãm mấy năm trời mới được một lực lượng đặc biệt hành quân cứu thoát. Anh hiện đang điều trị tại quân y viện của Hải Quân tại San Diego.
      Trong những tháng năm bị giam hãm, bị tra tấn hành hạ anh tưởng là mình khó thoát chết nhiều lần. Hình bóng em và tình yêu của chúng mình đã giúp anh phấn đấu từng giây từng phút để sống còn. Khi trở về tới Mỹ anh muốn gọi em ngay để tỏ lòng nhớ thương, nhưng rồi anh sợ là sẽ ngỡ ngàng, cho em và cho anh. Anh chọn cách viết thư vì muốn kéo dài niềm hy vọng. 
      Đời sống này cũng như con nước nổi trôi, anh biết vậy, nhưng dù sao đi nữa xin em cho anh được gặp em một lần vào cuối tuần sắp tới, dù chỉ một lần rồi thôi.
      Khi tới đây em cứ hỏi Betty, bà receptionist. Anh đã từng tâm sự với bà ta về mối tình của chúng mình, và bà ấy biết anh chờ em ở chỗ nào.
      Vẫn còn rất yêu em.

Anh Đức.”

      Loan khóc nấc lên, dòng nước mắt lăn dài trên má nhưng Loan để mặc, hai tay ôm chặt lá thư vào ngực, không nói được lời nào. Châu lo lắng:
      -     Chuyện ra sao hả chị? Có đúng là thư của anh Đức không?
      Loan cố gắng đè nén cơn xúc động, gật đầu, đưa lá thư cho em:
      -     Em xem đi. Thứ Bẩy này chúng mình đi San Diego.
      Bỏ mặc Châu với lá thư, Loan chạy mau vào phòng, ngồi trước bàn trang điểm nhìn vào gương. Em phải làm gì để anh biết là em lúc nào em cũng nhớ thương anh, anh Đức ơi!

0O0
     
      Betty ngồi tại bàn giấy ngay giữa lobby, ngẩng lên nhìn khi nghe Loan nói “Excuse me!”.       Bà ta quan sát chị em Loan vài giây rồi mới hỏi lại:
      -     Tôi giúp được gì cho hai cô nào?
      Loan đáp vội vàng:
      -     Chúng tôi muốn vào thăm Mr. Hoang.
      -     Doug?
      -     Vâng, Đức.
      -     Cô nào là cô Loan?
      Châu chỉ vào Loan, yên lặng không nói tiếng nào. Betty lại đưa mắt quan sát Loan vài giây rồi mới nở một nụ cười:
      -     Cô thật là đáng yêu. Thảo nào Doug thương nhớ cô.
      Loan nhỏ nhẹ:
      -     Cám ơn bà. Anh Đức ở phòng nào? Chúng tôi vào thăm được không?
      Betty đứng lên, đưa tay vẫn Loan và Châu theo mình. Khi tới gần cánh cửa kính mở ra khoảng sân rộng đầy bóng mát, Betty ngừng lại,  chỉ ra ngoài:
      -     Cô thấy không? Chiếc ghế đá dài màu xanh kia kià. Doug ngồi đó chờ cô từ sáng nay. Cô tới gặp Doug đi, cẩn thận đừng làm anh ấy xúc động thái quá nhé.
      Loan gật đầu cám ơn, cùng Châu mở cửa đi về nơi Đức đang ngồi.  Bước chân Loan thật nhẹ và chậm như sợ làm kinh động thiên nhiên im vắng của buổi trưa hè. Châu lùi lại phiá sau, để dành cho chị những giây phút riêng tư đã chờ đợi từ bao tháng năm mỏi mòn.
      Người đàn ông cao và gày trong bộ áo quần bệnh viện ngồi đó lơ đãng nhìn ra thảm cò xanh mịt mùng, nghe tiếng động của bước chân trên lá khô, ngước mắt lên nhìn. Nước mắt ứa ra, Loan gọi nhỏ:
      -     Anh Đức.
      Đức đứng bật dậy, đưa hai tay ra phía trước:
      -     Loan?  Phải em Loan không?
      Loan gật đầu, chạy tới nắm hai bàn tay Đức, để mặc cho hai dòng nước mắt chảy dài trên má, nghẹn ngào không nói lên lời.
      Châu vẫn đứng quan sát từ xa, nuớc mắt Châu cũng ứa ra khi thấy hai bàn tay gày gò của Đức đưa lên ôm khuôn mặt của Loan. Hai cánh tay Loan ôm ngang thân hình Đức, và rồi họ gục đầu trên vai nhau. Châu quay mặt đi lau giọt nước mắt của mình, đứng tránh sau một bóng cây, dành cái không gian yên tĩnh riêng cho đôi tình nhân.

