Mùa Thu Không Đến
Khải thức giấc nhưng vẫn chưa muốn ra khỏi giường. Hà Nội hãy còn là mùa xuân, trời không còn rét mướt nhưng vẫn se lạnh. Khải nhìn qua cửa sổ căn phòng trên lầu ba khách sạn Jade, nơi Khải cư ngụ hơn ba tháng nay, từ ngày được gửi sang giúp việc cho Ngân Hàng Quốc Tế tại thủ đô của VN. Nắng đã lên cao, và tiếng động của đủ loại xe gắn máy nghe lao xao từ dưới đường. Khải vặn người nhủ thầm, chủ-nhật chẳng lẽ nằm trong phòng, chắc là ra phố kiếm cái gì ăn, và nhân tiện mua quà cho mẹ. Ngày Mother Day ở bên đó đã gần kề. Thế nào mẹ mong mình về như mọi năm.Năm nay con ở xa quá, lớn rồi mà con vẫn nhớ mẹ như những ngày còn thơ dại, mẹ biết không.
Phố Hàng Đào lúc nào cũng đông đúc. Khải đi lẫn trong đám người hỗn tạp. Vài du khách ngoại quốc ngơ ngác nhìn, thấy gì lạ là đưa máy chụp hình, thỉnh thoảng dừng chân mỉm cười thân thiện với những người bán hàng. Khải qua lại đây nhiều lần, mắt nhìn vu vơ, tìm kiếm xem có gì mua được cho mẹ hay không. Chiếc áo gấm ngắn treo lơ lửng ngoài hiên tiệm bán đồ kỷ niệm đập vào mắt Khải. Anh dừng lại đứng nhìn, cô bán hàng xinh xắn mỉm cười cất tiếng chào:
- Thưa ông cần gì ạ.
Khải hơi ngạc nhiên. Thường thì những người bán hàng mời chào không được lịch sự như vậy, đôi khi cộc lốc và thiếu thiện cảm như không muốn mất thì giờ. Khải mỉm cười với cô gái, chỉ chiếc áo:
- Cô cho xem cái áo treo trên kia.
Cô bán hàng vui vẻ:
- Vâng. Xin ông đợi một tí.
Cô nhanh nhẹn trở vào trong, mang ra một cái que dài có móc, khều chiếc áo xuống trao cho Khải với nụ cười:
- Gấm Thượng Hải đó thưa ông. Bà nhà mặc sẽ rất đẹp.
Khải mỉm cười, mân mê vạt áo:
- Vâng, đẹp lắm, nhưng người đứng tuổi đã gần 60 mặc có hợp không cô?
Cô gái kêu nhỏ như có gì ngượng ngùng:
- Ồ, tôi cứ tưởng …
Khải ngắt lời:
- Tôi mua quà cho mẹ. Không biết là màu này có thích hợp hay không.
Cô gái có vẻ đắn đo:
- Màu xanh lam này tuổi nào mặc cũng thích hợp. Nhưng nếu ông thích màu đậm hơn cho cụ chúng tôi cũng có.
Khải bật cười. Chưa có ai gọi mẹ mình bằng ‘cụ’ cả. Không biết là nghe được tiếng này mẹ sẽ nghĩ thế nào. Chắc là mẹ chẳng vui. Anh gật gù:
- Thôi, chiếc này là được rồi. Bao nhiêu tiền hả cô?
- Dạ, hai trăm ngàn ạ.
Khải gật đầu:
- Cô gói dùm.
Cô bán hàng bỗng nhiên ngần ngừ:
- Ông … ông là Việt kiều?
Khải nhìn cô ta ngạc nhiên:
- Sao cô biết? Trông tôi khác lạ lắm sao?
Cô bán hàng mỉm cười lắc đầu:
- Không phải vậy. Ông … ông không mặc cả, không trả giá như người địa phương.
Khải mỉm cười:
- Tôi … tôi sợ bị mắng lắm!
Cô bán hàng lấy bàn tay che miệng, ánh mắt thay nụ cười dấu sau bàn tay:
- Đúng là Việt kiều. Xin ông một trăm năm mươi ngàn thôi.
Khải mở to mắt không tin:
- Thật hả cô? Tôi tưởng bán cho ngoại kiều cô phải tăng giá lên chứ.
Cô bán hàng lắc đầu:
- Ở đâu đó người ta thường làm vậy, nhưng chúng em thì không như thế.
