Quê Mẹ Ở Đông Hà

Quê Mẹ Ở Đông Hà



    Email của Hạnh từ Sài-Gòn gửi lên:
-        Chúng em cần gặp anh và có chuyện cần anh giúp. Mike muốn tìm kiếm một người quê quán ở Đông Hà nhưng chúng em không biết gì về địa phương này. Nếu được anh đi cùng với chúng em thì công việc sẽ dễ dàng hơn.
      Tôi trả lời:
-        Tìm người ở Đông Hà? Anh cũng không biết nhiều về tỉnh miền Trung xa xôi này. Tháng tới anh sẽ xuống Sài-Gòn, và sẽ tìm gặp các em nói chuyện nhiều hơn.
      Tôi nghĩ là tôi có thể giúp Hạnh được vì niên học đã gần tàn. Tôi thông báo cho Thắng biết là tôi sẽ về Mỹ nghỉ hè với gia-đình và sẽ trở Đà-Lạt lại tiếp tục dạy niên khóa tới. Tôi thấy hơi bâng khuâng, nhớ Trinh, nhớ California, muốn trở về sớm nhưng đồng thời cũng quyến luyến đám sinh viên đã cùng tôi quây quần mấy tháng vừa qua.
      Gần ngày chia tay tôi nói với các em:
-        Đây là bài thi mãn khóa,  các em là hãy dùng tất cả những gì các em học được từ lớp vi-tính do tôi hướng dẫn, viết cho tôi một lá thư bằng ‘MS Word’, nói cho tôi biết cảm nghĩ của các em về lớp học này, gửi cho tôi bằng email, và đính kèm một tấm hình để tôi dù mai này dù không gặp lại tôi cũng vẫn luôn luôn nhớ tới các em. Tuy chỉ chấm điểm kỹ thuật, nhưng tôi cũng rất mong biết được cảm tưởng của các em về khoá học này vì quả thực tôi đã mang hết chân tình, yêu người và yêu thương cuộc đời, về đây với các em.
      Nhiều sinh viên như lơ đãng, không để ý nhiều đến những gì tôi nói, có lẽ còn đang lo lắng cho những ngày sắp tới, nhưng cũng có vài cặp mắt long lanh như muốn khóc. Tôi thấy Tùng dụi mắt, Thủy cúi đầu như suy nghĩ, và  Loan hướng mắt nhìn xa xôi.
      Một tuần sau tôi nhận được các email ‘nộp bài’. Nhiều lá thư làm tôi xốn xang, nhưng cũng có lá thư rất ngắn, làm tôi thật bùi ngùi:
      “Em ghi tên học môn vi-tính vì lý-do rất giản dị. Công việc nào bây giờ người ta cũng đòi hỏi Anh văn và vi-tính. Trước đây em tưởng như mất lòng tin với học đường, không ngờ em tìm lại được chút tình thầy trò đúng nghĩa. Em không biết nói gì hơn là cám ơn thày.”
      Khi chia tay ngày cuối tôi cố vui đùa:
-        Các em biết địa chỉ email của tôi rồi nên dù ở góc biển chân trời nào các em có gọi là tôi nghe thấy liền. Với lại tôi sẽ trở về đây vì Đà Lạt là quê hương thứ hai của tôi. Căn nhà các em thường tới thăm tôi sẽ còn đó, cửa lúc nào cũng rộng mở. Loan này, và Thủy nữa, đừng buồn! Vài tháng nữa tôi sẽ trở lại, rất mong nghe tin vui!
      Tôi không mang theo gì nhiều xuống Sài Gòn gặp Hạnh, ngoài vài bộ quần áo và chiếc laptop chứa đầy email. Tôi muốn đọc lại từng chữ, từng dòng đễ biết chắc rằng những việc tôi đang làm có mang lại kết quả và ý-nghĩa tôi mong muốn.
      Tôi tới nhà Hạnh khi trời đã tối. Hạnh và Mike hình như đang rất nóng lòng gặp tôi, và như có vẻ buồn. Mike xách chiếc valise nhỏ vào căn phòng trống dành cho tôi trong lúc Hạnh kéo tôi vào phòng khách, hỏi tôi ngay khi tôi vừa ngồi xuống chiếc sofa dài:
-        Anh mệt không?
      Tôi lắc đầu:
-        Không em. Taxi từ phi-trường về nhà em cũng gần.
      Hạnh nói như trách móc:
-        Đáng lẽ anh phải báo trước cho em đi đón.
      Tôi cười:
-        Anh đi khắp thế giới và chẳng có ai đưa đón bao giờ. Em và Mike có chuyện gì buồn phải không.
      Hạnh gật đầu:
-        Louis, ba của Mike, mới vừa phát hiện ung thư phổi, và chỉ sống được vài tháng nữa là nhiều. Mike khóc quá trời, muốn trở về Mỹ ngay, nhưng Louis còn nhờ Mike đi kiếm một người. Để em đưa thư của Louis cho anh xem.
      Hạnh chạy vào nhà trong, trở ra trao cho tôi lon bia lạnh và lá thư đánh máy rõ ràng:
-        Louis nhờ em dịch ra tiếng Việt vì thư này không phải chỉ viết cho Mike mà còn cho bà Nguyễn Thị Bé mà Louis nhờ chúng ta đi tìm. Anh cứ đọc thư rồi sẽ rõ.
      Lá thư khá dài, tôi đọc chậm trãi, vì nhiều chỗ Louis hoặc đã quên, hoặc quá xúc động nên không được rõ ràng.

