Mưa Cho Tình Nồng

Mưa Cho Tình Nồng


      Trời đã về chiều nhưng nắng vẫn còn chói chang. Hảo khệ nệ xách gói đồ ra khỏi taxi, ngán ngẩm nhìn building Cửu Long trên đường Hai Bà Trưng. Ở đâu không ở lại chọn lầu ba cái toà nhà hắc ám toàn ca-ve với nghệ sĩ mà cư ngụ! Mỗi lần phải tới tìm Huy, Hảo không khỏi cằn nhằn:
-     Chán cái chỗ anh ở quá, leo cầu thang bắt mệt. Hơn nữa, mấy cô ca-ve nghe tiếng guốc, mở cửa nhìn em cười nhăn nhở, cứ làm như là em đến thăm bồ không bằng!
      Huy chỉ cười khì, đôi khi lắc đầu, con gái lắm chuyện, may mà mình chỉ có một bà cô và một cô em họ. Có vài ba đứa chắc phải bỏ Sài-Gòn lên cao nguyên. Huy đỡ gói đồ trêntay Hảo:
-     Cô sai em mang cho anh cái gì thế này!
      Hảo bĩu môi:
-     Nghèo mà ham. Ai nói anh là của mẹ em? Của em đó, và em nhờ anh mang ra Nha Trang cho bạn em chứ không phải cho anh. Ngày mốt tàu anh đi Nha Trang, đúng không?
      Huy giơ hai tay lên trời, làm ra vẻ như thất vọng:
-     Vậy mà anh tưởng cô và em còn nhớ tới anh!
-     Xí! không nhớ mà giỗ tết nào cũng mời! Lâu lâu còn bắt em đi tìm anh tới ăn cơm, ‘tội nghiệp nó, xa nhà, một thân một mình, chẳng ai trông nom’. Ở đó mà anh một thân một mình, mấy cô ca-ve phòng bên cạnh để cho ai!
      Huy cười trừ:
-     Anh nghèo kiết xác, ở đó mà mấy cô đó thèm. Thỉnh thoảng có ‘văn gừng văn nghệ’, ca hát, đấu hót với nhau thì có. Mà thôi, Hảo nhờ anh mang gì ra Nha-Trang? Sao không gửi bưu-điện? Gửi anh lắc  con tàu đi, lâu lắm mới tới.
      Lại cái trò lười biếng đây, Hảo trừng mắt:
-     Không được! Anh phải trao tận tay bạn em. Gửi bưu điện vỡ hết … bánh tráng! - Hảo cười hi hi – Đùa anh đấy, một ít vải vóc bạn em nhờ mua, và một ít bánh trái em gửi cho nó. Anh mang giúp em, gửi bưu-điện sợ không tới nơi, vả lại em … hết tiền rồi!
-     Bạn em? Ai đó, anh biết không?
      Hảo lắc đầu:
-     Không! Con nhỏ này dân Nha Trang, vào Sài- Gòn học với em ít lâu, chán đời bỏ về với mẹ! Anh chưa gặp nó bao giờ!
      Huy cười cười:
-     Bạn em nhát thấy bà! Gặp mặt là bỏ chạy nên anh chẳng biết ai vào với ai. Hảo giới thiệu cho anh cô bạn ở Nha Trang này nhé.
-     Thôi đi ông. Bạn em nghe tiếng ‘lính thủy’ là chúng chạy dài. Với lại …
      Hảo ngập ngừng không nói tiếp. Huy cũng chỉ đùa rỡn vu  vậy thôi chứ cũng chẳng có ý-định gì nên chỉ cười xòa:
-     Thôi được, để anh mang hộ em gói đồ này ra Nha Trang. Bây giờ có cần anh đưa về không hay còn bận đi tìm thằng Thủ bạn anh?
      Hảo lườm Huy:
-     Hổng thèm. Bạn anh cũng cà-chớn như anh vậy.
      Huy cười ha hả:
-     Sai! Thằng Thủ hiền khô. Cô cũng khen nó con nhà gia giáo. Thôi chịu đi!
      Mặt Hảo đỏ bừng:
-     Còn lâu! Mà ai khiến anh …
      Huy chỉ cười xòa, đưa tay khép cửa phòng và dẫn Hảo ra lối cầu thang. Con gái, nhức cái đầu. Mẹ thì chỉ muốn gả chồng cho xong nợ nhưng con còn kén chọn, mà thời chiến, không lấy lính thì lấy ai. Chả lẽ ở không rồi chổng mông mà gào. Huy mỉm cười nhìn Hảo nhưng không nói. Hảo hỏi:
-     Anh cười cái gì? Lại muốn chọc quê em hả?
      Huy lắc đầu, miệng vẫn mỉm cười:
-     Đâu dám. Anh còn đang mong cô và Hảo cho anh ăn cơm tối nay, - và bỗng dưng Huy thở dài – cơm hàng và ‘cơm tàu’ chán quá em ơi!