      Chợt Châu nghe Loan gọi tên mình, tiếng gọi như giọng hò dễ thương. Châu thấy hai người đã ngồi dựa sát nhau trên ghế đá, và Loan đang giơ tay vẫy mình. Châu tiến lại gần, vừa đi vừa mỉm cười. Đức muốn đứng lên để đón Châu theo phép lịch sự nhưng Loan giữ anh lại:
      -     Anh ngồi yên cho đỡ mệt. Em Châu đó.
      Nhìn gần Châu thấy khuôn mặt Đức dù gày gò nhưng đầy nét cương nghị, và vẫn còn nét đẹp phong trần như trong những tấm hình mà Loan cho Châu xem. Châu gật đầu:
      -     Em chào anh Đức. Anh khoẻ không?
      Đức cười thật tươi:
      -     Anh khoẻ. Cám ơn Châu đã lái xe đưa Loan xuống thăm anh.
      Châu ngồi ngay xuống bãi cỏ, tựa vào chân chị, mỉm cười:
      -     Ăn thua gì anh. Từ trên đó xuống đây chưa đầy hai tiếng. Nếu có phải lái xe 24 giờ em cũng vẫn đưa chị Loan đi gặp anh. Bao giờ anh xuất viện và đi bay lại?
      -     Anh vừa mới nói với Loan xong. Cánh tay phải và vai anh bị gẫy, đã lành nhưng còn yếu. Anh sẽ không bao giờ lái được máy bay nữa.
Quay sang nhìn Loan, Đức nói tiếp:
      -     Anh sẽ không đi đâu quá xa Loan. Vài tuần nữa xuất viện anh sẽ được về Monterey học postgraduate nghành Operations Research vài năm rồi sẽ phục vụ tại một cơ quan đâu đó trên đất liền.
      Loan chỉ âu yếm nhìn Đức, không nói một lời. Đức đưa bàn tay xanh xao vuốt tóc Loan:
      -     Em nhớ không, anh đã từng viết cho em là anh có những ước mơ đội đá vá trời, muốn bay bổng lên trời xanh và hoà mình vào vũ trụ, nhưng anh cũng có những ước vọng rất tầm thường như được vuốt mái tóc người con gái mình yêu thương. Anh đã có em, anh không còn mong gì hơn là một giấc mộng bình thường.
      Loan ôm cánh tay Đức ngước mắt nhìn trời xanh:
      -     Mấy năm nay năm nào em cũng ra biển thả cho anh một bông hồng. Năm nay em sẽ buộc hai trái bong bóng bay vào nhau, và thả lên trời cho hai đứa chúng mình.
      Châu cười vang:
      -     Vui buồn gì chị tôi cũng vẫn lãng mạn. Bây giờ em ra phố thăm một cô bạn gần đây. Chiều em trở lại đón chị Loan nhé.
      Loan gật đầu, đưa mắt thầm cám ơn em. Khi Loan đi rồi không gian trở lại yên vắng, chỉ có tiếng chim hót trên cành và tiếng chuyện trò thủ thỉ của hai người hình như đã thương yêu nhau từ kiếp nào.

Trần Quang Thiệu
July, 2011

No comments:

Post a Comment