Tận Cùng Đam Mê
(Truyện Ngắn 3 Phần)
Phần I
(Lời người viết: Tận cùng đam mê mang lại những thống khổ cho cuộc đời, nhưng nhận thức được đời sống mong manh đã đưa con người trở lại con đường ngay. Truyện ngắn này viếttheo tâm sự của một người bạn thân nhưng đa phần là hư cấu, nếu có sự trùng hợp về địa danh và tên người là ngoài ý muốn của tác giả. Cũng xin thành thật cám ơn người bạn đã tin tưởng và tâm sự với chúng tôi về những thăng trầm của đời sống để chúng tôi có thể viết câu chuyện này. TQT)
Mắt Trung long lên sòng sọc, hàm răng rít lại, nắm tay đập mạnh xuống bàn:
- Tại sao cô muốn ly dị? Tôi đã làm gì đến độ cô phải đối xử với tôi như thế này?
Tôi vẫn ngồi yên lặng, như thể là tôi không nghe thấy Trung vừa nói gì. Quyển sách vẫn ngang tầm mắt nhưng tôi không đọc thêm được chữ nào. Người đàn bà trong bức tranh vẽ dở dang vất cạnh chân tường hình như đang nhìn tôi như muốn hỏi. Còn gì nữa mà nói, tôi đã không còn yêu Trung, linh hồn tôi bay lãng đãng ở một nơi nào đó, không ở đây, trong căn nhà rộng lớn, đầy đủ tiện nghi trên sườn đồi. Tôi còn biết nói gì. Hơn mười hai năm chung sống Trung vẫn không hiểu được tôi, và hơn năm nay chúng tôi không còn ngủ chung. Tôi bệnh hay tôi buồn Trung cũng chẳng thèm để ý, ly dị hay không cũng có khác gì. Tôi nặng nề lắc đầu, chỉ tập hồ sơ trên bàn:
- Anh đọc đi. Luật sư đã soạn thảo đầy đủ, nêu rõ lý do. Em không đòi hỏi gì, chỉ xin anh cho em được nuôi các con thôi.
Tôi cố giữ nhưng nuớc mắt vẫn trào ra, bỏ cuốn sách xuống, kín đáo chùi nước mắt, lơ đãng nhìn Trung cầm tập hồ sơ lên. Giọng nói của Trung trở lại lạnh lùng:
- Được, cô muốn ly dị tôi để cô ly dị! Tôi biết cô không còn yêu tôi, mặc dù tôi đã tha thứ cho cô lỗi lầm ngày nào. Tôi sẽ cho cô thấy là không có tôi cô chẳng là cái gì, không có tiền của tôi cô chỉ sống bằng welfare với food stamps mà thôi!
Trung bỏ ra phòng ngoài, tôi nghe tiếng đồ đạc đổ vỡ, tiếng Trung rít lên “Này sách, này tranh, goddamn it!” Tôi giật mình chạy ra, dù sao thì cũng còn các con tôi. Không ai đuợc đụng tới chúng.Trung có phá nhà, hay giết tôi cũng được, nhưng không được đụng vào các con tôi!
Kệ sách đổ, những cuốn sách tôi thu góp bao nhiêu năm nay nằm tung tóe trên sàn, vài cuốn bìa bị xé rách trong cơn nóng giận của Trung. Các con tôi không còn ở đấy, chắc chúng đã chạy vào phòng, leo lên giuờng chùm chăn kín như mỗi lần Trung lên cơn điên. Trung cũng không còn đó, và có lẽ đêm nay cũng sẽ không về, ngất ngưởng say ở một nơi nào đó, hay trở lại văn phòng ngồi gục đầu trên chiếc bàn làm việc rộng mênh mông với những đồ án xây dựng dở dang.
Tôi thẫn thờ nhặt một cuốn sách lên nhưng rồi chán nản vứt lại xuống sàn, lặng lẽ hé cửa bước vào phòng con gái út. Jane đã nằm yên trên giường, thân hình bé nhỏ co quắp, quay mặt vào tường như thể không biết là có tôi đang tiến lại gần. Tim tôi quặn đau, nhè nhẹ đưa bàn tay vuốt mớ tóc mềm của con:
- Mommy is so sorry!
Con bé không nói nhưng có dòng nước mắt ứa ra. Tôi hôn lên má con:
- Con tha lỗi cho mẹ. Mai mẹ đưa các con về với ngoại. Chúng mình không ở đây nữa.
Bỗng dưng tôi khóc. Đã lâu lắm rồi tôi câm nín, không biết sao lúc đó tôi nức nở như trẻ thơ. Nước mắt tôi nhạt nhoà, và tôi gọi “Mẹ ơi”. Ngồi xuống sàn, tôi gục đầu trên gối, và cứ như thế rất lâu trong cái yên lặng với niềm cô đơn tuởng như vô cùng đó, chợt một bàn tay rất nhỏ nắm lấy vai tôi, và một giọng nói nhẹ như là từ cõi xa vời:
- Mommy, don’t be sad.
Trời San Francisco mờ trong sương. Hơn một năm theo học hội hoạ ở đây rồi mà tôi vẫn chưa hoàn toàn quen với thời tiết của thành phố sương mù này. Những con dốc, những chiếc xe điện cổ điển với tiếng chuông vui tai, và những con đường ra bờ biển đầy những nghệ sĩ kiếm sống bằng nghệ thuật đã lôi cuốn tôi tới nơi này. Tôi đã đến, tôi đã tìm được tôi, và tìm được tình yêu đích thực để mang theo cho đến cuối cuộc đời.
Ngày đó tôi đã cố thuyết phục Trung:
- Chương trình hội họa của trường đó chỉ có hai năm. Tốt nghiệp xong em vừa có thể là hoạ sĩ vẽ tranh, vừa có thể hành nghề interior design, trang trí nhà cửa, giúp thêm cho đời sống gia đình.
Trung lắc đầu:
- Chúng mình đâu có thiếu thốn. Thừa thãi nữa là đàng khác, dù chỉ mình anh đi làm. Các con cần em ở nhà, và anh cần có em ở bên.
Tôi gượng cười:
- Anh đi làm suốt ngày. Các con cũng đã lớn, đi học tới chiều mới về. Em ở nhà loanh quanh ra vào một mình! I’m bored!
Để thuyết phục Trung, tôi dậm nhẹ đôi bàn chân, rúc đầu vào ngực anh, nũng nịu:
- Cho em đi học đi cưng. Mai mốt em vẽ hình anh, hình các con, treo trong nhà. Hồi chưa lấy nhau anh chẳng nói là em muốn gì anh cũng chiều em mà.
Cuối cùng Trung đành chiều theo ý tôi. Từ chỗ chúng tôi ở hàng ngày phải lái xe lên San Francisco cũng khá vất vả nên cuối cùng Trung mướn cho tôi một cái studio nhỏ gần trường, để tôi có thể ở luôn trên đó, hàng tuần vào chiều thứ sáu, lên đón tôi về với gia đình. Tôi trở lại đời sinh viên như con chim ra khỏi lồng, cất tiếng hót thánh thót, đến độ nhìn khuôn mặt hạnh phúc rực rỡ của tôi Trung đã ôm tôi hôn thật nồng nàn:
- Anh biết là em vui, anh cũng rất sung sướng vì thấy em vui, dù thiếu vắng em bên mình. Cả các con nữa. Bé Jane đã có bà Feng tới trông nom nhưng vẫn hỏi em hàng ngày.
Nghĩ tới các con tôi cũng cảm thấy hơi ân hận:
- Cuối tuần em vẫn về đưa con đi chơi, và tối nào cũng gọi các con trước khi các con đi ngủ. Anh yên tâm. Các con đối với en rất là quan trọng.
Trung cũng tạm yên tâm, nhất là từ ngày thấy Sophia, con bạn gốc Ý học cùng lớp hội hoạ dọn vào ở chung với tôi.
Sophia bĩu môi nhìn tôi:
- Lại đọc sách. Mày muốn đi chơi không Vy?
Tôi nhún vai:
- Đi đâu?
- Cái bar ở góc phố đó. Hôm nay có ban nhạc sống tới chơi.
Tôi ngần ngừ:
- Tao đọc gần xong cuốn sách này rồi. Thôi để khi khác.
- Mày đọc cái sách quỷ quái gì đó?
- Tiểu thuyết tiếng Việt của tác giả Kiệt Tấn. Mày không hiểu đâu.
- Lẽ dĩ nhiên là tao không hiểu, có hiểu tao cũng không đọc. Vy, mày lãng mạn, say mê những cái không có thật, chúi đầu vào sách truyện và những trang webs vô bổ.
- Come on. Có những kinh nghiệm sống trong sách rất gần gũi với đời thường.
Thân bất thình lình gửi cho tôi một tấm hình mà anh nói là mới chụp cách đây vài tháng trong văn phòng nơi anh làm việc tại NASA của thành phố Mountain View. Thân khoanh tay, dựa lưng vào bàn giấy, miệng mỉm cười như đang chào đó người nào đó tới thăm. Trông Thân hình như già hơn Trung vài tuổi, nhưng không có vẻ khắc khổ cố hữu của Thân, trái lại nụ cười rất tươi và ánh mắt thật khoan hoà. Kèm theo tấm hình là mấy chữ “Để Quỳnh Như biết bạn ta! Be fair”, và cái dấu ‘happy face’ tròn xoay.