Khải hơi ngỡ ngàng, anh nhìn cô gái thật lâu làm cô ta ngượng ngùng cúi mặt:
- Tôi xin lỗi. Quả tình tôi khá ngạc nhiên. Cô … cô gì nhỉ? Tôi xin phép hỏi tên cô được không?
Cô bán hàng ngửng lên nhìn Khải, lảng tránh ánh mắt như đợi chờ của anh:
- Em … tên em là Thúy-Uyển.
- Cám ơn cô Uyển, còn tôi là Khải. Gặp được người chân thật như cô ở chốn này thật là khó. Bây giờ nhờ cô gói cái áo cho cẩn thận để tôi gửi về Mỹ cho mẹ tôi. Đã biết nơi đây, sau này cần gì tôi sẽ trở lại. Tôi có mấy cô em gái, chúng nó cứ đòi tôi mua quà VN mà tôi chẳng biết mua gì và ở đâu. Cô là chủ cửa hàng này?
Thúy Uyển vừa nhanh nhẹn gói hàng vừa trả lời:
- Thưa ông không. Cửa hiệu này của bà cô họ. Uyển chỉ là người làm công.
Khải bông đùa:
- Thế cô không sợ chủ mắng vì dám bớt tiền cho khách hàng sao?
Trao gói áo và nhận tiền từ tay Khải, Uyển mỉm cười:
- Không đâu. Cám ơn ông, và rất mong ông trở lại.
- Lúc nào cô cũng có mặt ở đây chứ?
Uyển gật đầu:
- Vâng, trừ những lúc đi học thêm tiếng Anh, và ngày thứ Hai trong tuần, cô của Uyển ra trông cửa hàng, cho phép Uyển nghỉ ở nhà, hoặc đi kiếm việc làm.
Khải ngạc nhiên:
- Kiếm việc làm? Tôi tưởng …
Thúy Uyển e dè:
- Uyển mới tốt nghiệp ngành ngoại thương. Tiếc là sinh ngữ kém quá nên vẫn phải đi học thêm, và vẫn đi kiếm việc làm cho thích hợp với ngành học của mình.
Khải thở dài:
- Tôi hiểu rồi. Thời buổi mở cửa nhưng công việc cũng vẫn không dễ tìm. Thôi, xin chào cô Uyển nhé. Tôi sẽ trở lại. Cám ơn lòng tốt của cô rất nhiều.
Thúy Uyển cúi đầu cám ơn lại, đưa mắt nhìn theo Khải đi lẫn vào đám đông. Từ ngày ra bán hàng tại đây Thúy Uyển đã gặp nhiều hạng người, ngoại quốc cho Thúy-Uyển bập bẹ tiếng Anh cũng có, du khách nội địa ra thăm thủ đô cũng nhiều, nhưng chưa bao giờ gặp một người khách đi một mình, bỡ ngỡ nhưng lịch sự như người đàn ông vừa tới mua hàng. Thúy-Uyển mỉm cười nghĩ thầm, không biết ‘anh chàng’ mua áo cho mẹ hay mua cho người yêu nhưng ngượng không dám nói thật. Bỗng dưng Thúy-Uyển xấu hổ, ồ mà việc gì đến mình!
o0o
Hai người chọn chiếc bàn sát lan can của nhà hàng Thủy Tạ trông ra hồ Gươm. Khải kéo ghế cho Thúy-Uyển rồi mới ngồi xuống ghế đối diện. Thúy-Uyển cười với anh:
- Với ai anh cũng ‘lịch sự’ như vậy hả?
Khải cũng cười:
- Cũng tùy xem ai là ai! Nhưng với người mình yêu thì là cái chắc!