      “Mike, ba biết là con sẽ đau buồn và có thể sẽ không mấy hài lòng vì ba sẽ nói cho con câu chuyện mà ba đã dấu diếm mãi trong lòng. Ba cũng xin lỗi mẹ con nữa, dù bà đã qua đời và đang được Chúa che chở.
      Ba mới được bác sĩ cho biết là ba bị ung thư phổi, giai đoạn 4, và chỉ sống được vài tháng nữa là cùng. Có lẽ đây là hậu quả của những ngày ba phung phí sức khoẻ, hút nhiều thuốc lá và cần sa khi xưa. Ba có chút buồn nhưng dù sao đi nữa thì ba cũng đã khá nhiều tuổi, và ra đi chỉ là vấn đề thời gian. Chỉ mong là Chúa sẽ tha tội cho những lỗi lầm của ba trước đây, để ba có thể về gần mẹ con.
      Mike, con không phải là đứa con độc nhất của ba. Con còn một đứa em mà ba chưa bao giờ biết mặt. Ba không rõ nó là trai hay gái, còn sống hay đã chết, và mẹ nó, người đàn bà VN đau khổ đó bây giờ ra sao. Ba đã hèn nhát, dấu diếm sự thật cho tới lúc này, lúc ba không còn sống được bao lâu.
      Năm 1972 ba được gửi qua Nam. Như con biết gia đình chúng ta là gia đình quân đội. Ông nội của con và ba đều là thủy quân lục chiến, và cả con nữa, con cũng đã phục vụ vài năm như y-sĩ Hải Quân trước khi giải ngũ, nên ba rất hãnh diện thi hành nghiã vụ dù rằng phải bỏ con và mẹ con lại quê nhà.

      Ba đóng ở một nơi gọi là Đông Hà, một tỉnh điạ đầu của miền Nam V.N. Lúc đó cuộc chiến đã gần tàn nhưng vẫn còn rất khốc liệt, ba không muốn nói nhiều về thảm cảnh chiến tranh, vì hơn ai hết con đã hiểu nên con và vợ con đang làm những việc để hàn gắn vết thương này.
      Trong những ngày cô đơn và bấp bênh với cái chết đó ba đã gặp được một người đàn bà VN, cô Nguyễn Thị Bé, khiến đời sống của ba được an ủi rất nhiều. Đó là một cô gái quê mùa, trôi dạt về thành phố để kiếm sống và ba đã gặp Bé khi cô ta vào làm lao công quét dọn phòng ăn trong căn cứ. Người đàn bà bé nhỏ ấy khóc thút thít vì bị đám lính xa nhà trêu chọc, và ba làm ‘người hùng’ giúp đỡ cô ta. Có lẽ là số phận, nên dù rằng ba rất yêu thương mẹ con, ba đã chung sống với người đàn bà ấy như vợ chồng.
      Bé là một người đàn bà hiền dịu và nhẫn nhục, khắc hẳn những cô gái bán bar mà con đã được biết qua báo chí, phim ảnh mà người ta dùng để bôi nhọ dân tộc thiếu may mắn này. Bé cúi đầu chịu sự khinh rẻ của đồng hương vì Bé cần sự chu cấp nhỏ nhoi của ba  để có thể bao bọc một đại gia đình trong cơn biến lọan. Có lẽ Bé không yêu ba như mẹ con yêu ba, nhưng cô ta đã săn sóc và phục tùng ba như một ông chủ đầy uy quyền, dù rằng ba chỉ là một Trung-Sĩ quèn. Đó là những ngày rất hạnh phúc của đời ba.
      Năm 1973 hiệp định đình chiến ký kết, ba được điều động khỏi VN gấp rút, nhanh đến độ mà ba không có thì giờ lo liệu được gì cho Bé trước khi bị quân cảnh bắt lên xe đưa về trại để lên máy bay về nước. Lúc bấy giờ Bé đang mang thai, mang dòng máu của ba. Bé chạy theo xe quân cảnh, bàn tay bé nhỏ đưa ra như muốn níu kéo lấy ba, còn ba chỉ biết gục mặt, ngăn dòng nước mắt.
      Lẽ dỉ nhiên là ba không bao giờ gặp lại Bé từ ngày đó. Đứa con của ba không biết là gái hay trai, và nếu còn sống nay cũng đã hơn 30 tuổi. Khi xưa ba chung sống với Bé trong một căn nhà nhỏ  gần ngã ba quốc lộ 1 và quốc lộ 9. Nhà trong ngõ hẻm không có số nên sau này dù muốn viết thư ba cũng không thể làm được gì.
      Mike, ba sắp chết. Ba hối hận và chua xót vô cùng. Đây là tấm hình độc nhất ba còn giữ được, con hãy thay ba đi tìm Bé, tìm em con, nói lời xin lỗi dùm ba. Con đã thành nhân, đã là một y-sĩ có tấm lòng, con cũng không cần gì một chút của cải còn lại của ba. Con hãy tìm em con, giúp đỡ nó và nói cho nó biết là ba để lại cho nó tất cả những gì ba có, như một sự đền bù. Con cố giúp ba nghe.

      Hillary: Con dịch lá thư này ra tiếng Việt, cả lá thư sau này nữa. Nếu Chúa hỗ trợ khiến chồng con tìm được em nó thì thư này có thể giúp được em con hiểu lòng ba và tha thứ cho ba phần nào.