“Be fair!” Tôi biết là Thân muốn tôi gửi hình của tôi lại cho Thân. Lúng túng mãi tôi mới chọn được tấm hình cũ chụp đã khá lâu và không rõ mặt lắm gửi cho Thân. Khuya đó tôi nhận được message của Thân:
- Trông Như bé bỏng quá. Bữa nào anh mang gạo lên đó nuôi Như cho mau lớn.
Lúc này Thân đã biết tôi đang học tại San Francisco, và chúng tôi đã dùng ‘chat’ để nói chuyện với nhau thường hơn, nên tôi gửi vội một hàng:
- Đừng! Như không gặp anh được.
- Tại sao?
- Tại … Như không muốn.
Thân gửi lại hình cái mặt mếu, nhưng không nói gì hơn. Trong thâm tâm tôi biết thế nào cũng có ngày chúng tôi sẽ gặp nhau, chỉ là vấn đề thời gian, vì tôi biết là trong tâm tư tôi đã nghĩ tới anh quá nhiều. Những bài tùy bút anh viết cho người tình ở xa cách, ám chỉ tôi, làm tôi mềm lòng. Có cả những câu thơ ngắn, ước ao một phút giây gặp gỡ làm tôi bồi hồi:
Ước gì cho không gian thu hẹp lại
Cho đêm đêm anh cúi xuống thật gần
Nụ môi hôn, linh hồn say khờ dại
Đêm tận cùng trong giấc ngủ ái ân. (Thơ Biển Mặn).
Tôi gửi thư riêng cho Thân “Anh làm Như … hư mất.” Thư trả lời của Thân thật dịu dàng “Anh chỉ muốn thấy Như một lần, được cầm tay Như, được đi với Như trên những con giốc sương mù, tới ngọn đồi cao trông ra biển, và nói nhỏ vơi Như là lúc nào anh cũng tưởng nhớ tới Như. Anh muốn Như có hạnh phúc, còn anh, anh cam đành với số phận, có chút duyên nhưng không có nợ nên không có được em trong vòng tay.”
Tôi cầm lòng không được, và gửi ngay số cell của tôi cho Thân, và ngay buổi chiều ngày hôm sau Thân đón tôi trước cửa trường. Chúng tôi lặng lẽ đi bên nhau, và tôi đã run lên dựa đầu vào vai anh, khi anh ôm nhẹ bờ vai tôi. Bưổi tối đó Sophia ra khỏi nhà, nó nháy mắt với tôi, và nó không trở về cho tới khi trời sáng, lúc Thân hôn tôi giã từ.
Cuộc tình của tôi và Thân càng ngày càng sôi động, chúng tôi không còn dấu diếm gì nhau, nói cho nhau biết hết về những ràng buộc gia-đình, và mỗi lần đề cập tới tôi thấy niềm đau trong mắt anh, trong giọng nói ngập ngừng, trong tiếng nhẹ thở dài. Còn tôi, tôi nói bằng nước mắt, bằng ủ ê cúi đầu, nhưng tất cả những thứ đó không làm cho chúng tôi ra khỏi niềm đam mê cháy bỏng. Cuối tuần tôi ít về với gia đình, viện cớ phải đi thực tập vẽ phong cảnh ngoài trời, còn Thân, Thân nói với vợ về những off-site meetings, về những chuyến công tác qua đêm tại một tỉnh xa lạ nào đó, để chúng tôi có thể ngủ vùi trong tay nhau, trong những khách sạn nhỏ thơ mộng dọc theo con đường ven biển. Tôi luôn luôn nằm quay lưng vể phía Thân, để được Thân ấp ủ, vuốt ve bờ vai, mặc cho đôi khi nước mắt thấm bờ mi, vì hạnh phúc, vì khổ đau, vì hối hận dày vò.
Thân càng ngày càng trầm lặng mỗi lần gặp nhau. Anh vẫn dịu dàng, vẫn thiết tha, vẫn làm tôi tan chảy với hạnh phúc, nhưng tôi cũng thấy nét chua xót gần như đau đớn, trong ánh mắt, nụ cười.Buổi tối đó chúng tôi dìu nhau đi bộ trên con đường ra bãi biển, Thân thì thầm:
- Ước gì chúng mình cứ được mãi như thế này.
Tôi dụi đầu vào ngực anh:
- Chúng mình đang có nhau đây thôi.
Thân thở dài:
- Em sắp tốt nghiệp, em sắp về với gia đình dưới đó.
Tôi ngửng đầu nhìn anh, Thân lại thở dài:
- Anh …
- Sao anh?
Thân ngập ngừng:
- Hình như Thảo đã biết.
Tôi nghe tim thắt lại:
- Chị Thảo … sao, chị Thảo biết chuyện chúng mình rồi sao?
Thân lại thở dài:
- Anh nghĩ vậy. Thảo vẫn im lìm buồn rầu, hầu như không nói chuyện với anh, và có lúc thấy Thảo ngồi ôm hai con, xoa tóc chúng, chìm vào suy tư như thể là đang quyết định một điều gì ghê gớm lắm.
Tôi nghe đắng ngắt trong miệng:
- Anh … Như … Như không muốn xa anh, nhưng Như không thể làm anh khổ. Chúng mình phải làm sao bây giờ?
Thân bóp nhẹ bàn tay tôi:
- Anh cũng không biết. Có lẽ chúng mình phải tạm xa nhau môt thời gian xem sao. Nhưng lúc này anh muốn quên hết mọi chuyện, giữ lấy nhau được phút nào hay phút ấy. Mai anh đưa em lên Tahoe chơi. Chúng mình ở với nhau một đêm trên đó, rồi có phải chia cách cũng còn có gì để nhớ.
Tôi ứa nước mắt ngả đầu trên vai Thân. Anh cúi xuống hôn lên trán tôi, và tôi nghe thấy tiếng anh nhẹ thở dài.
Highway 50 từ Sacramento lên Lake Tahoe len lỏi qua những đồi thông, dọc theo những con suối róc rách, đẹp như tranh vẽ, và gần gụi với Đà-Lạt, thành phố thời thơ ấu của tôi, làm tôi thật bồi hồi. Thân lái xe, mắt nhìn về trước thoảng buồn. Chúng tôi vừa ngừng lại tại một quán bên đường cạnh con suối nước trong veo. Trời mới chớm thu, không lạnh lắm, nhưng những chiếc lá đã ngả mầu, và vài chiếc đã rơi nằm rải rác bên bờ suối. Tôi bỏ giầy, thả bàn chân xuống làn nước mát lạnh, tay vu vơ bứt những ngọn cỏ gần kề. Thân ngồi xuống cạnh tôi, ôm bờ vai tôi truyền hơi ấm từ lồng ngực anh. Cả hai chúng tôi đều không nói, cả hai chúng tôi nhìn sang bên kia bờ suối, những đôi mắt buồn bơ vơ, và tôi chợt ứa nước mắt, để cho anh hôn lên đó thật dịu dàng.
Buổi tối chúng tôi đi dạo với nhau bên bờ hồ. Bầu trời long lanh đầy sao, chúng tôi im lặng hoà mình vào vũ trụ im vắng, chỉ đến khi chân tôi đã mỏi mới dựa lưng vào một thân cây thông, để anh ôm tôi trong vòng tay, hôn lên môi, lên cổ và cả trên mí còn đọng nước mắt vừa ứa mỗi khi tôi nghĩ tới đêm nay có thể là đêm cuối cùng chúng tôi có nhau.
Đến gần sáng chúng tôi mới thiếp đi. Hai thân thể rã rời quyện vào nhau như như môt khối. Giống như mọi lần, tôi quay lưng lại cho anh ấp ủ, bàn tay anh vuốt ve, và lau cho tôi dòng nước mắt nhạt nhoà.
o0o
Sau lần đó chúng tôi không bao giờ gặp lại nhau. Thân xin thuyên chuyển, và đưa gia-đình qua miền Đông, để giữ lại tình vợ chồng dù đã bị tổn thương. Tôi trở về với gia đình nhưng niềm thương nhớ anh không nguôi, tôi bắt đầu vẽ portrait, và khuôn mặt đầu tiên là khuôn mặt anh. Tôi cũng vẫn theo dõi những bài viết của anh trên diễn đàn. Trái tim đau khổ của anh hình như rướm máu, thơ anh càng thiết tha, và đâu đó hình bóng tôi chứ không phải vợ anh, vẩn còn phảng phất trong những con chữ.
Ở nơi đó bây giờ
Mùa thu có gió
Nên nỗi nhớ thật não nùng.