Thúy-Uyển cúi mặt e thẹn, không ngờ là tình yêu lại đến thật tình cờ và dễ dàng như vậy. Sau lần gặp gở đầu tiên Khải còn trở lại nhiều lần, mua những món lặt vặt nói là để làm quà cho các em nhưng Uyển biết là anh chỉ tìm cớ để gặp mình. Khải không phải là người đàn ông độc nhất tìm tới gặp Uyển ở nơi bán hàng để làm quen, nhưng chỉ ở Khải, Thúy-Uyển mới nhìn thấy sự chân thành và con mắt dịu dàng lúc nào cũng như gửi gấm tâm tình. Hơn thế nữa Khải luôn luôn khiêm tốn, không bao giờ đưa cái mark Việt Kiều trí thức ra khoe khoang, mặc dù anh là chuyên viên tài chánh được đưa từ Mỹ sang để điều hành một phần vụ của Ngân Hàng Thế Giới tại VN. Lần đầu tiên Khải mời Uyển đi uống cà phê, cô đã từ chối, nhưng rồi nhìn đôi mắt thiết tha của Khải cô đã không cầm được lòng, hẹn gặp Khải một buổi chiều tại Café Phố Cũ ở Hàng Gai. Những lần sau đó Khải đã đưa Thúy-Uyển tới những nơi mà một sinh viên vừa tốt nghiệp như Uyển không đủ khả năng bén mảng tới, nhưng Khải cũng không nề hà theo Thúy-Uyển tới những quán vỉa hè thân quen như thể là Khải sinh ra và lớn lên ở đây. Tình yêu đến thật nhẹ nhàng, tươi sáng như nắng xuân. Thúy-Uyển đã không nói một lời, chỉ đưa mắt nhìn Khải thật dịu dàng, và ngả đầu dựa lên vai anh, khi Khải nói “Anh yêu em”, lúc hai người đi dạo với nhau dọc theo con đường Trường Thi.
Mới vào hè nhưng thời tiết ở thủ đô đã khá nóng bức. Thúy-Uyển mặc chiếc áo pull ngắn tay mầu nhạt nhưng khuôn mặt trắng hồng vẫn nổi bật. Chút son nhạt trên môi, mái tóc cắt ngắn đong đưa nhè nhẹ, khiến Thúy Uyển trông vừa đằm thắm, vừa ngây thơ. Khải hỏi nhỏ:
- Sao em không mặc áo dài, như tấm hình em cho anh xem?
Thúy-Uyển lắc đầu:
- Ngõ nhà em lầy lội, mặc áo dài bất tiện. Hơn nữa anh nhìn xem. Đâu có ai mặc áo dài ngoài mấy cô phục vụ ở những nhà hàng sang trọng, và ở những cơ sở du lịch. Bây giờ người dân chỉ mặc áo dài vào những dịp lễ hội, hoặc những ngày đặc biệt thôi.
Thúy-Uyển ngừng nói, nhìn Khải nở một nụ cười rồi đổi đề tài:
- Anh chờ em lâu không?
Khải lắc đầu:
- Không lâu lắm, nhưng anh cứ sợ em không tới. Mấy lần trước không bao giờ em trễ hẹn quá năm phút.
Thúy Uyển với tay qua bàn, nắm nhẹ bàn tay Khải:
- Em xin lỗi. Mẹ … mẹ em bất ngờ nhờ em một việc nên mãi em mới ra được khỏi nhà. Tìm chỗ gửi xe cũng khó nữa nên em tới trễ. Anh không buồn chứ?
Khải lắc đầu:
- Anh chờ em được suốt đời.
- Thật không anh?
Khải xiết nhẹ bàn tay Thúy-Uyển, đôi mắt long lanh và nhè nhẹ gật đầu. Thúy-Uyển rụt tay lại khi người tiếp viên tới nhận order. Cô nhìn ra ngoài hồ, con mắt buồn nhiều hơn là vui khi được ngồi với người yêu. Mẹ dạo này hình như lại trở bệnh, đêm nằm cứ húng hắng ho, nhưng vẫn không chịu ngồi nhà. Căn nhà lụp xụp, tối tăm và dù chỉ có hai mẹ con mà vẫn thấy nhỏ hẹp tù túng. Mấy tháng nay từ ngày yêu nhau Khải đã ngỏ ý tới thăm nhiều lần nhưng Thúy-Uyển vẫn tìm đủ mọi cách chối từ. Thúy-Uyển biết là Khải không phải là người coi nặng vần đề giai cấp nhưng cô vẫn e dè với cái nghèo túng của mình.
Khải nhắc Thúy-Uyển:
- Em nghĩ ngợi gì thế. Uống nước đi.
Thúy Uyển mỉm cười xoay nhẹ ly cam vắt Khải gọi cho mình:
- Em có nghĩ gì đâu? À, mẹ mặc áo anh gửi về lần nào chưa?
Khải lắc đầu:
- Chưa. Nhưng mẹ đem khoe với nhiều người, gọi cho anh, hỏi anh ai chọn dùm mà khéo thế. Anh nói là em chứ còn ai.