o0o

      ‘Cơm tàu’ do mấy ông thủy thủ nấu Huy nuốt không vô, nhất là khi trời sóng gió, vừa ăn vừa nghiêng ngả theo con sóng vỗ, chỉ còn có nước bỏ vô phòng nằm nhai bánh mì khô. Tàu tơí bến là Huy nhẩy ngay lên bờ đi tìm mấy thằng bạn cùng khoá đang phục vụ trên bờ, rủ nhau đi chơi cho tới khuya mới về. Huy nhiều bạn, bến bờ nào cũng dăm ba đứa nên gặp nhau là tíu tít quên ngày quên tháng. Cả tuần nay Huy lang thang hết chỗ này tới chỗ nọ với bạn bè, ngày mai tàu nhổ neo rời Nha Trang đi Qui Nhơn Huy mới nhớ ra gói đồ Hảo gửi. Chết mẹ! Mình mà quên thì con nhỏ đó nó xé xác mình. Con gái họ Trần dữ thấy bà, mệt quá nhưng thôi mang cái của nợ này đưa cho bạn nó, mai đi rồi, bao giờ mới trở lại Nha Trang!
      Trời vừa tối, Huy leo lên chiếc xích lô ngồi khật khừ. Người phu xe hỏi:
-     Đi đâu thày?
      Huy giơ cao gói đồ nhờ ánh đèn đường đọc địa chỉ:
-     Phương Sài. Biết đường này không cha nội?
      Người phu xe cười khà khà:
-     Con đường này dân Nha Trang ai mà không biết. Thày ngồi đó đi. Tới liền hà!
      Nghe tiếng chuông gọi cửa Mỵ nghĩ là có đứa bạn nào tới chơi nên vội vàng quăng cuốn tiểu thuyết của Nguyễn Thị Hoàng, chạy ra mở cửa, nhưng chợt khựng lại khi thấy người đàn ông lù lù đứng dưới dàn hoa giấy trước nhà. Trời ơi, không biết có phải anh con Hảo hay không? Nó gửi điện tín cả tuần nay rồi mà sao bây giờ ‘người ta’ mới lừng khừng tới. Coi bộ bụi đời quá ta. Tóc bồng bềnh, râu không cạo, áo T-shirt, quần jean, giầy Bata. Sao nó bảo mình ông ấy là sỹ quan hải-quân!
-     Ông hỏi ai ạ?
      Trời, không nhớ cả tên mình, phải giơ cao gói đồ đọc tên:
-     Tôi tìm cô Mỵ hay Mỹ gì đó!
      Coi đó, tức không:
-     Mỵ anh Huy ạ.
-     Ủa, cô biết tên tôi à?
-     Dạ. Hảo nó báo tin đã … mấy năm rồi. Mời anh vào.
      Huy bật cười:
-     Xin lỗi, tôi tới chậm.
      Huy không nghĩ được lý do gì mình tới chậm nên chỉ đứng đó cười xòa. Mỵ đưa tay đỡ gói đồ, chỉ chiếc bộ bàn ghế kê ngoài sân:
-     Mời anh ngồi chơi cho Mỵ hỏi thăm chút xíu, nhưng để Mỵ xin phép cất gói đồ trước đã.
      Huy muốn ra về liền nhưng thấy Mỵ có gì khác lạ nên gật gù kéo ghế ngồi xuống. Con gái miền biển gì mà da trắng bóc! Tóc cắt ngắn trông ngổ ngáo như con trai. Mới gặp màăn nói đã móc họng, để xem cô nàng còn giở những trò gì! Huy đưa mắt nhìn quanh. Căn nhà nhỏ nhưng dễ thương, giàn hoa giấy che gần kín mảnh sân trước nhà, ánh đèn điện từ cột đèn ngoài con đường yên vắng toả ánh sáng mờ như ánh trăng.
      Mỵ rón rén bưng tách nước trà đặt nhẹ lên bàn. Trong bóng tối nhạt nhoà trông Mỵ như cô gái liêu trai. Mỵ đẩy tách nước trà về phía Huy, nhỏ nhẹ:
-     Mời anh.
      Huy gật gù:
-     Cám ơn cô. Bánh tráng còn nguyên chứ cô?
      Mỵ ngạc nhiên:
-     Bánh tráng nào, anh Huy?
      Huy mỉm cười châm chọc:
-     Hảo nó nói tôi phải cẩn thận, nếu bánh tráng trong gói đồ bể thì phải …
      Huy định nói phải làm tôi mọi cho cô suốt đời nhưng chỉ cười xoà nói thêm là ‘phải đền’. Nhỏ này trông đanh đá, chọc nó nó ‘quạt’ cho vỡ mặt, chẳng dại.
      Cái con Hảo này nó ‘moi’ đâu ra ông anh này mà mình không biết nhỉ?  Mỵ nghĩ thầm, tướng tá thư sinh thế này mà là lính tráng ư. Coi như dân bụi đời chứ ‘hạm trưởng’ với ‘thuyền trưởng’ gì. Để xem có ‘ngon’ không:
-     Nếu có bánh tráng thì chắc cũng thiu rồi anh Huy ạ.
      Huy bật cười:
-     Tôi đã xin lỗi cô về sự chậm trễ rồi mà. Tàu chiến nên không quen việc giao hàng!
-     Chứ không phải là lính thủy ham chơi?
      Huy đành cười trừ:
-     Quả có thế. Xin lỗi cô lần nữa.
      Mỵ chớp mắt, che miệng cười:
-     Mỵ đùa anh chút xíu, thật ra phải cám ơn anh. Bắt được mấy ông ‘khuân vác’ bất cứ cái gì đâu có dễ dàng!
      Biết hết trơn! Huy lảng tránh:
-     Nghe Hảo nói ngày xưa cô Mỵ cũng học trong Sài-Gòn.
      Mỵ nhoẻn miệng cười:
-     Mới đây chứ ngày xưa gì. Học hành không nên cơm cháo, và Mỵ chán cái trường Văn-Khoa, nên bỏ về với mẹ.
      Huy thắc mắc:
-     Rồi cô tính làm gì ở cái xứ này!
-     Chẳng làm gì cả anh Huy ạ. Ngày ngày ra tắm biển, tối về đọc tiểu thuyết, chờ xem có ai rước đi cho khuất mắt cả nhà!
      Con bé này xạo ke! Ngày ngày ra tắm biển mà nước da vẫn trắng bóc. Có lẽ đọc tiểu thuyết cả ngày thì đúng hơn. Đứa nào rước ‘tiểu thư’ về nhà là đời khốn nạn:
 -    Sao mà đời sung sướng vậy! Chả bù cho chúng tôi.
      Lại sắp tả oán đây. Làm như đời anh ‘sương gió’ lắm không bằng:
-     Chứ anh bảo Mỵ làm cái gì bây giờ? Còn anh, bộ anh khổ lắm sao? Lính bộ binh mới khổ chứ lính thủy sướng thấy mồ!
-     Huyền thoại.
-     Là sao?
-     Trừ một số nhỏ, con trai thời này ai cũng khổ cả. Mà thôi không nói chuyện đó nữa. Nha Trang dạo này có gì lạ không cô?
-     Anh hỏi như lâu lắm mới trở lại nơi này.
-     Đúng thế. Lần trước tôi lạc vào đây cũng đã hơn một năm!
-     Lạc? Anh làm như đi lầm đường chứ không muốn đến thành phố này!
      Huy thở dài trầm ngâm:
-     Lần đó chúng tôi từ Philippines trở về, nửa đường gặp bão, la-bàn điện hỏng, radar hư, tàu mất phương hướng, đêm tối mịt mùng, không trăng sao. Tôi phó thác cho số phận, chọn một hướng đi cho tàu bớt lắc , chỉ mong cho thủy thủ đoàn được an toàn, còn trôi dạt tới bến bờ nào sẽ tính sau. Nửa đêm tôi chợt thấy ánh hoả châu soi sáng bầu trời.Người thủy-thủ đứng gần la lớn “Đã về đến Việt Nam mình”.
      Huy ngừng nói, ngước mắt nhìn về một nơi nào đó xa xôi:
-     Vâng, chỉ có VN mình mới có những trái hoả châu soi sáng bàu trời. Ở một nơi nào đó đang có một trận chiến khốc liệt, nhưng cũng nhờ những trái sáng đó chúng tôi lấy được lòng tin và mang được con tàu về nước an toàn. Tàu giạt vào vịnh Nha Trang. Chúng tôi thả neo,  tạm sửa chữa những hư hỏng do bão tố trước khi lên đường về Sài-Gòn, và thực ra cũng chỉ thấy thành phố Nha Trang chứ không đặt chân lên bờ ngày đó dù rất muốn.
      Mỵ thực tình xúc động, nhẹ thở dài:
-     Vậy mà Mỵ cứ tưởng … Dù giạt vào Nha Trang chắc là lúc đó anh Huy cũng rất mừng, phải không?
      Huy gật đầu:
-     Nhìn con tàu tả tơi tôi quả có buồn và mệt mỏi nhưng lúc đóng cửa phòng tạm nghỉ, tôi chợt ứa nuớc mắt mừng vui vì mọi người đã được an toàn. Đời sống nào cũng có những cay đắng và ngọt ngào. Ngay cả các cô, dù còn đang yên vui với gia-đình, cũng có những buồn phiền và băn khoăn về thân phận, đúng không?
-     Dạ đúng. Bây giờ thì Mỵ hiểu rồi … Anh uống nuớc đi, hay anh uống café để Mỵ pha nhé?
      Huy mỉm cười:
-     Thế thì tốt quá. Tôi cũng muốn hút điếu thuốc. Cô không phản đối chứ?
      Mỵ chỉ cười nhẹ quay vào trong nhà. Huy rút điếu thuốc gắn lên môi, châm lửa, hít một hơi dài. Chắc là phải bỏ thuốc thôi. Mấy người con gái mình quen thì họ tế nhị không nói, nhưng cái con bé Hảo thì chẳng e dè, hỏi mình hút thuốc hôi thế thì con gái nào dám hôn? Có lẽ đúng cho nên mình vẫn không có được người yêu con cái nhà lành!
      Huy ngồi nhìn vẩn . Đêm Nha Trang  trời mát dịu, mai lại đi rồi không biết bao giờ mới lại có dịp trở về nơi đây. Mấy năm ở quân trường, nằm nghe gió hú qua hàng dương, nghe sóng biển vỗ bờ như lời ru còn để lại bao nhiêu là vấn vương. Trôi nổi thế mà cũng đã gần mười năm, chẳng biết là sẽ tới đâu, thế nhưng đó là thân phận mình. Cũng đành!
      Mỵ trở lại mang theo hai tách càfé bốc mùi thơm:
-     Mỵ uống với anh cho vui. Café đen. Anh cần sữa đặc không?
      Huy lắc đầu pha trò:
-     Không, để cho cay đắng mùi đời.
      Dưới ánh đèn mờ con mắt Mỵ mở to đen láy:
-     Anh mới nói là có cay đắng và cũng có ngọt ngào. Café và cuộc đời, anh Huy nhỉ.
-     A! Đúng là dân văn-khoa.
      Mỵ chỉ mỉm cười, nghiêng đầu cúi nhìn vào tách café không nói. Huy cũng yên lặng ngắm nhìn khuôn mặt thanh tú. Bất chợt Mỵ nhìn lên, bối rối đưa tay vuốt tóc lảng tránh ánh mắt Huy.
      Khá khuya Huy mới đứng lên cáo từ:
-     Café ngon quá, dư vị thật là ngọt ngào. Chắc là đêm nay tôi mất ngủ, nhưng vẫn xin cám ơn cô Mỵ rất nhiều.
      Mỵ mỉm cười như thể là đã hiểu câu nói đầy ẩn ý:
-     Mỵ cũng xin cám ơn anh. Mai anh lên đường, chúc biển êm gió lặng, và nếu có giạt vào vịnh Nha Trang thì xin mời tới uống café … Mỵ!