Em đợi một ngày trời ươm nắng
Cho em mang nỗi nhớ ra hong. (Thơ Biển Mặn)
Dần đần rồi Trung cũng biết là tôi đang thương nhớ một người nào đó không phải là Trung. Cơn giận của Trung bùng lên, mãnh liêt tưởng như đốt cháy không gian, tường như nghiền tôi nát thành tro bụi. Tôi nghiến răng gục đầu chịu đựng, đau đớn nhưng càng nhớ thương nét dịu dàng của Thân những lúc chúng tôi gần nhau. Ước gì lúc đó Trung giết tôi chết, để tôi không còn bị dày vò, đau khổ vì còn yêu một người ngoài vòng tay. Những dòng nước mắt của các con tôi làm mềm cánh tay giơ cao của Trung, và làm tôi câm nín. Tôi biết chỉ là vấn đề thời gian trước sau gì rồi Trung và tôi cũng sẽ phải chia tay, nhưng quả tình tôi không biết phải làm gì. Tôi không còn là tôi, rất bơ vơ, nhưng cũng rất cương quyết giữ cho mình những tình cảm sâu đậm của một mối tình làm tôi cuồng điên vì nhớ.
Trung tìm đến bạn bè, đến những cuộc vui không có tôi, còn tôi, tôi tìm quên trong sách vở, hội hoạ, và những chai Tequila chất đầy trong những ngăn tủ quanh nhà.
o0o
- Có chuyện gì mà con gọi vào giờ này?
Giọng tôi đứt quãng vì nghẹn ngào:
- Mẹ, … con …
- Lại xảy ra chuyện gì nữa hả con?
- Dạ.
- Sao?
- Mai con mang các cháu về.
Tiếng mẹ tôi im lặng, lâu lắm tôi mới nghe tiếng mẹ nhẹ thở dài:
- Con về luôn?
- Dạ.
- Mẹ thật bàng hoàng. Con có biết là hậu quả có thể rất nghiêm trọng hay không?
- Con không biết nữa mẹ ạ.
Tôi lại nghe tiếng thở nhẹ:
- Thôi, con cứ về rồi tính sau. Bố mẹ lúc nào cũng thương con.
- Dạ, con cám ơn bố mẹ.
Tôi buông điện thoại, ngồi xuống giường thẫn thờ nhìn quanh. “Adieu”, tôi nói thầm. Tôi sẽ không trở về đây nữa, tôi sẽ ra đi với các con, chỉ mang theo áo quần, vài bức tranh và ít sách vở. Trả lại hết cho Trung, tôi cũng chẳng cần gì hơn. Cái tôi cần tôi không có được. Anh Thân ơi, anh có biết là Vy nhớ anh lắm không!
Còn tiếp …
Trần Quang Thiệu
December 20, 2007
Tận Cùng Đam Mê
(Truyện Ngắn 3 Phần)
Phần II
Tôi ngồi xuống giường, dựa đầu lên vai mẹ như những ngày xưa bé bỏng:
- Mẹ không buồn con chứ?
Mẹ tôi nhẹ lắc đầu vuốt làn tóc rối tôi chưa kịp chải lại sau mấy giờ bay:
- Không đâu con, các cháu ngủ yên chưa.
- Chúng nó mệt nên ngủ yên hết rồi.
- Con có mệt thì cứ đi ngủ đi.
- Cho con ngồi với mẹ tí nữa nhé. Bố đâu rồi, con sợ bố mắng lắm.
Mẹ tôi thở dài:
- Bố con ít nói, nhưng cũng như mẹ, lúc nào cũng thương con. Từ trước đến giờ con vẫn là đứa con hiếu thảo với gia đình. Gia đình tan vỡ là điều bất hạnh nhưng có lẽ cũng do số mạng.
Tôi ứa nước mắt:
- Lỗi tại con, nhưng giá hồi đó mẹ đùng ngăn con với chú Quang thì biết đâu con chả có hạnh phúc.
- Đừng nhắc chuyện đó nữa con. Làm sao bố mẹ dám để con lấy chồng lúc con chưa đầy 18 tuổi. Chú Quang yêu con nhưng gấp đôi tuổi con lúc bấy giờ. Mẹ biết con buồn và Quang đau khổ bỏ đi, nhưng cũng nhờ đó con mới có cơ hội theo học đại học, giúp đõ được bố mẹ, nuôi các em con nên người. Con đã nghe lời mẹ lúc đó nên bao giờ mẹ cũng thương con. Con vẫn còn nhớ Quang à?
Tôi nhè nhẹ gật đầu:
- Đôi lúc mẹ ạ. Chú Quang là mối tình đầu, khi con mới 15, biết nhau ba năm dài. Con học thơ văn và viết lách từ chú mà mẹ.
Mẹ tôi lại cười buồn:
- Nhà này ai cũng thực tế, chỉ có con là lãng mạn với thơ văn nên mới khổ. Vy này, bố mẹ thấy con xinh đẹp nhưng tính tình ngang bướng từ nhỏ, thích gì là làm, chẳng để ý gì đến ăn mặc và trang điểm cho chau chuốt như những đứa con gái khác nên đã lo ngại. Đúng là cái số con truân chiên.
Tôi mỉm cười với mẹ:
- Số gì đâu mẹ! Con thích nên con làm, con muốn học cho giỏi, đi làm kiến ra tiền giúp mẹ nuôi các em, có đời sống vật chất đầy đủ, và con đã thực hiện được những điều con hoạch định. Con biết là con cũng mắc phải nhiều lỗi lầm, giá đừng học kế toán, theo đuổi nghành hội hoạ và trang trí nội thất từ ban đầu thì có lẽ con đã không gặp Trung, và có lẽ đã hạnh phúc hơn nhiều. Thôi con đi ngủ đây. Mẹ cũng đi ngủ đi, muộn rồi.
Dù rất mệt mỏi như tôi vẫn không sao ngủ được. Căn phòng này của tôi khi tôi còn sống với gia đình. Con chó nhồi bông vẫn ngồi trên kệ sách, các bằng khen từ thời trung học vẫn treo trên tường, cả tấm hình ngày tôi tốt nghiệp đại học, trước khi đi Silicon Valley nhận việc, vẫn được mẹ tôi trịnh trọng đặt trên cái bàn viết nhỏ. Tuổi trẻ của tôi là ở đây, là chỗ êm đềm với mẹ, với các em, với chú Quang, người bạn trẻ tuổi của bố, và là người tôi yêu ngay từ khi vừa qua tuổi dậy thì.
Tôi trằn trọc nghĩ tới ngày đầu tiên gặp Trung, người đàn ông đẹp trai đi cùng với một người bạn, lái chiếc Porsche màu rượu chát đậu ngay trước tiệm ăn, nơi và tôi và con nhỏ bạn đang xì xụp thưởng thức tô bún bò. Nhìn thân hình rắn chắc của Trung trong bộ đồ thể thao trắng, chắc là vừa từ sân Tennis về, con nhỏ bạn đã run lên, thì thầm:
- I want him!
Tôi thúc dục:
- Go for it! Tới làm quen đi.
- Thôi, dị thấy mồ!
- Có gì mà dị. Bộ con gái không được làm quen với con trai à. Mày ở xứ này bao lâu rồi mà còn bảo thủ quá
Con nhỏ bạn vẫn e dè lắc đầu. Tôi hồn nhiên:
- Để đó tao!
Hai người đàn ông thoáng đưa mắt nhìn chúng tôi, nhưng rồi lại hăng say bàn tiếp về trận cá độ mà họ vừa thắng nên có lẽ không nhận thấy tôi vừa thoáng mỉn cười với họ. Tự ái và tính tinh nghịch nổi lên, tôi kéo con nhỏ bạn ra về, nhưng khi trả tiền tại cashier tôi mượn cây viết, xé mảnh giấy hoá đơn, viết tên và điện thoại của tôi, đưa cho cô nhân viên:
- Nhờ chị trao cho người lái chiếc xe đỏ đậu trước cửa. Cám ơn chị nhé.
Tôi không phải chờ lâu. Buổi tối đó Trung gọi, chúng tôi nói cười thật vui trong phone, và vài ngày sau thì tôi đã ngồi cạnh Trung trong chiếc xe Porsche màu đỏ đó, chạy khắp phố phường.
Đám cưới của chúng tôi là giấc mơ của nhiều cô gái. Tôi thôi việc và Trung xây cho tôi một ngôi nhà mới trên sườn đồi để cho tôi trang hoàng theo ý thích. Những đứa con lần lượt ra đời, tôi bận bịu, nhưng rồi hạnh phúc ban đầu nhạt dần. Trung quá chú tâm với công việc kiếm tiền, ít còn thì giờ cho tôi, và nhất là ít còn để ý truyện trò với tôi, khiến tôi hiu quạnh và nhàm chán trong căn nhà to lớn nhưng lạnh lẽo những lúc chỉ có tôi một mình.
Thân đến với tôi như câu chuyện của bản tình ca “Ngày đó có anh đi nhẹ vào đời và mang theo trăng sao với lời thơ nuối”, nhưng rồi “Ngày đó có anh ra khỏi đời rồi, và mang theo trăng sao chết cuối trời u tối”, để lại cho tôi niềm đau tê tái đến tận cùng.