- Ớ ờ. Anh chọn chứ không phải em! Mà anh này …
- Gì nào?
- Mẹ có hỏi gì về em không?
- Hỏi nhiều lắm. Anh khai hết.
- Là sao?
- Là tất cả những gì anh biết về em, và nói với mẹ là anh yêu em rất nhiều vì không những em đẹp mà còn hiền hậu và thật thà. Mẹ nói được con dâu như vậy mẹ không còn mong gì hơn.
Thúy-Uyển thấy mặt mình nóng bừng:
- Aaanh!
Khải nhìn Thúy-Uyển thiết tha:
- Cho anh về nhà gặp mẹ em. Em đã từ chối nhiều lần vì có lẽ chưa tin lòng anh. Em biết là anh rất yêu em, phải không?
Thúy-Uyển gật đầu nhưng vẫn yên lặng cúi đầu. Giọng Khải sôi nổi:
- Anh mơ đến một ngày được mang em về bên Mỹ, hãnh diện giới thiệu em với bạn bè, đưa em tới những nơi mà em chỉ biết đến qua sách vở, và sống với nhau một đời sống êm đềm. Đi, đưa anh về gặp mẹ, cho anh được nói hết những gì anh muốn nói đã từ lâu.
Nhìn đôi mắt thiết tha của Khải, Thúy Uyển không đành lòng từ chối. Cô nhè nhẹ thở dài:
- Vâng. Để em đưa anh về nhà em.
Khải vui mừng bỏ dở ly nước uống, đứng lên:
- Đi! Chúng mình đi taxi, rồi trở lại đây cho em lấy xe sau.
Đứng đợi taxi cạnh lề đường, Thúy Uyển nép vào Khải, cô thì thầm bằng tiếng Anh bên tai anh: “I love you so much”. Khải muốn ôm hôn người yêu, nhưng biết là hành động như thế không mấy thích nghi trong xã hội này nên cố dằn lòng.
Truớc ngõ nhà Thúy-Uyển là cái chợ nhỏ. Taxi ngừng, Thúy-Uyển dắt Khải tới trước mặt một người đàn bà ngồi bán ít rau và trái cây trên chiếc sập nhỏ. Cô cúi đầu:
- Mẹ em đó. Mẹ, mẹ ơi, có anh Khải tới thăm mẹ này.
Người đàn bà chưa già lắm nhưng gày còm trong bộ quần áo bạc màu. Bà ta ngước nhìn con rồi nhìn Khải, đôi mắt kèm nhèm nhưng giọng nói ấm áp:
- Quý hoá quá. Mời anh vào nhà chơi. Uyển, con đưa anh vào nhà. Mẹ bận một lát rồi sẽ về sau.
Khải ngỡ ngàng vì thương cảm nhưng anh đè nén cơn xúc động của mình:
- Kính chào bác. Cháu xin phép bác vào thăm nhà.
Thúy-Uyển yên lặng dẫn đường. Con ngõ nhỏ hẹp và quanh co nên hai người khó đi cạnh nhau. Tới nhà, cánh cửa cũ kỹ được Thúy-Uyển đẩy qua một bên, cô chỉ chiếc ghế tựa cạnh cái bàn dài lâu ngày đã lên nước, giọng cô có chút nghẹn ngào:
- Anh ngồi chơi, đợi em rót nước.
Khải kéo cô ngồi xuống ghế cạnh mình:
- Không cần thế em ạ. Anh … anh …
Khải ngại ngùng không biết nói gì hơn. Thúy Uyển nhìn vào mắt anh:
- Anh thấy hết rồi đó. Và anh biết tại sao em không muốn đưa anh về nhà. Cái cảnh nghèo nàn làm em nhiều lúc tủi thân, không dám yêu anh.
Giọng cô như có nước mắt. Khải xúc động ôm vai Thúy-Uyển:
- Em đừng nói vậy. Anh thấy rồi, và anh yêu em hơn. Nghèo đâu có gì là xấu xa. Nhà em nghèo, mẹ em buôn bán vất vả, nuôi em nên người, em phải lấy làm hãnh diện chứ sao lại buồn phiền, che dấu. Anh yêu những người biết phấn đấu. và sống một đời trong sạch. Anh yêu em, và em đừng bao giờ nghĩ ngợi vẩn vơ.