*********
Bé yêu dấu,
      Nếu em đọc được thư này xin em hãy tha thứ cho tôi. Vì sao tôi không trở lại tìm em được, tôi đã viết rất rõ ràng trong thư gửi cho con trai của tôi rồi. Nó sẽ đọc cho em nghe, và nó sẽ thay tôi nói lời xin lỗi với em.

      Có lẽ tôi sẽ không bao giờ gặp lại em, nhưng tôi vẫn giữ trong lòng hình bóng hiền dịu của em. Và tôi lúc nào cũng nhớ những ngày êm đềm tôi sống với em ở Đông Hà. Điều đau xót nhất của tôi là tôi không được biết đến con của chúng ta. Đứa bé hai dòng máu trong một đất nước tang thương chắc chắn là phải chịu nhiều đau đớn, và đó là phần lỗi của tôi. Dù có làm bất cứ điều gì đi chăng nữa tôi cũng không thể đền bù cho sự bất hạnh này. Tôi chỉ biết cầu nguyện xin chúa cứu rỗi linh hồn tôi khi tôi lìa đời.
      Tôi nhờ con trai tôi đi tìm em, và đi tìm em nó. Mike bây giờ là y-sĩ đang phục vụ người nghèo tại VN. Xin em và con của chúng ta hãy cho Mike cơ hội để nó có thể làm dùm cho cha nó ý-nguyện nhỏ nhoi trước khi cha nó từ giã cõi đời.
      Gần đây, đêm đêm tôi vẫn nằm mơ thấy em. Tôi như thấy em trong căn phòng nhỏ, cắm cúi lau chùi dọn dẹp, thỉnh thoảng ngu ngơ mỉm cười với tôi dù em hầu như không hiểu tôi nói gì. Và nhiều lúc tôi cũng không hiểu em nói gì, nhưng ánh mắt đó, nụ cười đó, tôi biết là em muốn tôi che chở em cho trọn cuộc đời. Tôi đã không làm được việc ấy, và tôi đã muốn chết khi nhìn em chạy theo xe quân cảnh ngày định mệnh đó năm nào.
      Tôi rất thương nhớ em, nhất là từ ngày vợ tôi qua đời, nhưng bây giờ thì tất cả đều đã muộn. Tôi chỉ xin em tha thứ cho tôi một lần và xin để cho Mike thay tôi lo lắng cho em, cho con của chúng ta. Vĩnh biệt em.

Louis Corbin.”

      Tôi đặt lá thư xuống bàn, cầm tấm hình polaroid đã sờn nát lên ngắm nghiá. Ðó là một cô gái trên 25 tuổi, mái tóc dài buông xõa, không son phấn, mặc áo bà ba trong nhà. Cô không cười, đôi mắt mở lớn và như có chút hoang mang.. Tôi nghĩ thầm, nếu còn sống bà Nguyễn Thị Bé có lẽ đã gần 60 tuổi.
      Mike đã ra ngồi cạnh vợ, nhìn tôi chăm chú:
-        You read it?
      Tôi gật đầu:
-        Tôi đọc rồi. Chuyện buồn quá. Xin chia buồn với Mike.
      Mike không nói được tiếng Việt, nhưng từ ngày lấy Hạnh và sang làm việc tại VN, Mike đã cố gắng rất nhiều nên có thể hiểu những câu nói thông thường, tuy rằng không thể phát âm. Hạnh hỏi tôi:
-        Mai chúng mình ra ngoài Trung được không. Ðể em gọi mướn xe.
      Tôi can:
-        Ðường xa lắm. Chúng mình nên đi máy bay ra Huế, mướn xe tại đó đi Ðông Hà cho đỡ mệt vì Ðông Hà chỉ cách Huế vài giờ lái xe.
      Hạnh đồng ý:
-        Sáng mai em sẽ gọi văn phòng du-lịch để họ sắp xếp cho chúng mình.
      Quay sang Mike Hạnh hỏi:
-        Did you understand what Duy just said? Mike hiểu anh Duy nói gì không?
      Mike gật đầu, nước mắt lưng tròng:
-        I did, thank you, Duy.
      Hạnh ôm đầu Mike:
-        Ðừng buồn nữa anh. Chúng mình đi nghỉ. Có thể mai phải lên đường sớm. Good night, anh Duy.