Bài hát ‘Ngày Đó Chúng Mình’ của Phạm Duy vang vang trong tiềm thức, cho đến quá nửa đêm về sáng tôi mới chợp mắt, và khi Jane lay tôi dậy, tôi nhìn thấy nước mắt đầm đià trên gối.
o0o
Các em tôi đều đã có gia đình sống gần bố mẹ tôi, nhưng không ai có con, nên bố mẹ đặc biệt yêu thích các con tôi, nhất là mẹ tôi, lúc nào cũng quấn quít với “các cháu của bà”, săn sóc cho chúng tận tình, nên tôi được rảnh rang lo kiếm việc làm, nuôi các con tôi, và mong làm lại cuộc đời. Chia tay với Trung, tôi biết là lỗi tôi, nên không đòi hỏi bất cứ điều gì, ngoài quyền nuôi nấng các con, và một số tiền ít ỏi để tôi có thể đưa các con tôi về Houston . Tôi không đòi cả tiền cấp dưỡng các con, vì tự ái, và vì tôi tự tin là tôi đủ khả năng nuôi các con nên người. Mẹ nói tôi vẫn bướng như xưa, vẫn bốc đồng, nhưng cương quyết, và mẹ vẫn yêu tôi như thủa nào, khi tôi còn thơ dại, lúc mới đặt chân lên xứ sở này.
- Con ơi, sao con nỡ nào hủy hoại thân mình.
Tôi không khóc, dù nước mắt có ứa ra, nhưng mím môi chịu đựng, chỉ gục đầu trước mặt mẹ, nói không ra lời. Tôi còn gì nữa đâu, một gia đình tan vỡ, một tình yêu mù loà tan biến như bọt sóng để lại bao nhớ thương, một đòi sống vật vờ không biết đi về đâu. Tôi nghĩ đến cái chết, đang muốn đi tìm cho mình một chỗ bình yên thì Sophia gọi tôi từ New York :
- Mày dạo này sao rồi, Vy.
Tôi tủi thân:
- Chán đời lắm. Chỉ muốn chết thôi!
- Tầm bậy! Gia đình mày sao?
- Mày biết rồi mà.
- Tao muốn hỏi các con mày. Chúng sao? Mọi chuyện tốt đẹp chứ?
- Ừ. Mẹ tao chăm sóc chúng rất chu đáo. Chúng đi học lại rồi, và học rất giỏi, rất thích ngôi trường và bạn bè mới.
- Như vậy tốt. Còn mày vẫn chưa có việc làm hả?
- Đúng. Chắc không bao giờ tao có thể tìm được việc ở cái chỗ chết tiệt này.
- Vậy lên tao đi. Ở đây cần rất nhiều người biết trang trí nội thất. Cả người vẽ tranh bán cho du khách nữa.
- Thật không? Để tao lên thăm mày, và tìm thời vận.
Với sự giúp đỡ của Sophia tôi tìm được việc ở New York một cách dễ dàng, thuê được cả một cái apartment nhỏ nên tôi hí hửng trở về Houston để đưa các con tôi lên New York . Điều làm tôi ngỡ ngàng là mẹ tôi chống đối quyết liệt:
- Mấy đứa nhỏ vừa ổn định, và mẹ thừa sức nuôi chúng nó. Không cần phải đi đâu lúc này.
Tôi phản đối:
- Nhưng chúng là con của con. Con có bổn phận trông nom chúng nó.
Lần đầu tiên tôi thấy mẹ tôi thật cứng dắn:
- Mẹ đã nói là không. Và con hãy nhìn vào con! Làm sao con nuôi dậy được chúng trong lúc con hầu như ngày nào cũng say sưa. Công việc thì mới, chưa ổn định. Tương lai không biết đi về đâu. Để mấy đứa nhỏ đây cho mẹ. Chừng nào con ổn định công việc, và - mẹ tôi đưa tay lau mắt - sống cho đàng hoàng rồi hãy nghĩ tới chuyện đưa các con đi.
- Mẹ …
Mẹ tôi ngắt lời:
- Mẹ đã nói hết lời. Nếu con không nghe thì đừng bao giờ trở về nơi này!
Tôi bật khóc nức nở, ngã khụy trên sàn nhưng mẹ tôi chỉ nhìn đi đâu đó chứ không nhìn tôi. Các em tôi đỡ tôi dậy, khuyên tôi lên nghe lời mẹ, và hứa là sẽ phụ một tay với mẹ trông các nom các cháu. Các con tôi hình như cũng không muốn rời nơi êm ấm, được bà ngoại chăm lo nên cũng không thiết tha đòi đi theo. Jane ôm cổ tôi:
- Mommy, where’s New York ?
Tôi gạt nước mắt:
- Far away up North, Honney.
- Please don’t go.
- I have to, Jane. Do you want to go with me?
Con bé ngần ngừ nhìn bà ngoại không trả lời. Tôi bật khóc:
- It’s OK. You can stay with grandma. Mẹ phải đi nhưng mẹ sẽ về thăm con thường. Các con ở nhà ngoan nhé.
Tôi trở lại New York , mắt sưng vù vì khóc nhớ các con. Sophia ôm tôi dỗ như thể tôi còn bé bỏng, nó chùi nước mắt cho tôi, dẫn tôi ra quán rượu gần nhà. Đêm ấy tôi say như chưa bao giờ say thế. Khi tôi tỉnh dậy, tôi thấy Sophia bó gối ngồi cạnh giuờng, nó cũng khóc, vừa lau nước mắt đầm đià, vừa nhìn tôi nghẹn ngào:
- Oh, poor dear. I’m so sorry.
Tôi gắng gượng trở dậy đi làm, vì tôi biết công việc lúc này rất cần thiết đối với tôi. Tôi cần ổn định đời sống, tôi cần một chỗ khang trang hơn để mang các con tôi lên, tôi cần làm lại cuộc đời, để cho Trung biết là dù không có Trung các con tôi vẫn lên người, và tôi, tôi vẫn sống dù không còn tình yêu.
Trong những lúc trống vắng các con tôi bắt đầu cầm cọ trở lại, Những bức tranh đầu tiên là những góc của căn nhà ở Houston . Những mảng mầu vui tươi quấn quít xung quanh hình bóng các con làm tôi nhẹ bớt nỗi buồn. Tôi cũng bắt đầy vẽ chân dung của chính tôi, của người đàn bà với nét mặt u buồn, ngồi trên ghế đá ngoài công viên, phiá sau là rừng cây trơ lá với những cành khẳng khiu. Thỉnh thoảng tôi vẫn nhớ ngày vui cũ, và tôi lại vẽ người đàn ông có đôi mắt đẹp, ngồi với người yêu có mái tóc đen mềm, gió bay quấn vào cánh tay trần chống trên nền cỏ xanh.
Sophia nhìn vào những bứa tranh tôi vẽ, đôi lúc nó gật gù như khen ngợi, đôi lúc nó cáu kỉnh:
- Quên cái mặt đau khổ của mày đi. Không ai mua tranh u tối như vậy.
Tôi chỉ lắc đầu cười.Tôi đâu có ý định bán, tôi chỉ vẽ vì nhớ con tôi, nhớ người tôi yêu. Vâng, đã nhiều năm hình bóng Thân vẫn chưa nhạt nhoà, dù chúng tôi cố gắng không bao giờ liên lạc với nhau. Tôi biết anh vẫn còn viết trên diễn đàn ấy, có lẽ dưới một tên khác, nhưng cũng không vào tìm hiểu, để cho những kỷ niệm cũ phôi pha dần với thời gian vì mỗi chúng tôi đề đã có riêng một cuộc đời.
Tôi không để ý đến nhưng Sophia vẫn tự động mang tranh của tôi ra gửi tại một phòng trưng bày mà nó quen biết, nơi du khách thường qua lại, và lâu lâu tôi lại nhận được một món tiền nhỏ đủ để mua quà cho các con, cho mẹ mỗi lần tôi về Houston. Dù bận rộn với công việc, và mệt mỏi vì di chuyển, tôi vẫn về Houston hai tuần một lần, về để được các con bám quanh mè nheo, cho tôi ôm hôn từng đứa, và cho tôi chảy nước mắt mỗi lần giã từ.
Mẹ tôi vẫn cương quyết không cho tôi đá động đến việc mang các con đi. Nhìn thân hình yếu đưối của tôi mẹ lắc đầu:
- Nhìn con xem. Ngày xưa con xinh đẹp và khỏe mạnh, bây giờ con như thế này chứng tỏ là đời sống của con chưa ổn định, con chưa chăm sóc được chính bản thân con thì sao chăm lo cho những đứa bé.
Các em tôi, vì chưa có con cái, nên rất thương yêu các con tôi và cũng muốn giữ các con tôi ở Houston :
- Chị phải nghĩ tới tương lai của các cháu. Chúng cần có một gia đình ổn định thì mới học hành tấn tới. Chúng mới về đây, vừa mới thích nghi với đời sống mới, chị nỡ lòng nào đưa chúng nó đi để khuấy động cuộc sống của chúng nó!
Nghe mẹ và các em nói tôi chỉ biết cúi đầu rớt nước mắt, bỏ về New York , mang theo một nỗi buồn.
o0o
Mùa đông trời New York lạnh giá, từ nhà ra trạm xe điện ngầm đi làm khoảng cách không xa lắm nhung những hôm trời gió tôi có lảo đảo đi không vững. Cơn ho nhiều khi chợt đến làm tôi muốn khụy ngã trên đường, những lúc đó tôi thèm một hớp rượu nóng nên dần dần bữa điểm tâm của tôi chỉ là một ly Tequila cho ấm lòng trước khi ra khỏi nhà. Không có nó tôi run rảy, không có nó tôi không có đủ can đảm đương đầu với thời tiết, với lòng thương nhớ các con, và với cuộc sống càng ngày càng trống rỗng đến ghê sợ.