o0o

      Ba bốn chuyến công tác liền, chuyến nào cũng dài hàng tháng, Huy mệt nhoài nhưng thở phào khoan khoái khi tàu về đến Sai-Gòn. Tàu sẽ lên ụ sửa chữa định kỳ, ít ra là Huy cũng sẽ được ở Sài- Gòn vài ba tháng, và 10 ngày phép thường niên đang đợi chờ. Huy vừa leo lên cầu thang toà building Cửu Long vừa nghĩ ngợi. Không biết là nên về Đà Lạt thăm gia-đình hay là ở lại Sài-Gòn đi chơi với tụi thằng Thủ. Cái thằng hiền như đất, cả ngày không mở miệng, chỉ cười tủm tỉm mà lại đào hoa. Còn mình tán nhăng tán cuội, chẳng đi đến đâu nên vẫn mồ côi đào! Huy huýt sáo mở cửa phòng, nhặt mảnh giấy ai đó luồn qua khe cửa. À, thư của Hảo:
  “Tưởng anh đã về, đến  nhưng không gặp. Có chuyện cần. Anh tới em ngay nhé. Hảo”.

      Thư đề ngày hôm qua. Huy nhún vai, con gái việc gì cũng cho là cần, kệ nó, ngủ một ‘phát’ đã, mai tới xem nó muốn sai bảo gì. Sáng chủ nhật, nếu nó có giận, mời nó một chầu ciné và kem Mai Hương là yên chuyện. Phải rủ cả thằng Thủ. Có nó cô nàng bớt hung hăng con bọ xít!
      Người mở cửa cho Huy và Thủ không phải là Hảo mà lại là Mỵ. Huy ngơ ngác nhưng Mỵ mặt tỉnh :
-     Anh về từ hôm qua, Hảo nó viết giấy nhắn sao bây giờ mới đến?
      Huy ngạc nhiên:
-     Sao cô biết?
      Mỵ chỉ Thủ:
-     Anh Thủ nói!
      Huy càng ngạc nhiên:
-     Cô biết Thủ hả?
-     Anh Thủ là dân Nha Trang, anh quên rồi sao. Ngày xưa anh ấy học Võ-Tánh, cùng một lớp với anh lớn của Mỵ!
      Thủ cười toét miệng:
-     Mỵ nó tới tìm tao, hỏi thăm bao giờ tàu mày về mấy bữa nay.
      Mỵ đỏ mặt luờm Thủ:
-     Mỵ hỏi có một lần. Anh đừng có xạo!
      Huy tức tối nhìn Thủ:
-     Cái thằng! Mày ngồi sau yên xe tao mà sao không cho tao biết?
      Thủ lại toét miệng cười:
-     Mày đâu có hỏi!
      Huy nhìn bạn lắc đầu, chợt thấy Mỵ nhìn mình cười bằng mắt, Huy nhỏ giọng hỏi:
-     Hảo đâu? Mỵ vào Sài-Gòn bao giờ, vào chơi hay có việc gì?
      Mỵ không trả lời thẳng vào câu hỏi, chỉ vào trong nhà nói với Thủ:
-     Hảo đang ủi quần áo. Nếu các anh không tới là tụi này đi Bonard bát phố với nhau rồi. Anh Thủ vào trong nhà gặp Hảo đi.
      Mỵ cúi đầu tránh đôi mắt chăm chú của Huy, giọng nói thật dịu dàng:
-     Anh còn mệt không?
      Huy lắc đầu, ngồi xuống chiếc ghế bành ngoài phòng khách. Mỵ cũng ngồi xuống chiếc ghế đối diện với Huy, đầu vẫn cúi, không nhìn Huy. Mới có mấy tháng mà Mỵ trông khác hẳn.  Mái tóc đã để dài chấm bờ vai, da vẫn trắng hồng nhưng mắt hình như có vẻ buồn, không còn những ánh tinh nghịch như ngày nào Huy gặp ở ngoài Nha Trang.
      Sau lần gặp gỡ đó Huy nghĩ tới người con gái thật nhiều. Đã có lần Huy muốn viết thư nhưng rồi chần chừ bỏ qua. Để làm gì nhỉ?  Một lần thoáng gặp, sợ rằng cô ấy chẳng còn nhớ mình là ai. Mà mình có biết gì nhiều về cô ta. Hình như đó là một cô gái không giản dị, sống nhiều về nội tâm, và có vẻ như bất cần đời. Hơn nữa đời sống tình cảm của Mỵ ra sao, mình chẳng biết. Mỵ có người yêu chưa? Để bữa nào hỏi Hảo xem nó có biết không. Người ta có người yêu rồi mà mình viết thư, dù chỉ là thăm hỏi, thì chẳng ra ‘cái thống chế’ gì!
      Mỵ ngồi đó cúi mặt. Tưởng chẳng bao giờ gặp lại anh. Không biết anh ấy có còn nhớ gì lần gặp gỡ ngắn ngủi, hay là lại ‘giạt’ vào một bến nào, chẳng bao giờ nghĩ tới mình. Tìm anh để làm gì? Gặp rồi nói gì đây. Ánh hoả châu dẫn đường cho tàu anh về. Còn mình sao không ai chỉ cho mình một lối đi, một con đường, nên đành mặc cho dòng đời đưa đẩy!
      Huy phá vỡ sự im lặng:
-     Mỵ còn ở Sài-Gòn lâu không?
      Mỵ ngước mặt nhìn Huy, cố giữ cho tâm hồn bình thản:
-     Em còn ở đây hơn một tuần. Anh …
      Mỵ ngập ngừng vì chợt nhận thấy mình vừa đổ cách xưng hô. Giọng Huy như reo vui:
-     Anh cũng còn ở đây lâu, và đang nghỉ phép. Nếu Mỵ cần, anh …
      Và Huy cũng ngập ngừng:
-     Anh làm tài xế cho em.
      Mỵ đã lấy lại được bình tĩnh:
-     Thật nhé. Hảo nó bận đi học. Em muốn đi quanh quẩn để mà nhớ. Chẳng biết có bao giờ mới trở lại lần nữa hay không.
      Huy bật cười:
-     Từ  Sài-Gòn đi Nha Trang có vài trăm cây số. Em làm như là xa cách một đại dương. - Giọng Huy trở lại bông đùa – Mà có xa cách một đại dương tàu anh cũng ‘bò’ tới nơi đón em về Sài-Gòn.
      Mỵ nhìn anh đăm đăm, giọng như thoáng buồn:
-     Nhớ nhé! Nhưng chỉ sợ anh không giữ được lời.
      Huy bỏ ghế ngồi, đến gần Mỵ:
-     Mỵ biết không, nếu có trận bão nào giạt tàu anh về vịnh Nha Trang một lần nữa anh sẽ rất vui mừng. Em đi dạo phố với anh nhé?
      Mỵ ngước nhìn Huy, e dè gật đầu. Tiếng Hảo vọng ra từ nhà trong:
-     ‘Anh chị’ đi chơi, cho em ‘mượn’ ông Thủ, nhờ ống ấy sơn lại cái bàn học Op-Art cho em.
     