o0o

      Chúng tôi tới Huế và check-in khách sạn Morin xong trời cũng đã về chiều nên quyết định sáng hôm sau sẽ đi Ðông Hà dù rằng Mike rất nóng lòng muốn đi ngay. Buổi tối khi chúng tôi ra khỏi phòng ăn, Hạnh muốn đi dạo vì Hạnh chưa tới Huế bao giờ, nhưng Mike xin lỗi trở về phòng trước để điện thọai về Mỹ. Tôi và Hạnh đi bộ trên đường Lê Lợi dọc theo bờ sông Hương.  Hạnh hỏi tôi:
-        Anh quen ai ở Huế không.
      Tôi lắc đầu:
-        Xưa thì có, bây giờ thì không!
-        Bạn?
      Tôi gật đầu:
-        Người con gái của một mối tình xưa tên là Sơn Ca. Khi đó anh còn rất trẻ, mới ra trường được độ hai năm, và trước khi anh biết chị Vy của Hạnh một thời gian khá dài.
      Hạnh có vẻ buồn khi tôi nhắc tới Vy:
-        Tội nghiệp chị em. Một mối tình si!
-        Duyên số mà Hạnh. Anh với Sơn Ca cũng không có duyên. Cô ta là sinh viên mỹ-thuật tại Huế, về Ðà Nẵng thăm nhà ở Ðò Xu và tình cờ gặp anh, yêu anh, và sau đó buồn vì xa anh!
-        Tại sao? Anh không yêu cô ta?
      Tôi thở dài:
-        Cũng không hẳn là như vậy. Anh yêu Sơn Ca, nhưng không yêu đến độ  dám hy-sinh tất cả. Như anh nói, lúc đó anh còn rất trẻ, vẫn còn đang đi biển, và những chuyến đi xa rất lâu mới trở về. Anh cũng còn đang khắc khoải về thân phận và sự nghiệp của mình nên anh không thể hứa hẹn gì, trong khi Sơn Ca muốn tiến xa hơn, nên đành xa nhau.
      Tôi nhìn dòng sông nước chảy lững lờ, nói tiếp:
-        Nhưng dù sao thì Sơn Ca và anh cũng đã có với nhau một thời rất là lãng mạn và êm đềm. Có những bức thư tình viết bằng tờ lịch khổ lớn, những buổi chiều chờ nhau trên bến sông, và những lần tiễn đưa mang bao nhớ thương.
      Hạnh hỏi thêm:
-        Sơn Ca là tên thật hay là anh muốn dấu tên người yêu cũ? Và cuối cùng cô ta ra sao?
-        Sơn Ca là bút hiệu cô ta dùng vẽ tranh và để viết thư cho anh. Không, anh không nghĩ là có gì phải dấu diếm. Sau này Sơn Ca lấy chồng tốt nghiệp quốc gia hành-chánh, và người chồng có biết về mối tình cũ sôi nổi nhưng trong sáng của Sơn Ca. Lúc đó anh đã đi xa, hình như Guam. Anh cũng thấy mừng vì Sơn Ca có một đời sống đầy đủ và yên lành hơn là những gì anh có thể mang lại cho cô ta. Anh có gặp lại Sơn Ca một lần ở Sài Gòn, và nếu bây giờ gặp lại có thể bọn anh sẽ là bạn rất thân vì cả Sơn Ca và anh đã qua cái thời sôi nổi trước đây.
      Hạnh cười nhẹ:
-        Hạnh hỏi thật anh nhé, anh có cả thẩy bao nhiêu mối tình?
      Tôi cũng cười:
-        Không nhiều, nhưng ai lại đếm bao giờ.
      Hạnh trêu tôi:
-        Vì có đếm hết mười đầu ngón tay vẫn chưa đủ. Phải không?
      Tôi lắc đầu lảng tránh:
-        Em mỏi chân chưa?
-        Chưa, nhưng mình nên quay về. Mike chắc đã gọi được Louis. Bây giờ trời đã sáng ở Oklahoma.
Chúng tôi đi dọc bờ sông Hương trở về Morin. Hạnh than:
-        Em không có lấy một phiêu lưu tình cảm. Em yêu quí Mike, nhưng không có những niềm hân hoan, sôi nổi như anh và Sơn Ca.
      Tôi nói:
-        Ðiều cần thiết là em hạnh phúc.
      Hạnh gật đầu:
-        Em rất hạnh phúc, cũng như anh và chị Trinh, nhất là từ ngày em gặp lại anh.[1]
      Tôi chia tay Hạnh ở hành lang nhưng không trở về phòng mà tìm vào bar rượu, gọi một chai bia ngồi trầm ngâm. Tôi nghĩ tới những người đàn bà mà tôi đã gặp gỡ trong đời, tới những ngày tháng vui buồn đã qua, và ngậm ngùi ước gì mình không làm buồn lòng những người mình đã yêu. Tôi không còn hút thuốc nữa nhưng khi có một người ngoại quốc ngồi cạnh lịch sự giơ bao thuốc mời tôi đã nhận lời và gọi thêm một chai bia. Ðêm đã khuya lắm tôi mới ngất ngưởng trở về phòng mình, cứ như xưa, khì tôi còn lang thang ở những bến bờ xa lạ.