Buổi tối Sophia đến thăm tôi thường, nếu nó thấy tôi nằm co quắp, hoặc nước mắt ngắn dài thương nhớ các con, là nó lại kéo tôi ra khỏi nhà, tới một quán rượu nào đó cho tôi đỡ buồn. Tôi cay đắng có cảm tưởng là các em tôi về hùa với mẹ tôi để chiếm đoạt các con tôi nên những lần điện thoại về nhà tôi lớn tiếng hơn, gay gắt hơn, khóc nhiều hơn, để rồi sau đó say sưa hơn, và nghĩ tới cái chết rất nhiều lần.
Có lẽ Trung đã nói đúng. Tôi là người thua cuộc, chưa đến nỗi phải nhờ vả vào welfare và food stamps nhưng gia đình ly tán, và tôi chẳng còn gì hơn là những nỗi buồn phiền. Cuộc đời này có còn ý nghĩa gì nữa không? Tôi tự hỏi nhiều lần và chua xót nhận thấy không còn gì cho tôi thiết tha, ngoài những kỷ niệm cũ của một mối tình say đắm.
Sophia gọi tôi, nói như hét lên trong điện thoại:
- Vy! Họ bán nó rồi, bán nó rồi.
Tôi thờ ơ:
- Bán gì?
- ‘Cô Đơn Vy’, bức tranh chứ còn cái gì nữa!
Tôi hơi ngỡ ngàng. Đó là bức tranh trìu tượng tôi vẽ chính mình ngồi cô đơn trong bóng tối nhạt nhoà của căn phòng, đôi mắt đẹp nhưng buồn xa vắng, nhìn về đâu đó. Tôi yêu bức tranh đó, không có ý định đem bán nên đã đem treo lên tường, nhưng Sophia không muốn tôi nhìn thấy những gì u buồn nên gỡ xuống đem gửi ngoài phòng tranh.
Tiếng Sophia sôi nổi:
- Vy, mày nghe tao không?
- Nghe. Ai mua nó làm gì thế nhỉ?
- Tao không rõ, chỉ biết là họ chịu trả một giá rất cao!
- Cao là bao nhiêu? Đủ cho mày và tao đi uống rượu tối nay không?
- Có uống cả tháng cũng không hết, nhưng mày không nên uống nữa. Tao không biết chủ phòng tranh bán được bao nhiêu, nhưng họ nói phần mày là 25 ngàn dollars!
Tôi kêu lên ngạc nhiên:
- 25 ngàn?
- Thưa ‘bà’ vâng!
Tôi hơi ngỡ ngàng. Tôi yêu bức tranh đó, và tôi đã vẽ nó với cả tấm lòng say mê, gửi gấm hết tâm hồn vào hình bóng trong tranh, nhưng một hoạ sĩ vô danh và còn sống trên đời này như tôi, khó có thể bán được tranh với giá cao. Người chủ phòng tranh và người mua tranh có lẽ đã nhìn thấy hồn tôi trong đó, trong đôi mắt đẹp u buồn! “Bye, ‘Cô Đơn Vy’”, tôi thì thầm.
Sophia lại lên tiếng:
- Sao? Mừng không? Quan trọng hơn, chủ phòng tranh hỏi mày còn tranh đưa cho họ triển lãm không? Mày vẽ thêm nữa chứ hả?
Tôi cười buồn:
- Không. Chỉ có một ‘Cô Đơn Vy’, và sẽ không bao giở có ‘người’ thứ hai!
Tôi biết tôi sẽ làm gì với số tiền bán tranh đó. Tôi biết tôi sẽ làm gì với cuộc đời. Tôi biết tôi … Nước mắt tôi bỗng ứa ra, nhưng lòng tôi bỗng nhiên thanh thản vô cùng. Bây giờ tôi cần một giấcngủ, dù phải uống thêm viên thuốc an thần bác sĩ vừa cho hôm qua.
Còn tiếp …
Trần Quang Thiệu
December 26, 2007
Tận Cùng Đam Mê
(Truyện Ngắn 3 Phần)
Phần III
Máy bay đáp xuống phi trường San Francisco , tôi là người khách đầu tiên bước ra khỏi cabin. Đầu óc tôi lâng lâng, vì tôi đã từ chối bữa ăn thịnh soạn với dao nĩa bằng bạc và khăn ăn trắng tinh dành riêng cho khách hàng First Class, nhưng đã vẫy tay cho cô tiếp viên xinh đẹp mang champagne lại cho tôi đến vài lần.
Hành lý của tôi chỉ là chiếc valise nhỏ xách theo nên tôi đi thẳng ra bến taxi. Người tài xế Ấn Độ đỡ chiếc valise và lễ phép hỏi tôi muốn đi đâu, tôi nói như người ngái ngủ:
- Fairmont Hotel, please.
Anh ta gật đầu:
- Yes, Mme.
Tôi ngả người thoải mái, mắt nhắm hờ, mặc người tài xế đưa tôi về thành phố của kỷ niệm, nơi tôi và Thân để lại bao dấu chân. Khi cầm cái check 25 ngàn Mỹ Kim trong tay tôi biết ngay là tôi muốn làm gì với số tiền này. Tôi muốn sống lại những giây phút êm đềm với Thân, nhưng người tôi yêu đã ngoài tầm tay, tôi chỉ còn có thể tìm về San Francisco, về Tahoe của thời mê đắm, đi lại những con đường cũ, và sống với kỷ niệm xưa dù chỉ một ngày.
Đường phố đã lên đèn khi tôi rời khách sạn tìm đến tiệm ăn Ý ở góc đường nơi tôi và Thân thường chia nhau miếng Pizza nóng. Ngồi xuống chiếc bàn nhỏ cũ kỹ trong góc tôi gọi một chiếc Pizza và hai ly bia. Người hầu bàn nhìn tôi ngạc nhiên nhưng thấy vẻ im lặng của tôi nên nhún vai, mang đến cho tôi hai ly bia như tôi muốn. Tôi đẩy một ly bia về phía đối điện như thể là Thân đang ngồi đó, nâng cao ly của tôi, mời người yêu không có mặt nhưng tưởng như đâu đó đang thì thầm với tôi những lời tình tứ bên tai. Ở nơi này chúng tôi đã nhiều lần lặng lẽ ngồi nhìn nhau trước khi đưa nhau về căn phòng nhỏ, quấn vào nhau trong đam mê.
Căn studio nhỏ trên lầu hai của toà nhà cổ đó bây giờ không biết ai đang ở. Tôi đứng dưới vỉa hè nhìn lên mắt dưng dưng. Trời về đêm sương đã xuống, Thân ơi bây giờ anh ở đâu, em thèm một vòng tay, một bờ vai và một nét môi hôn. Nước mắt tôi ứa ra, tôi cúi đầu đếm bước trên con giốc Thân đã dìu tôi bao lần. Ngoài kia là vịnh San Francico, xa xa kia là cây cầu Golden Gate, tất cả hình như còn đây, nhưng anh đâu rồi, để mình em nức nở nhớ thương.
Tôi ghé vào bar dưới lobby, gọi một ly Tequila, nốc một hơi cạn, trước khi về phòng vùi đầu vào gối. Tôi thiếp đi mặc nguyên bộ quần áo khi tôi rời New York . Quá nửa đêm thức dạy nước mắt tôi lại chan hoà, tôi nằm đó nghĩ đến cuộc đời buồn tênh, và tôi hỏi thầm có còn con đường nào cho tôi? Mắt tôi căng cứng, mở thao láo nhìn trần nhà, và đầu đau nhức như búa bổ. Tôi vùng dậy, tìm ống thuốc ngủ, lảo đảo đến gần tủ lạnh mở chai nước suối dốc ngược vào miệng cùng với viên thuốc.
Khi tôi thức dậy đã gần trưa. Nước nóng từ vòi hoa sen làm tôi tỉnh táo và khoẻ khoắn hơn, nhưng nỗi buồn vì cô đơn thì vẫn như níu kéo. Tôi xuống phòng ăn chọn một thực đơn nhẹ, và nhờ nhân viên khách sạn thuê cho tôi chiếc xe.
Con đường từ San Francisco đi Tahoe là con đường Thân và tôi đã đưa nhau đi lần cuối cùng trước khi chia tay. Tôi đừng lại quán bên đường mà trước đây tôi và Thân đã ngồi với nhau bên bờ suối. Mấy năm rồi nhưng cảnh vẫn như xưa, nuớc mắt tôi lại ứa ra, lặng ngồi bó gối trên tảng đá, nhìn dòng nuớc chảy miên man nghĩ về đời mình. Dòng nước này sẽ ra biển, còn tôi, tôi đi về đâu để thoát được nỗi cô đơn này?