Thúy-Uyển vẫn chưa hết nỗi buồn:
- Có lẽ anh không khinh cảnh nghèo của gia đình em, nhưng em không biết là em có xứng với gia đình anh hay không.
Khải xiết nhẹ bờ vai Thúy-Uyển, giọng anh cũng có chút xa vắng:
- Gia đình anh gặp nhiều may mắn, bố mẹ anh thành công ở Mỹ và chăm sóc cho anh từ nhỏ nên anh không phải lo lắng về đời sống, chỉ biết đi học, và đi làm sau khi tốt nghiệp, nhưng bố mẹ anh cũng kể cho anh biết rằng ông bà nội của anh cũng có một thời sống rất nghèo khổ ở VN. Bà nội anh chân lấm tay bùn với đồng áng, ông nội anh bôn ba xuôi ngược làm tài xế xe hàng trên khắp nẻo đường. Anh không phải là dòng quí tộc, mà là người bình dân, cũng như gia đình em lúc này. Em đừng buồn, hơn thế nữa anh có thể giúp em …
Thúy-Uyển đưa tay bịt miệng Khải:
- Đừng anh. Không cần thiết đâu anh. Em biết là anh yêu em, và anh rất tốt, nhưng anh không cần lo lắng cho em như vậy.
Khải bùi ngùi:
- Cho anh ngồi chờ mẹ em một lúc. Anh muốn xin phép mẹ em cho anh được gặp em thường. Anh không ngại lui tới nơi này. Chỗ nào có em là chỗ đó yên vui.
Thúy-Uyển ngước mắt nhìn Khải, mỉm cười nghiêng đầu dựa lên vai anh. Có tiếng gõ cửa nhè nhẹ, Thúy-Uyển đứng lên, mở rộng cánh cửa:
- Ồ, Trung. Trung cần gì không?
Người thanh-niên còn trẻ, mặt mũi sáng sủa, giật mình khi nhìn thấy Khải. Anh ta rụt rè:
- Nghe tiếng động, nghĩ là Uyển về nên qua thăm.
Thúy-Uyển chỉ Khải giới thiệu:
- Đây là anh Khải, bạn của Uyển.
Chỉ Trung, cô nói tiếp:
- Anh Trung là hàng xóm, và là bạn học cùng trường của Uyển.
Khải đứng lên, niềm nở đưa tay ra:
- Hân hạnh biết anh Trung.
Trung nắm bàn tay phải của Khải bằng cả hai bàn tay của mình, lúng túng:
- Dạ. Xin lỗi anh. Trung không biết là Uyển có khách.
Người thanh niên vội vã chào Khải và Thúy Uyển ra về. Khải đưa mắt nhìn Thúy-Uyển, đôi mắt tinh nghịch như hỏi ngầm. Thúy Uyển tinh ý, nhéo cánh tay anh:
- Anh đừng có nghĩ bậy. Hàng xóm thôi!
Khải vẫn tiếp tục đùa:
- Bộ hàng xóm thì không có quyền yêu sao?
Thúy-Uyển cảm thấy vui vui:
- Mối tình học trò thì ai cũng có, nhưng không phải là Trung.
- Puppy love!
- Ồ, tại sao người Mỹ lại gọi là puppy love hả anh?
- Vì những mối tình học trò thường chỉ thoảng qua, và dễ thương như ‘chó con’.
- À ra thế.
Thúy Uyển vòng tay ôm cổ Khải, cô thì thầm:
- Còn tình yêu này anh gọi là gì?
Khải hôn nhẹ lên bờ môi Thúy-Uyển. Anh thì thầm:
- Là tình yêu vĩnh cửu. Forever in love.
o0o
Buổi tiễn đưa ở Nội Bài Thúy-Uyển đã khóc không còn nước mắt. Khải cũng không còn e dè, đứng ôm chặt người yêu trước giờ lên phi cơ. Tối hôm qua Khải đã ăn bữa cơm cuối cùng với gia-đình Thúy-Uyển. Bà Tâm, mẹ Uyển, nấu bữa cỗ bầy đầy bàn nhưng không ai nuốt nổi một miếng. Nước mắt Thúy-Uyển cứ ứa ra, bà Tâm thở dài trong lúc Khải buồn hiu hắt. Cầm bát cơm trên tayKhải nhìn Thúy-Uyển, cố gắng thuyết phục:
- Em nghĩ lại đi. Anh xin em.