o0o

      Khoảng hơn 10 giờ sáng chúng tôi ra tới Đông Hà. Trời nóng và ẩm ướt, tôi yêu cầu tài xế ngừng tại một quán nước gần ngã ba quốc lộ 9, nói Hạnh và Mike chờ ở đó để tôi và chú Quản, người tài xế lái chiếc xe du lịch chúng tôi mướn tại Huế, đi dò la tìm tin tức bà Nguyễn Thị Bé. Quản đề nghị là chúng tôi tìm những quán hay sạp, có người bán hàng đứng tuổi, mua mấy món lặt vặt như đồ kỷ niệm, khăn lau mặt ướp lạnh hoặc nước uống để lấy cớ hỏi thăm.
      Gần trưa, khi mà chiếc túi xách tay của tôi không còn chỗ chứa những món lặt vặt thì chúng tôi gặp già Vịnh. Ông ta ngắm nhìn tấm hình, cười toe toét:
-        Tui biết bà này. Đây là Bé Lai hồi còn trẻ.
      Tôi ngắt lời:
-        Chúng tôi tìm bà Bé chứ không phải bà Lai.
      Vịnh giơ tay lên trời:
-        Biết rồi! Bà ấy tên Bé nhưng có con lai nên người ta gọi là Bé Lai.
      Tôi thấy tim mình đập nhanh:
-        Vậy sao? Bà Bé có con lai? Trai hay gái.
      Già Vịnh nhìn tôi như ngạc nhiên:
-        Mấy ông không biết gì sao? Con gái. Đẹp dễ sợ.
      Rồi như có gì vui thích già Vịnh cưòi hi hi:
-        Còn bà già nó thì già khú đế rồi. Không làm ăn gì được!
      Tôi bật cười:
-        Chắc là ông quen biết bà Bé?
      Già Vịnh gật đầu:
-        Tụi tui lối xóm mấy chục năm. Hồi nó lấy ‘thằng’ Mỹ tui tiếc quá cỡ. Chừng ‘thằng’ Mỹ về nước, tui ‘dê’ nó hoài mà không được. Mấy ông tìm Bé Lai có chuyện chi?
      Tôi hầu như biết chắc là đã có tin tức của người chúng tôi muốn tìm nên rất vui. Tôi bảo Quản:
-        Chú về dẫn bác-sĩ Hạnh và ông Mike tới đây. Tôi cần hỏi thăm bác đây thêm vài chi tiết.
      Quản gật đầu cắm cúi bỏ đi, tôi rút tờ giấy giấy bạc dúi vào tay già Vịnh:
-        Cám ơn ông nhiều lắm. Chúng tôi là người quen, tìm bà Bé có chút việc. Ông dẫn chúng tôi về nhà bà Bé được không? Nhờ người coi hàng dùm, hoặc đóng cửa lại, chúng tôi xin bồi thường thiệt hại.
      Già Vịnh toét miệng cười, giơ cao tờ giấy bạc:
-        Nhiêu đây đủ rồi. Chừng nào sẵn sàng tôi dẫn mấy ông đi.
      Hạnh vừa tới, cười thật tươi cúi chào Vịnh và nói nhỏ với tôi:
-        Cám ơn anh. Chúng mình thật may, nhưng nếu không có anh chúng em không thể nào dám ra tớí nơi này. Người ta cứ nhìn Mike như vật lạ.
      Tôi mỉm cười, giới thiệu tên mọi người. Mike lóng ngóng đứng không yên chỗ, giục tôi:
-        Let’s go, please.
      Sau khi biết Hạnh là bác sĩ, già Vịnh có vẻ nề nang nên nhanh nhẹn dẫn đường. Căn nhà không xa quốc lộ mấy nhưng nếu không có người hướng dẫn cũng rất khó mà tìm được một cách dễ dàng. Vịnh đẩy cửa vào nhà trong lúc chúng tôi đứng chờ. Tôi nghe tiếng thì thầm và giọng đàn bà hốt hoảng:
-        Lại có người tới tìm tui nữa sao? Tui không quen biết họ. Tui không bán con tui, tui không đi đâu cả. Quê tui ở đây, nhà tui ở đây. Ông nói họ đi đi.
      Lại có tiếng nói nhỏ và giọng đàn bà:
-        Có ‘thằng’ Mỹ hả?
      Một phút yên lặng trôi qua rồi cánh cửa mở rộng và người đàn bà theo Vịnh bước ra. Bà ta đưa mắt chăm chú nhìn bọn tôi, dừng lại trên khuôn mặt Mike, như có chút ngỡ ngàng và nói như thì thầm:
-        Lu, Lu …
      Tôi đã hiểu, thở nhẹ một hơi dài, cúi đầu chào bà ta:
-        Chào bà Bé, tôi là Duy, em tôi là bác sĩ Hạnh - và chỉ Mike -  Đây là Mike, con trai của Louis. Chắc là bà thấy Mike rất giống cha.
      Người đàn bà vẫn nhìn sững Mike, hình như không nghe tôi nói. Hạnh tiến lên nắm nhẹ cánh tay bà ta:
-        Thưa … dì.
      Bà Bé như chợt tỉnh, luống cuống cúi đầu chào từng người, nhưng vẫn chưa nói được câu nào. Già Vịnh hoạt bát như là chủ nhà, mời mọi người vào trong. Hạnh dìu bà Bé ngồi xuống chiếc bàn đơn sơ và độc nhất trong căn nhà nhỏ, quàng tay ôm đôi vai gầy của bà và nói rất dịu dàng:
-        Con là con dâu của Louis. Chúng con về thăm dì thôi chứ không có ý định gì khác. Louis có gửi thư cho dì, nhờ con dịch ra tiếng Việt, con đọc cho dì nhé.
      Hạnh rút bức thư ra  khỏi ví xách tay và chậm trãi đọc nhỏ đủ cho bà Bé nghe. Khi Hạnh đã đọc xong, bà Bé vẫn ngồi bất động, dòng nước mắt lặng lẽ lăn trên hai má nhăn nheo. Chúng tôi cũng giữ im lặng, tôn trọng nỗi buồn của bà. Lâu lắm bà Bé mới hỏi:
-        Bà bác sĩ cho tui hỏi, Lu bây giờ còn mập như xưa không.
Hạnh mỉm cười:
-        Dì gọi con là Hạnh, đừng gọi con là bà bác-sĩ. Cũng gần năm nay con không gặp Louis, nhưng khi con rời Mỹ, Louis vẫn khỏe mạnh. Nhiều năm qua con thấy Louis có già đi nhưng trông không khác xưa bao nhiêu.
-        Dạ, tôi đâu dám. Khi xưa Lu ổng thương tui lắm, có đồ gì cũng mang về cho tui, cho tui tiền nữa để tui gửi về quê cho gia-đình. Hôm ông bị bắt về Mỹ tui khóc quá trời.
-        Dì nghe con đọc thư rồi đó. Louis cũng còn thương dì lắm.
      Mike hơi nóng lòng nên nhắc Hạnh:
-        Ask her about her daughter.
      Hạnh  ra dấu cho Mike ngồi xuống phía bên kia chiếc bàn:
-        Anh ngồi xuống đó để em hỏi dì. Dì Bé, dì thấy anh Mike giống ba ảnh không?
      Bà Bé gật đầu:
-        Giống quá. Mới nhìn tui cứ tưởng ổng sang thăm tui.
      Hạnh cười:
-        Thế còn em của ảnh có giống ảnh không?
-        Bác sĩ nói con Lai hả? Không, nó giống tui chứ không giống cha nó.
-        Em con đâu?