Check in khách sạn, tôi đòi cái phòng mà trước đây Thân và tôi đã ở với nhau một đêm, nhưng phòng đó đã có người. Cô tiếp viên hình như đoán được lý do tình cảm sâu kín của tôi nên lắc đầu ái ngại, hỏi tôi có muốn phòng nhìn xuống hồ. Tôi mỉm cuời thờ ơ nói với cô ta là nếu không có được cái phòng tôi thích thì bất cứ phòng nào khác cũng được, tôi chỉ ở một đêm thôi!
Trời đã tối, nhưng tôi không cảm thấy đói nên cũng chẳng buồn ghé phòng ăn. Dời khách sạn tôi đi thẳng ra bờ hồ, tới chỗ Thân và tôi đứng ôm nhau bên gốc thông ngày xưa. Cuối thu trời chớm lạnh, tôi chéo hai cánh tay ôm vai mình tưởng như Thân đang ôm tôi, an ủi tôi vì nỗi buồn sắp phải xa nhau. Nước mắt tôi lại ứa ra. Hết rồi, tôi không còn gì nữa, không tình yêu, không gia đình, con cái chia lià, cô đơn giữa trời New York lạnh lùng. Tôi khóc nức lên, còn gì cho tôi thiết tha với cuộc sống này không. Tôi lắc đầu, chùi nước mắt, tôi biết tôi phải làm gì với đời mình. Băng sang đường, gần như không để ý tới dòng xe cộ, tôi vào một liquor store mua một chai Tequila, hấp tấp đi về khách sạn, nằm dài trên giuờng, mở chai rượu đưa lên môi. Khi chai rượu đã cạn qua nửa tôi lục ví lôi ra ống thuốc ngủ, đổ hết ra bàn tay. Gần ba mươi viên, tôi bỏ từng viên vào miệng, mỗi viên là một hớp rượu, cho đến viên cuối cùng thì chai rượu cũng gần cạn, rớt xuống sàn nằm chơ vơ.
Tôi mê đi, trong cơn mê tôi thấy mình ngột ngạt trong bóng tối nhạt nhoà của căn phòng. Hình bóng của các người thân bỗng nhiên hiện ra rõ ràng, tôi nhìn thấy mẹ, thấy bố, thấy các em và thấy các con tôi. Các con tôi đưa tay ra như muốn ôm lấy tôi, tôi cũng nhấc mình dậy muốn ôm lấy các con nhưng thân xác tôi bất động, tôi hét lên, cố vùng vẫy nhưng chỉ thấy một sức nặng đè trên ngực.Tôi hoảng sợ la hét, gọi tên các con. Trời ơi, tôi thương yêu các con tôi mà, làm sao tôi bỏ chúng cho đành, không tôi không muốn chết nữa, tôi phải sống vì các con tôi, cho các con tôi. Nhưng càng cố gắng nhấc mình dậy bao nhiều tôi càng thấy nặng nề thêm bấy nhiêu, và tôi hầu như tuyệt vọng.
Bỗng dưng tôi nhìn thấy “nó” treo trên tường. Nó là bức tranh ‘Cô Đơn Vy’, nhưng người trong tranh như sống động, đôi mắt long lanh nhìn tôi, hai cánh tay vươn ra, và bước chân lướt trên thảm tiến gần đến đầu giuòng, nắm áo tôi lay mạnh. Tôi ú ớ đưa tay lên, và ‘Cô Đơn Vy’ nắm hai bàn tay tôi kéo mạnh. Tôi bừng tỉnh, ngồi bật dậy, nôn thốc tháo ra giuờng, nhưng cũng đủ thời gian cầm lấy điện thoại bấm số 911, hét vào ống nói “Help me”, trước khi ngã ra bất tỉnh.
Khi tỉnh dậy tôi lờ mờ thấy một người đàn ông cúi xuống nhìn tôi. Tôi tưởng là Thân, định gọi tên anh, nhưng rồi tôi thấy chiếc áo khoác mầu trắng nên biết là tôi đang ở trong bệnh viện và người đứng đó là bác sĩ chăm sóc cho tôi chứ không phải người tôi yêu. Ông ta đặt tay lên trán tôi ân cần:
- Ms. Nguyen, how do you feel?
Dù còn rất mệt nhưng tôi cũng cố gắng khẽ trả lời:
- I’m OK. Thanks.
Ông ta mỉm cười, gật đầu và chậm rãi bước ra khỏi phòng. Mẹ tôi chạy vào như cơn gió, và gục đầu trên ngực tôi:
- Con ơi, sao con dại dột thế, con ơi.
Mẹ tôi nức nở, và tôi cũng không nói được nên lời, chỉ khẽ nắm bàn tay mẹ, nhắm mắt mặc cho dòng nuớc mắt chảy dài trên má xanh xao. Lâu lắm tôi mới thì thầm:
- Mom, I’m so sorry.
o0o
Tôi sánh vai mẹ xem xét khắp căn nhà nằm bên bờ hồ. Mẹ nhìn tôi:
- Con thấy thế nào.
Tôi thật sự hài lòng:
- Chỗ này đẹp và yên tĩnh quá. Con rất thích dù hơi xa thành phố nơi con làm.
Mẹ tôi cân nhắc:
- Một giờ lái xe, kể ra thì khá xa, nhưng ở tỉnh nhỏ dân chúng hiền hoà, trường học tốt, nơi này rất thích nghi cho các con của con.
Tôi nắm tay mẹ:
- Cám ơn mẹ đã bằng lòng cho các cháu lên ở với con.
Mẹ tôi thở dài:
- Có lẽ mẹ đã sai lầm khi cố tình giữ các cháu tại Texas . Mẹ nghĩ con không trông nom nổi các con của mình, và mẹ vẫn tin là như vậy, nhưng không ngờ …
Mẹ tôi không nói hết câu, nhưng tôi hiểu:
- Con biết lỗi rồi. Từ nay con sẽ cố gắng làm người mẹ tốt, sống cho các con của mình. Mẹ nhìn này.
Tôi dở chiếc nón che đầu, đưa mái tóc cắt lởm chởm bằng cây kéo hôm tôi từ California trở lại New York với mẹ tôi đi theo. Sau lần tự tử hụt tôi như tỉnh cơn mê, tôi nghĩ tới các con, và tôi biết mình sẽ phải hành động ra sao để làm lại cuộc đời. Tôi đập nát tất cả các chai rượu trong nhà, vứt vào thùng rác tất cả những gì liên quan tới nếp sống cũ, và lấy kéo cắt phăng mái tóc óng ả của mình như một lời thề dưới con mắt kinh hoàng của mẹ.
Mẹ tôi cười buồn:
- Con không cần làm thế.
Tôi mím môi:
- Để mẹ tin con, và để con nhắc nhở chính mình.
Mẹ tôi gật đầu:
- Nếu con thích căn nhà này thì ký hợp đồng ngay. Mẹ sẽ về Texas đưa các cháu lên đây, và mẹ sẽ ở lại với con vài tháng, giúp con và các cháu ổn định rồi mẹ sẽ trở về Texas với ba con sau.
Tôi ưá nước mắt:
- Con cám ơn mẹ. Mẹ nhớ xin lỗi ba dùm con. Con … con …
Mẹ tôi đưa tay vuốt đầu tóc lởm chởm của tôi:
- Ba con hiểu và không còn giận con đâu.
Mẹ tôi đưa mắt nhìn ra xa:
- Mẹ chỉ còn một nỗi lo, đó là công việc làm của con. Bàn tay con từ ngày đó vẫn chưa trở lại bình thường, vẫn run rẩy như thế làm sao con cầm cọ như công việc của con đòi hỏi.
Tôi dơ cao bàn tay, cười buồn:
- Chắc con chẳng bao giờ cầm cọ lại được, hay có cố gắng lắm thì cũng còn lâu mới có thể …
Tôi thở dài nói tiếp:
- Con nói chuyện với boss của con rồi. Bà ta sẽ thuyên chuyển con sang department khác. Con sẽ không làm việc như designer nữa mà sẽ là buyer, chuyên lo việc mua bán vật liệu cho công việc thiết kế nội thất.
Mẹ tôi nhìn xa xôi:
- Đó không phải là công việc con thích. Con là nghệ sĩ chứ không phải là người buôn bán. Sợ là con …
Tôi ngắt lời mẹ:
- Con biết là con cần thích nghi, cần phải phấn đấu, con sẽ làm hết sức, để không phụ lòng mọi người đã giúp đỡ con. Xin mẹ tin con một lần.
- Mẹ tin con, làm gì được cho con mẹ cũng không ngại.
- Công việc mới đòi hỏi con thỉnh thoảng phải đi xa. Những lúc đó không có ai trông nom các cháu. Con chưa biết tính sao.
- Nếu mẹ không có ở đây thì mẹ sẽ nhờ em Quyên con lên trông cháu khi con đi xa.
- Không biết em Quyên còn giận con không, vì Quyên không còn được giữ bé Jane nữa?
- Không đâu con. Em Quyên muốn lên với con ngay hôm con về, mẹ phải nói nó hãy chờ.