      Huy chở Mỵ trên chiếc xe Lambretta. Mỵ ngồi nép vào lưng Huy, như một đôi tình nhân. Gửi xe tại đường Bonard xong, Huy âu yếm hỏi Mỵ:
-     Em muốn đi đâu?
      Mỵ nhìn anh dịu dàng:
-     Đâu cũng được, miễn là …
      Ừ đâu cũng được, miễn là có anh cho em tựa bờ vai. Em mơ ước phút giây này từ lúc đứng trước cửa nhìn anh ra về lần gặp gỡ đầu tiên đó. Anh đi biền biệt, không một lời thăm hỏi, em đã buồn, rất buồn. Bây giờ có anh đi vớí em, dù chỉ một đoạn đường, em cũng rất vui.
      Giọng Mỵ như mơ màng:
-     Hay là anh cho em ra bờ sông. Em muốn thấy con tàu của anh.
      Hai người đi tàn bộ trên đường Tự Do đầy lá me bay. Sài-Gòn buổi sáng trời còn mát mẻ, Huy đi thật chậm, nắm nhẹ bàn tay Mỵ. Mỵ đi sát vào Huy, đôi khi nghiêng mái tóc để nhìn Huy cho được rõ ràng, và đôi khi như muốn ngả đầu dựa lên bờ vai Huy. Hương tóc làm Huy ngất ngây. Nếu có em trong đời chúng mình có thể đi mãi trên con đường này dù xa bao nhiêu. Sao chúng mình không có nhau sớm hơn để cho đời sống bớt u buồn.
      Gió sông Sài-Gòn thổi nhẹ, tà áo dài của Mỵ bay quấn quít đôi chân. Huy chỉ con tàu neo giữa dòng:
 -    Tàu anh đấy. Chờ lên ụ sửa chữa nên tiếc là không thể đưa em lên xem hôm nay.
      Mắt Mỵ nhìn xa vời vợi:
 -    Cám ơn nó đã đưa anh tới Nha Trang ngày đó. Anh biết không, em nhờ Hảo đi tìm anh. Nếu sáng nay anh không tới chắc là em khóc hết nước mắt.
      Huy hôn nhẹ lên mái tóc Mỵ, không nói một lời. Anh lang bạt, chẳng có cuộc tình nào ra hồn, bây giờ có em, đời thật vui. Đi với anh để cho anh săn sóc em suốt đời. Biết đâu rồi Nha Trang chẳng trở thành quê hương của riêng chúng mình. Cám ơn em, Huy thì thầm.