-        Nó đi dạy học, dạy mẫu giáo, chừng trưa mới về.
      Hạnh hỏi Mike:
-        Anh nghe rõ chưa. Ba sẽ mừng lắm.
      Bà Bé kể lể:
-        Tui thương nó quá đi. Sanh ra không có cha, mọi người đều hắt hủi. Tui đặt tên nó là Lai để cho nó biết thân phận nó. Những năm đói kém tui làm thuê làm mướn vẫn không đủ ăn tưởng là nó không qua khỏi. May mà nó sống sót, hai mẹ con đùm bọc nhau cho tới bây giờ.
      Già Vịnh từ nãy giờ vẫn đứng yên, ngắt lời:
-        Ðâu phải hết thẩy mọi người đều hắt hủi. Tui thương nó quá mạng mà. Tui cũng thương …
      Tôi nghĩ già Vịnh muốn nói “tui cũng thương cả bà nữa” nhưng thấy đông người nên không nói hết câu. Bà Bé hình như không nghe thấy Vịnh nói, cúi đầu gạt dòng nước mắt:
-        Hồi nó còn nhỏ nhiều người kiếm tui lắm, đòi ‘mua’ nó để  đem đi đâu đó tui cũng không biết nữa. Tui làm thế sao đành, với lại nó thương tui lắm, thấy người lạ tới là nó ôm cứng lấy tui, khóc lóc thảm thiết “Mạ đừng bỏ con”. Bây giờ nó lớn rồi, có chút học vấn, có chồng, có con nhưng vẫn không rời tui, dù là chỉ một ngày.
      Tôi thấy Mike cúi đầu đưa tay dụi mắt, và Hạnh cũng không ngăn được dòng nước mắt:
-        Tội dì và em con quá!
      Già Vịnh đề nghị:
-        Cũng sắp tan trường rôi, để tui đi báo con Lai cho nó về sớm gặp gỡ quý vị.
      Tôi tán thành ra ra hiệu cho Mike theo tôi ra ngoài đứng chờ, để một mình Hạnh tỉ tê tâm sự vớí bà Bé. Tôi nghĩ Lai sẽ vui mừng và mau chóng trở về gặp chúng tôi, nhưng tôi nhầm. Lai dắt đứa bé trai, chắc là con cô ta, đi chầm chậm, mặc già Vịnh le te chạy trước. Khi thấy tôi và Mike ngoài hàng hiên, cô ta lạnh lùng nhìn, môi mím chặt, không buồn chào hỏi. Tôi hơi ngạc nhiên, cố làm ra vẻ thân thiện:
-        Chào cô Lai, trường cô dạy có gần đây không?
      Lai nhìn Mike và tôi, hỏi một cách khô khan:
-        Các ông là ai?
-        Tôi là Duy, bạn của gia-đình cô, và đây là Mike, anh cô.
      Lai cao giọng:
-        Tôi không có anh em nào hết.
      Ngừng một giây Lai nói thêm:
-        Gia đình tôi chỉ có tôi, mẹ tôi và con tôi. Chúng tôi không có bạn ở xa.
      Tôi cố gắng ôn tồn:
-        Cô Lai, chúng tôi hiểu, chuyện đâu còn có đó. Xin cô vào nhà cho chúng tôi được thưa chuyện.
      Lai không buồn trả lời, dắt con cắm cúi vào nhà. Mike muốn đi theo nhưng tôi cản lại, nói nhỏ để Mike đủ nghe:
-        Để đàn bà họ nói chuyện trước. Mình đợi ngoài này một chút.
      Mike thì thầm:
-        She’s not very friendly. I’m a little bit disappointed.
-        Đừng thất vọng vội. Dù sao chúng mình vẫn là người xa lạ, cần thời gian để làm quen.
      Chúng tôi đứng lặng lẽ ngoài hàng hiên, lắng nghe tiếng mất tiếng còn vọng ra từ trong nhà. Tôi nghe tiếng bà Bé nỉ non, tiếng Lai cao và sắc, và tiếng Hạnh êm như tiếng suối hiền hoà. Một lúc sau tôi thấy Hạnh buớc ra, vẫy tay cho chúng tôi vào nhà. Bà Bé vẫn ngồi cúi đầu cạnh bàn, Lai đứng sau lưng , tay đặt trên vai mẹ như che chở. Nếu không có mái tóc nâu nhạt và làn da trắng sáng so với dân địa phương thì Lai có lẽ giống VN hơn là một cô gái mang hai dòng máu.
      Hạnh chỉ tôi:
-        Anh Duy tôi từ Mỹ về dạy học giúp sinh viên nghèo, nhà tôi cũng là bác sĩ, chúng tôi làm việc cho cơ quan thiện nguyện. Chúng tôi tới đây với tất cả tấm lòng. Tôi biết em còn bực bội vì  những gì đã xãy ra hơn 30 năm trước đây, và chúng tôi cũng đã phân trần hết lời. Thư của ba em cũng đã nói hết lời. Tôi để bức thư lại đây để em đọc lại thêm một lần.
      Ba em hối hận và muốn đền bù cho em, chúng tôi muốn làm vui lòng một người sắp chết. Xin em xét lại lòng mình, chấp nhận tấm chân tình của ba em, của chúng tôi. Tôi biết đây là chuyện bất ngờ nên em cần thời gian suy nghĩ, mai chúng tôi sẽ trở lại nói chuyện thêm với dì và em.
      Lai ngước nhìn lên trần nhà chứ không nhìn thẳng vào chúng tôi:
-        Tôi không có cha, tôi chỉ có mẹ. Quê mẹ ở Đông Hà, nghèo nhưng cũng đã nuôi tôi nên người. Tôi không cần tiền, không cần tình thương muộn màng của bất cứ ai. Vâng, tôi cay đắng vì tôi tóc tôi không đen hơn, da tôi không vàng hơn, nhưng tôi chịu đựng được từ ngày tôi biết nghĩ, và tôi sẽ sống như thế này, ở đây, cho đến khi tôi chết. Ước gì quý vị đừng đến, đừng khuấy động những gì chua xót đã qua.
      Tôi thấy giọng Lai đã mềm xuống, và nước mắt đã chảy dài. Bà Bé cũng khóc, và cả Mike và Hạnh cũng đã thẫn thờ. Lòng tôi cũng chùng xuống, nhưng biết Hạnh nghĩ đúng là chúng tôi không nên ở lại lâu hơn, nên cất tiếng từ giã:
-        Thôi, xin chào bà và cô. Sáng mai thứ Bảy, chắc cô Lai không bận, chúng tôi sẽ trở lại. Dù sao thì cũng là chỗ quen biết.
      Tôi kéo tay áo Hạnh:
-        Chúng mình về.
      Hạnh dùng khăn tay chấm nước mắt:
-        Chào dì chúng con về, em Lai, anh chị về. Mai anh chị sẽ trở lại.
      Lai không nói thêm câu nào, chỉ nhìn sững lên trần nhà. Bà Bé run rẩy đứng lên tiễn chúng tôi, nước mắt vẫn còn đọng trên khuôn mặt già nua trước tuổi. Trên đường trở lại Huế tôi khuyên Mike và Hạnh chớ nên thất vọng, đêm nay cố gắng ngủ một giấc cho thật ngon để mai lấy sức trở lại Ðông Hà. Tôi tin là Lai trước sau gì rồi cũng sẽ cảm nhận được tấm chân tình của chúng tôi.