Hai mẹ con tôi ra khỏi căn nhà, chậm chãi bước về phía hồ. Hồ nước chạy dài như một dòng sông nhưng nước trong xanh chứ không đục màu phù sa của sông Hậu gần quê nhà tôi ở Việt-Nam. Tôi chợt nhớ về tuổi thơ êm đềm lúc tôi còn nhỏ dại, lúc tôi chỉ biết vui đùa trong vườn cây ăn trái nhà ngoại, cho đến lúc bố mẹ tôi mang chúng tôi vượt biên, khi tôi vừa mười lăm tuổi còn thơ ngây, chưa biết yêu, chưa đau khổ vì tình, cho đến khi đặt chân lên xứ sở này.
Nhìn hồ nước mẹ tôi gật gù:
- Mai mốt bố con lên đây thăm con, chắc là sẽ rất thích cái hồ này. Bố con mê câu cá nhưng không có cơ hội.
Nghĩ tới mái đầu bạc trắng của bố lòng tôi chùng xuống. Có lẽ nhiều sợi tóc đổi màu là vì lo nghĩ về tôi. Nước mắt tôi lại muốn ứa ra:
- Mẹ về nói với bố cho con xin lỗi, và mong bố lên chơi với chúng con mùa thu tới. Muà thu ở đây đẹp lắm mẹ. Lá vàng rực rỡ khắp mọi nơi, không nơi nào có muà thu đẹp như vùng này.
Mẹ tôi mỉm cười:
- Con gái mẹ vẫn còn vẫn còn nhiều mơ mộng.
Tôi cũng mỉm cười:
- Nhưng không biết là con có còn lãng mạn nữa hay không.
Cả hai chúng tôi đều im lặng ngắm nhìn hoàng hôn rọi những tia nắng cuối ngày trên mặt hồ. Tôi thở ra nhè nhẹ nhìn bàn tay gầy, ước gì, vâng ước gì tôi cầm lại được cây cọ lúc này …
o0o
Một năm sau …
Xe ngừng trước cửa nhà nhưng tôi vẫn ngồi yên. Paul mỉm cười, mở cửa xe, đi vòng qua đầu xe, lịch sự mở cửa xe mời tôi ra. Tôi cũng lịch sự mỉm cười và nói lời cám ơn nho nhỏ. Paul theo tôi đến tận cửa, ngần ngừ vòng tay định ôm hôn tôi nhưng tôi nghiêng mình né tránh:
- Please, don’t.
Thấy Paul lúng túng đến tội nghiệp tôi chìa tay bắt tay Paul:
- Thanks for a nice evening. Good night, Paul.
Paul nhẹ nhàng nắm bàn tay tôi, nghiêng đầu cúi chào, chúc tôi ngủ ngon rồi mới chậm rãi trở ra xe. Tôi đứng đó, đưa tay vẫy chào cho đến khi xe Paul khuất bóng mới mở cửa vào nhà.
Mới hơn 9 giờ tối thứ Bảy cuối tuần, các con tôi đều còn thức coi T.V. trong phòng khách.Tôi ngồi xuống sofa, ôm Jane vào lòng:
- Các con chưa ngủ sao?
Jane nghiêng đầu nhìn tôi thủ thì:
- I’m waiting for you, Mom. May I stay up a little bit longer.
Tôi xoa đầu con:
- OK. Con ngồi với mẹ chút nữa rồi đi ngũ. Đừng thức khua quá.
- Yes. Thank you, Mommy.
Tôi cúi xuống hôn lên trán con:
- Con ngoan lắm. Mẹ thương.
Jason từ nãy tới giờ vẫn ngồi yên nhìn tôi và Jane chuyện trò, bỗng lên tiếng:
- Con đã được vào ‘Honor Roll’, mai đi lễ xong mẹ cho con sang nhà Jimmy chơi games một lát như mẹ hứa nhé.
Tôi nhìn đứa con trai teenager mỉm cười, gật đầu:
- Mẹ bằng lòng. Con cũng ngoan lắm, Jason.
Từ ngày các con lên ở với tôi, điều tôi lo lắng nhất là việc học của các con bị xáo trộn. Tôi càng lo hơn khi thấy Jason ít nói hơn xưa, và bài làm được grade C nhiều hơn là A hoặc B. Trước đây khi còn ở với mẹ tôi, Jason và Jane luôn luôn là straight A students, là niềm hãnh diện của tôi. Jane chưa đến 10 tuổi nên mau chóng hội nhập, nhưng Jason hình như nhớ bạn cũ, học hành không được như xưa làm tôi lo ngại, bỏ nhiều thì giờ kèm các con học, và khuyến khích các con bằng những hứa hẹn. Ngày Jason mang bằng khen về nhà tôi đã mừng đến phát khóc, ôm con vỗ về:
- Con mẹ giỏi lắm. Christmas này mẹ gửi các con về chơi với ngoại, và con sẽ gặp lại các bạn cũ của con.
Jason đã trả lời như người lớn:
- It’s OK, Mom. We chat very often. We don’t want to leave you alone.
Tôi đã quyết tâm làm lại cuộc đời chỉ vì các con tôi, và tôi biết tôi sẽ gặp nhiều khó khăn, nhưng thấy gia đình sum họp, và các con tôi sinh hoạt bình thường là điều tôi vui mừng hơn cả.
Jason bỗng dưng nhìn tôi:
- Mom, is Paul your boy friend?
Tôi mỉm cười lắc đầu:
- No, ông ta chỉ là bạn.
Jason đăm chiêu:
- It’s Ok if you have a boy friend. You are so lonely.
- Không mẹ không cô đơn, mẹ có các con. Khi nào các con lớn, vào đại học rồi mẹ sẽ nghĩ tới chuyện của mẹ sau.
- Mẹ …
Tôi xua tay, mỉm cười:
- Con trai mẹ sao hôm nay ‘người lớn’ vậy. Mẹ đi ngủ trước đây. Các con cũng đừng thức khua nghe.
Tôi buông Jane đứng lên. Jane cũng đứng lên, cúi nhặt và đưa cho tôi một phong bì lớn căng phồng:
- Here is your stuff.
Tôi mỉm cười đón lấy:
- Oh! Sách báo tiếng Việt bà ngoại gửi lên cho mẹ đây mà. Để mẹ mang lên lầu đọc. Good night các con nghe.
o0o
Nước nóng từ vòi hoa sen làm tôi thoải mái. Thay bộ quần áo mỏng, leo lên giường mở TV nhưng tôi không thể chú tâm theo dõi những hình ảnh nhẩy múa trên màn hình. Tôi đang nghĩ tới Paul, và nhẹ thở dài. Hãng tôi làm việc và hãng của Paul chung một toà nhà cao từng. Ngày nào chúng tôi cũng gặp nhau trong thang máy lên xuống, và dần dần trở nên quen biết. Paul là Marketing Directornên lúc nào quần áo cũng tươm tất, veston, cà vạt, giầy bóng loáng, sẵn sàng thuyết trình về sản phẩm của công ty cho khách hàng tới thăm. Cao ráo, rắn giỏi, mắt xanh, tóc bồng bềnh, Paul là mẫu người trẻ tuổi đẹp trai, và là đối tượng của nhiều cô gái làm việc chung nhưng anh vẫn còn độc thân. Khi quen biết khá thân có lần gập nhau trong thang máy tôi hỏi đùa:
- Paul, anh có … đồng tính không?
Paul cười, đỏ mặt:
- Không. Tại sao cô hỏi vậy?
- Tại thấy anh độc thân, và không có bạn gái.
Paul có vẻ ngượng ngùng, đưa tay vuốt mái tóc:
- Tôi không thích con gái da trắng, mà chỉ thích người Á Châu, đẹp như cô vậy.
Đến lượt tôi đỏ mặt ngượng ngùng:
- Tôi không đẹp,và anh biết là tôi đã có hai con lớn tuổi rồi không.
- Tôi biết, và tôi cũng biết là cô đã ly dị.
Tôi nhìn Paul ngạc nhiên:
- Sao anh biết?
Paul lúng túng:
- Xin lỗi cô vì tôi đã tò mò. Tôi đi ăn trưa với ông Smith, xếp lớn của cô, và đã hỏi ông ta về cô.
Tôi mỉm cười lảng tránh:
- À ra thế. Thế ông Smith có nói xấu gì về tôi không?
- Oh, không. Ông ấy khen cô chăm chỉ và rất …
- Và sao?
- Rất dễ thương!
Tôi chỉ mỉm cười im lặng. Cái anh Paul này cũng đâu có hiền, may mà thang máy ngừng cho tôi vào phòng làm việc, sau khi vẫy tay chào Paul. Chúng tôi trở thành bạn và đã đi ăn trưa với nhau nhiều lần. Paul càng ngày càng tỏ ra quyến luyến tôi, và tôi thành thật kể cho Paul nghe quá khứ đau thương của mình. Paul đã nắm tay dịu dàng, và tôi đã để yên:
- Oh, Vy. Cô thật là đáng thương. Nhưng cô còn trẻ, và rất đẹp. Cô có thể lập gia đinh với bất cứ người đàn ông nào cô muốn.
Tôi cười buồn:
- Không dể dàng như anh tưởng. Tôi có hai đứa con, không ai muốn mang gánh nặng đó.