o0o
     
      Huy bỏ hẳn ý-định về Đà Lạt thăm nhà. Ngày nào Huy cũng tới đón Mỵ đi chơi từ sáng sớm, chiếc Lambretta lọc cọc của Huy đưa hai người tới những nơi vắng vẻ như Lái Thiêu, Biên Hoà, để ngồi dựa vai nhau thủ thỉ chuyện trò. Mấy lần Huy đã muốn rủ Mỵ về căn phòng tại cao ốc Củu Long nhưng vẫn ngại ngùng, sợ Mỵ buồn lòng, cho tới hôm hai người bị mưa ướt như chuột lột buổi chiều trên xa lộ từ Thủ-Đức trở về. Mỵ rét run, cố vòng tay che ngực áo nhưng vẫn không tránh được những cái nhìn soi mói của người đi đường. Huy trấn an:
-     Em tới chỗ anh, cho khô quần aó rồi hãy về.
      Mỵ không nói, chỉ dựa đầu vào vai Huy, mặc cho Huy phóng xe ào ào dưới trời mưa. Căn phòng Huy bừa bộn nhưng ấm cúng, và Mỵ đã run lên khi những mảnh quần áo cuối cùng được cởi ra và vòng tay Huy khép chặt. Hai người không nghe thấy tiếng mưa rơi, chỉ có hơi thở nặng nề, và tiếng nấc nghẹn ngào. Không, không bao giờ em hối tiếc, anh yêu. Mai đây khi không còn có anh bên em thì cơn mưa này, giây phút này, sẽ là những kỷ niệm ngọt ngào. Em yêu anh, em yêu anh nhiều lắm, anh biết không?
      Mỵ còn trở lại căn phòng đó nhiều lần, thật vui, thật cuồng nhiệt khi tới và thật buồn khi ra về. Buổi chiều, vài ngày trước khi Mỵ trở về Nha Trang, Huy thấy giọt nước mắt trên má Mỵ, Huy hôn lên đó và thì thầm:
-     Em đừng buồn. Mai mình lại gặp nhau.
      Mỵ lắc đầu:
-     Anh đừng đến đón em. Mai em và Hảo đi picnic với một một  bạn cũ lâu ngày không gặp, chắc cũng đến chiều tối mới về.
-     Vậy tối anh đến, được không?
-     Chắc là em sẽ mệt, phải đi ngủ sớm.
-     Vậy mốt anh gặp lại em. Cũng gần đến ngày em phải về Nha Trang rồi.
      Mỵ không trả lời, chỉ rúc đầu vào ngực Huy. Có gì thật da diết. Cái hôn chia tay kéo dài và như có vị mặn của nước mắt.