 o0o

      Hình như Lai có chuẩn bị đón chúng tôi trở lại. Trên bàn có bình nước trà và những chiếc tách sạch bóng. Chúng tôi ngồi quanh bàn với niềm hy vọng. Hạnh nhìn bà Bé, mở lời trước:
-        Dì mạnh chứ?
      Bà Bé lắc đầu:
-        Đêm qua tui ngủ không được, hơi mệt một chút.
      Lai đỡ  lời:
-        Mẹ em khóc suốt đêm. Có lẽ là mẹ nhớ đến … Louis.
      Trao cho mỗi người một tách trà, Lai chớp mắt nhìn chúng tôi nói tiếp:
-        Em xin lỗi anh chị. Hôm em quá xúc động nên không giữ được bình tĩnh.
      Hạnh vui mừng với tay qua bàn nắm lấy bàn tay Lai:
-        Không, em không có lỗi gì. Chúng ta không ai có lỗi, chỉ là hoàn cảnh khắc nghiệt đó thôi em.
-        Em đọc lại lá thư rồi, đọc nhiều lần. Bây giờ em hiểu chuyện xưa hơn. Trước đây em cay đắng thân phận con hoang mang hai dòng máu. Mẹ em cũng không nói cho em biết nhiều về những gì xảy ra trước đây. Em oán trách ‘giặc Mỹ’ đã bỏ rơi mẹ con em làm chúng em đói khổ. Em cũng thù ghét những người muốn lợi dụng em, định chia rẽ em và mẹ em. Em sống được đến ngày nay là vì mẹ …
      Lai như nghẹn lời:
-        Mẹ em khóc suốt đêm qua, chắc vì nhớ thương. Nếu mẹ không thù ghét người đàn ông ấy thì em làm thế sao đành.
      Chúng tôi ngồi yên lắng nghe Lai tâm sự. Bà Bé hỏi thêm:
-        Lu bây giờ ra sao?
      Hạnh nhìn Mike;
-        Đêm qua nhà con có điện thọai nói chuyện với Louis. Hai người đều khóc nên cũng không nói gì được nhiều. Dù mang bệnh không chữa được nhưng lúc này Ba con vẫn còn mạnh mẽ, đi lại bình thường.
-        Bác sĩ cho tui gửi lời thăm và cám ơn Lu dùm tui. Tui không có gì gửi cho ổng cả.
      Mike bập bẹ:
-        Ba nói nhớ … dì.
Bà Bé không nói, hình như còn đang suy nghĩ điều gì. Lai nhìn Mike:
-        Anh về Mỹ cho em gửi lời thăm … ba.
      Mike bật khóc nức nở, liên tiếp gật đầu. Hạnh quàng tay ôm lưng chồng vỗ về, và tôi cũng thấy dòng nước mắt lăn trên má Lai. Tôi an ủi mọi người:
-        Dù có xa một đại dương nhưng gia-đình như thể đã đoàn tụ. Mai này khi trở về nước Chúa Louis cũng thấy được an-ủi.
      Hạnh tiếp lời:
-        Ba rất hối hận và thành thật nên để hết tài sản lại cho em. Anh chị sẽ thu xếp chuyển tiền sang bên này.
      Lai lắc đầu:
-        Xin chị đừng làm vậy. Em sống thế này đã quen, không cần gì hơn.
      Tôi thắc mắc:
-        Lương giáo viên của em lo sao đủ cho mẹ, cho con?
      Lai khẽ nhếch môi cười:
-        Vâng, đồng lương giáo viên ít ỏi khó sống được đầy đủ nên chồng em phải bôn ba. Anh ấy là thủy thủ trên tầu viễn dương. Lâu lâu với về nhà một lần.
-        À ra thế, tôi cứ thắc mắc vì không thấy ba của cháu nhỏ đâu mà không dám hỏi.
      Lai gạt nước mắt cười:
-        Anh tưởng em lại … giống mẹ em phải không?
      Tôi cũng cười:
-        Đa nghi, đáng bị mắng lắm.
      Không khí đã có vẻ vui tươi, tôi đề nghị:
-        Lai, em không cần phải giữ kẽ quá. Ba cho thì cứ nhận. Không cần đến thì đem tặng cho người nào cần.
      Lai vẫn lắc đầu, nhưng chợt im lặng như suy nghĩ:
-        Quả tình em không muốn nhận. Tuy nhiên nếu có ít sách vở  cho học trò của em thì em rất cám ơn.
      Hạnh chen vào:
-        Chuyện đó em để chị lo. Bây giờ đã biết em ở đây chị sẽ liên lạc thường xuyên.
      Chỉ đứa bé trai vẫn đứng sát bên Lai, ôm chân mẹ, Hạnh nói tiếp:
-        Tiền của ba chị sẽ bỏ vào trương mục cho con của em. Mai mốt lớn lên, nếu cháu muốn đi Hoa-Kỳ du học thì đã có sẳn phương tiện.
      Lai như có vẻ cảm động:
-        Em cám ơn chị, cho em và cháu Phi gửi lời cám ơn ba em.
      Mike là người vui nhất:
-        Thank God. Dad would be very happy, I can’t wait to tell him!
T    ôi vỗ tay:
-        Vui quá. Cả gia-đình đứng lại gần nhau để tôi chụp tấm hình gửi về cho Louis tối này.
      Đó là tấm hình đẹp nhất tôi chụp từ ngày về VN, tấm hình có những người miệng cười thật tươi nhưng má vẫn chưa khô dòng nước mắt. 