Paul xua tay phản đối:
- Tôi không nghĩ vậy. Có nhiều người, như …
Tôi biết Paul định nói gì nên mỉm cười vỗ nhẹ lên bàn tay anh:
- Cám ơn anh đã quan tâm. Nhưng tôi cũng chưa sẵn sàng, và chưa quên được quá khứ của mình.
Thực ra thì tôi cũng đã bắt đâu quên. Tôi không còn nghĩ đến Thân nhiều như xưa. Thỉnh thoảng thôi, nhưng cũng chỉ thoáng qua chứ không còn thiết tha và xót xa như trước đây. Hôm nay là lần đầu tiên tôi bằng lòng đi ăn tối với Paul, và đã cố gắng lảng tránh đôi mắt si tình của anh trong suốt bữa ăn. Tôi biết nếu tôi lập gia đình thì anh có lẽ là người đàn ông đầy đủ điều kiện vì anh trẻ tuổi, đẹp trai, có địa vị và hình như anh yêu tôi thật tình, muốn bao bọc tôi và các con tôi. Tôi chỉ ước gì anh là người Viêt-Nam, để nghe anh gọi tôi là ‘cưng’, là ‘em yêu’ thay vì là ‘dear’, là ‘honey’ vì dù sao tôi vẫn chưa quên được những tiếng nói ngọt ngào của những người đàn ông đã đi qua đời. Tôi lắc đầu, sua đuổi những ý nghĩ về anh, với tay lấy một tờ báo mẹ tôi vừa gửi lên, lơ đãng lật từng tờ.
Tôi giật mình nhìn thấy hình chú Quang. Chú đã già hơn, nhưng ánh mắt và nụ cười ấy vẫn như xưa. Tôi hồi hộp đọc vội bài viết liên quan tới tấm hình. Thì ra chú đang thuyết trình về đề tài “Nền văn học Viêt-Nam tại hải-ngoại” tại hội trường của báo Người Việt tại vùng Orange County, thủ đô của người Viêt tỵ-nạn. Chỉ là bản tin vắn tắt nhưng phóng viên ghi cả địa chỉ email của chú để độc giả có thể liên lạc, tìm hiểu thêm về đề tài.
Tôi thấy tim mình đập nhẹ nhớ lại khoảng thời gian êm đềm của chú và tôi. Lúc đó tôi vừa 16 tuổi, chú ở gần nhà và là bạn của bố tôi. Chú đã tốt nghiệp đại học nên thường lui tới nhà giúp đỡ tôi bài vở những ngày tôi mới qua Mỹ vì sinh ngữ còn quá kém. Nhưng cái làm tôi quyến luyến chú nhất là chú có một tủ sách Việt-nam khá phong phú mà chú đã thu thập được vì chú qua Mỹ vài năm trước khi chiến tranh chấm rứt. Những cuốn tiều thuyết của Duyên Anh, của Dung Sài Gòn, của Nguyễn Thị Hoàng, của Lệ Hằng … chất đầy phòng khách nhà chú cho tôi mê man tìm đọc, và say sưa nghe chú phân tích bình luận. Chú còn làm thơ nữa, bài thơ cho tôi cúi mặt nhận môi hôn đầu đời:
Đêm đêm mang nỗi nhớ
Thơ ngây đôi mắt huyền
Tóc thơm mùi hoa xứ
Nét môi hồng trinh nguyên
…
Đó là mối tình đầu trong sáng, dù tuổi chú gần gấp đôi tuổi tôi, nhưng tôi không chỉ yêu chú, tôi yêu cả thơ văn, yêu cả sách vở, yêu ánh mắt nụ cười, và những lời êm dịu dỗ dành lúc tôi buồn vu vơ. Chú cho tôi tâm hồn lãng mạn, và tôi đã nhất định theo chú đến tận cuối cuộc đời năm tôi vừa mười tám tuổi. Nhưng bố mẹ tôi không bằng lòng, nhất là mẹ tôi, bà khóc đòi tự tử nếu tôi nhất định lấy chú. Chú Quang buồn bỏ Texas về California , còn tôi khóc sưng mắt nhưng cũng đành nghe lời bố mẹ, dọn vào nội trú một trường đại học xa nhà. Từ đó tôi thỉnh thoảng có nhớ đến chú, đến mối tình đầu thơ mộng, nhưng không bao giờ gặp lại chú lần nào.
Tôi đưa cao tờ báo để nhìn chú rõ hơn. Gần hai mươi năm rồi còn gì. Tóc chú đã pha mầu và trán đã có những nếp nhăn nhưng chú Quang vẫn còn nguyên dáng vẻ năm nào khi chú và tôi dìu nhau đi trên những con đường vắng gần trường. Ước gì có chú cho tôi dựa đầu, cho tôi mè nheo, hỏi chú những câu vu vơ như thuở nào. Liệng tờ báo, tôi ngồi vào bàn viết, cảm thấy lòng lâng lâng với những kỷ niệm êm đềm, và tôi viết cho chú, người một thời tôi đã yêu thương.
“Chú ơi,
Vy nè, chú còn nhớ Vy không? Gần hai mươi năm rồi đó chú. Thỉnh thoảng Vy vẫn nhớ đến chú và ước gì chúng mình đã không chia tay để cho Vy đừng luống tiếc, và ân hận để mất mối tình trong sáng nhưng thiết tha đầu đời. Mong là chú đã tha thứ cho bố mẹ Vy, và đừng oán trách Vy đã quá yếu mềm, không giữ lời hứa ‘theo chú dù cho có phải đi đến góc biển chân trời’. Vy đã khóc nhiều ngày đó. Chú đừng giận Vy nữa nghe.
Chú ơi, không biết từ ngày đó chú đi những đâu, sống như thế nào, đã yêu ai và lập gia đình chưa nhưng Vy thì đúng là bảy nổi ba chìm với vài ba mối tình, và bao nhiêu là chua xót đớn đau. Vy chẳng muốn kể cho chú làm gì. Sợ chú lại viết thành truyện làm người ta chê cười Vy, chỉ muốn cho chú biết là Vy bây giờ ‘tu’ rồi. Vy ‘ở vậy’ nuôi con, ngày ngày chăm chỉ đi làm, không còn có những mơ uớc thần tiên như những ngày bên chú, và cũng không còn mong mỏi một một người đàn ông âu yếm vuốt tóc Vy, gọi Vy là ‘cưng’, hỏi han Vy những lúc Vy buồn phiền hay đau ốm, lâu lâu đưa Vy đi đến những nơi đầm ấm, uống với Vy một ly vang, ôm Vy nhảy một bản Boston dịu dàng. Những ước mơ ngày cũ không còn, bây giờ Vy chỉ còn các con, và chú biết không, các con Vy rất ngoan, học hành giỏi giang, và rất yêu mẹ. Nếu Vy có bước thêm bước nữa thì người chồng tương lai của Vy sẻ là một anh da trắng mắt xanh, chứ chẳng có người Việt Nam nào muốn đèo bòng một bà sắp già với hai đứa con teenagers đâu. Buồn quá chú nhỉ.
Bố mẹ Vy vẫn ở Texas, còn Vy lưu lạc lên tuốt New York với mùa đông giá buốt làm Vy co quắp sợ hãi, nhưng ở đây cũng có mùa thu rất đẹp, có lá vàng đỏ không gian, có gió mùa se lạnh như những mùa thu trong những cuốn sách mà chú cho Vy mượn đọc ngày xưa. Dạo này chú còn viết văn và làm thơ không? Từ ngày lên đây Vy ít có sách báo Việt, lâu lâu mẹ và em gửi cho vài cuốn, nên cũng không theo dõi được những sinh hoạt văn hoá và văn nghệ của người Việt mình. Tình cờ thấy hình chú trong tờ báo Người Việt, Vy mừng quá nên viết cho chú vài hàng, chú có ngạc nhiên không hay là đang tự hỏi Vy nào thế nhỉ? Nếu chú không còn nhớ và không trả lời thư này là Vy buồn lắm đó nghe.
Chẳng biết nói gì hơn, Vy mong chú có những ngày vui, thành công trong công việc chú đang làm, và đầy đủ sức khoẻ. Cho Vy gửi lời thăm toàn thể gia đình chú nữa nhé.
Vy của một thời xa xưa.”
Tôi ấn nút ‘Send’ gửi là thư, tắt máy PC và chậm rãi bước xuống lầu. Các con tôi đã ngủ yên, tôi nhè nhè mở cửa phòng Jane, ngắm nhìn con bé đang ngủ say sưa, nét mặt bình yên và trên môi hình như thoáng một nụ cười. Tôi cúi xuống hôn nhẹ lên trán con, trước khi trở lại phòng. Chiếc cell phone trên bàn rung nhẹ. Tôi cầm lên và biết là có một message vừa gửi cho tôi. Message của Paul với hàng chữ ngắn ngủi “Thinking of you”. Tôi mỉm cuời, ấn nút ‘reply’ và chậm trải đánh vần “Me too”. Message gửi đi rồi, tôi mỉm cười lên giuờng kéo chăn ngang ngực. Tôi biết đêm nay tôi sẽ ngủ ngon, không có gì lo buồn, và chắc là Paul cũng vậy.
Trần Quang Thiệu
January 2008
No comments:
Post a Comment