o0o
     
      Hảo mở cửa cho Huy, mồm mếu xệch. Cái gì nữa đây, chiều qua đi chơi về  trễ bị mẹ mắng chứ gì. Lớn tướng rối mà còn khóc nhè:
-     Em bị mắng hả? Mỵ đâu, sao không thấy?
      Mắt Hảo đỏ hoe:
-     Nó đi rồi mà anh không biết thật sao?
      Huy ngạc nhiên:
-     Tưởng là còn vài ngày nữa Mỵ mới về Nha Trang.
      Hảo cúi đầu buồn bã:
-     Nó lên đường đi Pháp hôm qua rồi. Nó bắt em dấu anh, chỉ được cho anh biết khi nó đã đi xa. Tội nghiệp Mỵ. Nó yêu anh, khóc đứt ruột mà đành ra đi.
      Huy ngỡ ngàng:
-     Cái gì? Em nói gì anh không hiểu?
      Hảo thở dài như muốn khóc:
-     Không biết bây giờ nó ra sao. Yêu làm gì cho khổ thân!
      Huy quàng vai em, dìu xuống ghế ngồi:
-     Bình tĩnh nào. Nói anh nghe chuyện gì đã xảy ra.
      Hảo nhìn anh xót thương:
-     Mỵ nó yêu anh từ lần gặp gỡ đầu tiên, nhưng gặp nhau quá muộn. Gói đồ em nhờ anh mang ra cho nó là vải may áo làm đám hỏi. Lúc đó nó đang chán đời vì thi trượt nên nhận lời lấy anh Thúc dù chỉ biết chứ không yêu.
      Huy thấy cổ họng khô rát, và như không tin vào tai mình:
-     Thúc nào? Anh không bao giờ nghe nói.
-     Anh Thúc là giáo-sư triết, thày dạy cũ của Mỵ. Anh ấy được học bổng qua Pháp học lấy bằng tiến-sĩ. Hai gia đình cũng quen biết, và có nợ nần. Mỵ là cô dâu ‘đóng thùng’. Hỏi cưới gì chú rể cũng không có mặt. Hôm qua bố mẹ nó mới từ Nha Trang vào đưa nó lên đường. Nó vào đây ở với em cả tháng để lo giấy tờ đi Pháp, nhưng cũng thú thật với em về mối tình câm, nhờ em đi tìm anh cho nó gặp một lần để thoả lòng mong nhớ, ngờ đâu hai người lại yêu nhau tha thiết. Ngày nào đi chơi với anh về nó cũng khóc. Nhiều lúc đã nói đến chuyện hủy bỏ chuyến đi, nhưng lại thương mẹ, thương gia đình nên không đành. Trên danh nghĩa nó đã là vợ anh Thúc.
      Huy ngồi chết lặng, thẫn thờ:
-     Thảo nào!
      Huy gục đầu xót xa. Sao em khổ thế Mỵ ơi.  Khi em quằn quại yêu thương trong vòng tay anh, anh biết là em đã cho anh cuộc đời. Anh cảm khích mối ân tình, và nghĩ rằng chúng mình đã tìm được nhau. Bây giờ thì anh biết là tại sao mỗi lần chia tay em buồn muốn khóc. Tại số mạng hay là tại chúng mình?
      Huy ngồi đó không nói một lời, mắt nhìn xa vắng. Hảo cũng ngồi yên, khoé mắt vẫn còn long lanh nuớc mắt. Tiếng cô của Huy dịu hiền vọng ra từ nhà trong:
-     Tội nghiệp con bé Mỵ. Thôi các con ạ. Mỗi người có một số phận.

o0o
  Anh yêu dấu,
      Giờ này thì Hảo đã nói cho anh biết hết. Em xin anh tha thứ cho em. Em đã khóc không còn nước mắt. Người ta chỉ nghĩ là em xa gia đình nên nhớ thương. Anh Tâm em từ Nha Trang vào tiễn đưa còn cho là em khóc như ‘thiếu nữ vu qui nhật’. Chỉ có Hảo biết là lòng em đau như cắt, và bây giờ em mới hiểu thế nào là ‘đoạn trường’.
      Em chia tay mà không nói được với anh một lời cũng chỉ vì em quá yêu anh. Và em sợ, nếu anh biết chuyện thì chúng mình sẽ chẳng rứt được nhau, sẽ làm khổ bao nhiêu người, trong đó có mẹ em.
      Chúng mình biết nhau quá muộn màng,  và thời gian ở bên nhau quá ngắn ngủi nhưng  thời gian đó là một đoạn đời sung sướng và hạnh phúc nhất của em. Em muốn quên anh nhưng càng cố gắng càng khắc khoải. Em vẫn còn đau từ hôm sang tới đây, chưa ra khỏi nhà, chưa nhìn thấy phố phường Paris, đóng cửa phòng lén viết lá thư này mà không biết bao giờ mới gửi được cho anh …
      Đêm đêm em nằm khóc âm thầm mặc cho Thúc vổ về. Giá em chết đi, ừ giá em chết đi … anh Huy ơi …
     
      Lá thư gửi về nhà Hảo, không đề ngày tháng, và không có địa chỉ người gửi. Huy biết là Mỵ rất đau khổ nhưng cũng muốn quên, để cho cả hai còn làm lại cuộc đời. Huy cúi đầu, cầm lá thư, từ từ xé nhỏ. Hảo ngồi dựa vào vai Thủ, nước mắt lưng tròng, thương anh và nhớ bạn. Trời bỗng đổ mưa, hạt mưa đập vào cửa kính nhạt nhoà. Huy nhìn ra, Parisbây giờ chắc cũng đang mưa? Huy tưởng như là có ai đó đang đi trong mưa và gọi tên mình.
  Trần Quang Thiệu

No comments:

Post a Comment