      Trên chuyến bay về Sài Gòn tôi lấy email ra đọc lại. Thủy viết:
-        Cám ơn thày, thày không chỉ dạy cho em biết làm sao để viết lá thư này bằng nhu liệu mà con dạy cho em hiểu thế nào là lòng yêu thương chân thật. Vũ nói thầy còn thân hơn là bạn thân. Thầy nhớ về dự đám cưới của chúng em cuối năm nay nghe. 
      Tùng có vẻ như rất buồn:
-        Em biết thầy cố giúp em, nhưng tình yêu không thể gượng ép. Bây giờ em có thể nói yêu Loan mà không còn mắc cở. Em sẽ đi khỏi thành phố nhỏ này, cũng như thày năm xưa. Tình yêu ban dầu, dù được yêu hay không, bao giờ cũng đẹp. Em chưa biết đời mình sẽ ra sao, nhưng dù ở đâu em cũng sẽ không quên Đà Lạt, không quên thày và không quên Loan.
      Loan viết còn tha thiết hơn:
-        Em không cần nói nhưng em biết là thày đã hiểu. Dù sao thì thày cũng đã cho em biết thế nào là ý nghĩa cuộc đời. Em sẽ tình nguyện trông nom trẻ mồ côi trên chùa. Một ngày nào đó thày sẽ trở lại, và có lên chùa thày nhớ hỏi … ni cô Như Loan! Em nói đùa đấy thôi chứ Phật nào độ được cho người còn nặng lòng trần gian như em, phải không thày. Rất mong ngày thày trở lại.
      Máy bay chuẩn bị đáp. Tôi thở dài, Sài Gòn ở dưới đó, nơi mà tôi đã trải qua quãng đời thanh xuân, nơi tôi đã yêu và được yêu, nhưng mỗi lần đi về là mỗi lần bồi hồi. Tuần tới Mike về Mỹ, nhưng còn tôi, tôi ‘đi’ Mỹ hay tôi cũng ‘về’ Mỹ, nơi tôi có gia-đình? Nơi đây hay bên đó với tôi bây giờ đều là nhà, đều là nơi tôi thương mến. Tôi không còn xót xa khi chia tay người thân yêu thủa tôi còn trẻ, nhưng bây giờ giã từ vẫn thấy buồn, dù chỉ là giã từ đám học trò tôi mới biết đây thôi.
      Tôi nhủ thầm:
-        Loan ạ, em không thành ni cô đâu, nhưng ngày ngày nghe tiếng chuông chùa tâm hồn em sẽ lắng đọng, thấy cuộc đời vô thường và biết đâu em sẽ tìm được chân hạnh phúc.
      Tôi vỗ vai Mike, và chợt vui khi nghĩ đến gia-đình:
-        Hey, we are going home next week.
      Máy bay nghiêng cánh, cô tiếp viên nhắc tôi cột thắt lưng an toàn, và khi cô ta nhìn tôi, tôi chợt giật mình vì thấy mắt cô ta sao giống như là mắt Loan!

May 2006 

No comments:

Post a Comment