Thúy-Uyển lại bật khóc:
- Anh biết mà, em đã nói là không được, em không thể nào theo anh, bỏ mẹ lại một mình.
- Nhưng em có phải đi với anh ngay đâu. Ít ra cũng phải vài tháng, hay cả năm trời, anh mới đưa em sang bên đó với anh. Em có đủ thời giờ tìm người trông coi mẹ. Mẹ cũng chẳng nói ‘sao cũng được’ đó thôi.
Bà Tâm đứng lên bỏ xuống bếp. Khải cũng bỏ chỗ, sang ngối cạnh, ôm vai Thúy-Uyển:
- Em!
Thúy-Uyển gạt nước mắt:
- Dạ.
- Nghe anh đi. Mai anh phải về Mỹ rồi. Công ty không bằng lòng cho anh ở đây lâu hơn, và anh cũng không thể bỏ việc làm để ở lại với em. Nếu em bằng lòng qua Mỹ với anh thì mẹ anh sẽ sang đây, chính thức ngỏ lời cầu hôn, và dàn xếp mọi chuyện cho chúng mình.
Thúy-Uyển lại khóc nức lên:
- Anh biết mà. Cha em mất sớm, mẹ có mình em, cực khổ nuôi em lên người, em nỡ lòng nào xa mẹ. Mẹ nói ‘sao cũng được’ nhưng trong lòng mẹ còn đau xót hơn em nhiều. Gỉa dụ em theoanh, cũng phải nhiều năm sau em mới mang được mẹ sang với chúng mình. Mẹ cũng không muốn sang bên đó đâu. Suốt một đời, mẹ quanh quẩn với cái ngõ này, với hàng xóm láng giềng, với bạn bè ngoài chợ, với mồ mả tổ tiên. Em bỏ mẹ sao đành. Anh tha lỗi cho em. Chúng mình có duyên mà không có nợ. Em xin anh.
Khải nghe tiếng bà Tâm sụt sịt khóc dưới bếp, lòng anh tan nát, ngồi lặng câm cho tới gần khuya mới ra về. Thúy-Uyển đưa anh ra tận ngoài ngõ, cô gục đầu trên vai anh thút thít:
- Mai em ra phi trường tiễn anh. Em lúc nào cũng yêu anh và sẽ không quên anh. Có dịp anh về VN thăm em. Lâu lâu được gặp anh một lần là em vui rồi, dù mai đây mỗi đứa có đời sống riêng.Anh hứa với em nhé.
Khải xiết chặt vòng tay, ôm sát Thúy-Uyển vào lòng:
- Anh hứa. Dù ở đâu anh cũng vẫn nghĩ tới em. I love you so much, and I’m going to miss you.
Thúy-Uyển vít cổ Khải xuống hôn thật nồng nàn:
- Ước gì em cho anh đời con gái. Thôi, anh về đi. Mai em gặp anh.
Khải thẫn thờ chui vào xe taxi. Xe lăn bánh nhưng Khải vẫn quay đầu lại cho đến khi hình bóng Thúy-Uyển nhạt nhoà trong bóng đêm.
o0o
Thúy-Uyển gõ cửa văn phòng của Robert, nhỏ nhẹ thông báo:
- Sir, Mr. Nguyễn is here to see you.
Bob gật đầu và ra hiệu mời khách. Thúy-Uyển đứng tránh sang một bên cho khách vào, khép cửa, và trở lại bàn giấy của mình. Thời gian trôi nhanh, thế mà đã gần một năm từ ngày cô vào làm ở đây. Trước khi lên đường trở về Mỹ, Khải đã giới thiệu Thúy-Uyển với Bob, nhờ Bob kiếm cho cô một việc làm tại Ngân Hàng Thế Giới này. Bob đã chọn cô làm thư ký riêng của mình vì tin tưởng lời giới thiệu của Khải, và vì Tracy , người thư ký hiện giờ, cũng xin về Mỹ lấy chồng.
Khi tiễn khách ra về bỗng dưng Bob dừng lại cạnh bàn của Thúy-Uyển:
- Do you hear from Khải lately?
Thúy-Uyển nhè nhẹ gật đầu:
- Yes, I did.
Mắt cô buồn rưng rưng, Bob tần ngần nhìn cô, nhẹ thở dài, chậm chạp trở về văn phòng riêng. Khi Bob đã đi khuất Thúy-Uyển lại mở email của Khải đọc thêm một lần, lần thứ bao nhiêu cô cũng không còn nhớ rõ ràng.
“Em yêu,
Tháng 10 năm nay anh không về được như là anh mong, và đã hứa với em. Có những chuyện xảy ra anh không tiên liệu được, nên dù vẫn còn rất yêu và thương nhớ em vô cùng, anh cũng không thể gác bỏ mọi chuyện để về với em, để được thấy em thêm một lần. Anh bị điều động qua một nước ở Phi Châu để đảm nhiệm một dự án khẩn cấp. Kinh nghiệm làm việc với các quốc gia đang phát triển của anh khiến anh khó từ chối lời yêu cầu.
Em, bây giờ anh không còn biết nói với em ra sao. Anh biết là em đã có một đời sống yên lành hơn xưa, nhưng mẹ em vẫn chưa từ bỏ sạp hàng ngoài chợ mặc dù sức khoẻ không mấy khả quan.Anh biết trước đây em không thể dời mẹ,và bây giờ cũng thế, mẹ vẫn cần em hơn lúc nào. Riêng anh, anh vẫn yêu em, vẫn đợi chờ nhưng anh cũng không biết ngày sau sẽ ra sao.
Lâu nay anh tìm vui trong nỗi nhớ, anh nhờ bố anh chỉ dạy, tập tành viết lách và làm thơ. Bài thơ vụng dại này anh viết cho em:
Mùa Thu Không Đến
Tôi hứa với em là mùa thu sẽ gặp
Nhưng rồi tôi để tháng ngày trôi
Mắt tôi buồn viễn xứ
Và môi em héo nụ cười.
Không có một con đường
Chỉ là một đại dương.
Đôi bờ hơn mười ngàn dậm
Hẹn hò chi cho hiu hắt nhớ thương
Ở bên đó mùa mưa chưa dứt
Mái hiên nào em đứng tránh mưa rơi
Thả tóc em bay, gửi mùi hoa cho gió
Nhìn tháng ngày qua, chắt chiu nỗi nhớ người.
Đỉnh núi này tôi đứng nhìn về bên đó
Gốc cây kia tôi dựa lưng đồi
Bông hoa này ngắt cho em nhưng không gửi
Em có bao giờ nghe được tiếng tim tôi.
Duyên phận, em và tôi
Cúi đầu hong nỗi nhớ
Nghe buồn tháng ngày trôi
Nghe buồn
Chạy mãi theo cuộc đời.
June 2008
Em yêu,
Anh muốn về vào mùa hoa sữa, đi với em trên những con đường, ấp ủ nhau trong cơn gió lạnh để mà thương nhớ nhau suốt đời. Anh không về được nhưng hồn anh bay qua bên đó. Anh nhớ em, anh nhớ em, dù anh có lưu lạc nơi nào.
Anh của em.”
Thúy-Uyển thẫn thờ, đưa tay chùi giọt nước mắt vừa ứa ra. Có tiếng gõ cửa, Thúy-Uyển nhìn lên, thấy Trung đã đứng đó. Hai bàn tay Trung soắn vào nhau:
- Bác nói xe của Uyển hư, nhờ tôi đến đón Uyển.
Uyển gật đầu, đưa tay tắt máy vi tính, những dòng chữ mờ dần. Cô nói thầm “Bye anh”. Nhìn Trung lóng ngóng đứng cạnh, Thúy-Uyển thở dài, lòng bỗng rưng rưng:
- Uyển chưa muốn về. Trung đưa Uyển ra Thủy Tạ uống nước được không?
Trung thoáng nở một nụ cười, ánh mắt chợt như vui mừng, gật nhẹ:
- Để Trung đưa Uyển đi.
Bước vào nhà Thủy Tạ, Thúy-Uyển không chịu ngồi bên trong quán, chọn chiếc bàn ngoài lan can, mặc dù trời có gió. Cô tự kéo ghế cho mình, ngồi nhìn ra hồ Gươm. Mặt hồ gợn sóng, nước xanh như màu áo ai ngày nào, nước mắt cô lại như muốn trào ra vì nhớ người, mặc cho Trung nhìn cô với đôi mắt xót thương.
Trần Quang Thiệu
June 2008
No comments:
Post a Comment