Tình Thư Từ Mười Ngàn Dậm Xa

Tình Thư Từ Mười Ngàn Dậm Xa
(Tiếp Theo Cali Ngày Em Về)


Ngày … tháng … năm 2007

Em yêu,
  Đêm qua đọc email của em lòng anh thật bàng hoàng. Chỉ có 3 chữ tô đậm “Bé nhớ anh” mà sao như ngàn lời yêu thương. Anh biết có thương thì mới nhớ và anh trăn trở cả đêm không ngủ được vì anh cũng thương nhớ em vô vàn. Nhớ người như chưa từng nhớ bao giờ,  lời thơ của nữ sĩ Nguyệt Thanh mà anh vừa mới đọc trên một diễn đàn văn nghệ sáng nay đó em.
   Sáng nay chắc là em đã trở lại trường, đang thủ thỉ với bạn bè, đang khoe những tấm hình rực rỡ trong chợ hoa ngày Tết, ngộ nghĩnh và thân yêu trong xứ thần tiên Disney Land. Chúng mình đã có với nhau những kỷ niệm để đời. Làm sao anh quyên được ánh mắt em cười, cái nghiêng đầu tình tứ, những giọt nước mắt nhớ thương và nhất là nụ hôn nhẹ trên bờ môi khi chúng mình chia tay. Candy ơi, ‘mai sau dù có bao giờ’ nếu vì bất cứ lý do gì mà chúng mình không được gần nhau thì những ngày qua đủ cho anh ‘đốt lò hương cũ so tơ phím này’. Tiếng kèn của anh sẽ nghẹn ngào vì thương nhớ em.
   Em đã nói ‘chuyện chúng mình’ với mẹ chưa? Anh biết là bà mẹ nào cũng lo lắng cho tương lai con cái nên anh viết vài hàng gửi mẹ dưói đây, em chuyển cho mẹ dùm anh nhé.
  Nhớ gửi email cho anh hàng ngày, hay là ban đêm trước khi đi ngủ điện thoại cho anh, để anh nghe tiếng em thủ thỉ, để anh nói với em những lời yêu thương, và để anh ru em ngủ bằng những bản tình ca êm đềm. Yêu và nhớ em vô cùng.
   Anh Dũng

o0o

Thưa dì,
   Dũng quả tình không biết xưng hô sao cho phải phép nhưng nghĩ rằng dì còn ít tuổi hơn mẹ của Dũng nên mạn phép dùng danh xưng đó thay vì ‘Ms. Nga’, nghe có vẻ quá ‘Mỹ’. (Bé nửa đùa nửa thật nói với Dũng tên dì là Thiên-Nga, nếu không đúng mong dì đừng bận tâm).
   Dũng mồ côi, mẹ mất khi còn nhỏ, và cha qua đời ít lâu sau khi đi ‘cải tạo’ về. Dũng được chú Duy nuôi nấng, mang sang Mỹ học hành cho nên người. Bố Ngụy, người bạn đồng ngũ của ba Dũng, nhận Dũng làm con nuôi, và hiện nay Dũng đang nương tựa người mà Dũng coi như cha.
  Dũng học hành cũng bình thường, đã xong B.S. về Biology, nhưng thay vì cố gắng thi vào các trường y-khoa Dũng đã đổi ngành, học history vì một hoài bão riêng tư. Trong thời gian theo học tại UCI ban đêm Dũng chơi nhạc cho một vũ trường để kiếm sống nhưng bây giờ Dũng đã thôi việc ở vũ trường, nhận làm bán thời cho một công ty chuyên về medical equiment ở San Diego. Hai ngày một tuần Dũng vẫn tới trường, hy vọng là Dũng sẽ hoàn tất luận án tiến-sĩ vào cuối niên học này.
   Dũng ôm một hoài bảo từ khi thấy bố Ngụy nhìn tấm hải đồ chỉ tay vào những quần đảo nói với Dũng là ngày xưa ba Dũng đã cố gắng bảo vệ nhưng thất bại. Ba Dũng đau xót và u buồn cho đến lúc qua đời. Những người lính gác sông và biển ít được nhắc nhở vì nhiệm vụ của họ khiêm nhường, nhưng khi để mất một phần đất nước  lòng họ rất là xót xa. Dũng nghĩ là ba Dũng, cũng như bố Ngụy, không thành công bằng những giải pháp quân sự thế nhưng công lý cần phải được sáng tỏ. Dũng chuyển sang học sử, và luận án của Dũng chuyên đề về ‘lịch sử và điạ-lý của biển đông’, tìm hiểu về những hải đảo đã mất về tay Bắc phương, với hoài bão là chứng minh cho thế giới tự do chủ quyền của dân Việt, dù rằng những hải đảo xa xôi đó rất xa đất liền.
   Vị giáo sư đỡ đầu thesis cũa Dũng bất đồng ý-kiến với Dũng về những từ ngữ như ‘expansion’ phải được dùng thay vì ‘invasion’ để chỉ sự bành trướng của Trung Quốc nên Dũng đã phải thay đổi giáo sư, chuyển trường làm chậm trễ việc học nhưng trước sau gì rồi Dũng cũng sẽ hoàn thành ý-nguyện của mình.
  Dũng không muốn làm dì mất nhiều thì giờ về những vấn đề phức tạp, không mấy liên quan tới cuộc sống thường ngày nên Dũng xin ngừng ở đây và hẹn thư sau sẽ nói thêm về những dự định tương lai. Dũng luôn luôn nhủ thầm là mình làm hết lòng mình, còn thành công hay không phần nào cũng do cơ duyên. Dũng gặp được Bé là do cái duyên, và nếu có ‘nợ’ thì biết đâu chẳng đi chung một con đường.
   Dũng xin phép dì để Bé và Dũng giữ một tình thân trong sáng. Dũng và em thương nhớ nhau nhưng ngoài một cái hôn phớt nhẹ trên bờ môi lúc nào Dũng và Bé cũng biết giữ gìn. Nghe có vẻ lỗi thời nhưng Dũng tin rằng ‘gìn vàng giữ ngọc’ cho tâm hồn trong sáng là đỉnh của thương yêu.
  Cám ơn dì đã lắng nghe, và xin chúc dì một năm mới an-khang.
   Trần Đình Dũng.

o0o

Ngày … tháng … năm 2007
  Em yêu,
  Anh đọc thư em rồi. Trời tuyết trơn trượt, em nên cẩn thận khi đến trường. Mang dù theo không mưa ướt áo em trên đường ra trạm xe. Em đau rồi anh làm sao yên lòng.
  Sáng nay trời Cali cũng mưa, cơn mưa xuân làm ướt bờ vai và nước mưa đọng trên mắt kính anh  như những giọt lệ u buồn. Anh tới trường để tham khảo giáo sư đỡ đầu về  chương cuối cùng của luận án viết đã gần xong. Thày anh đã có vẻ hài lòng, và một vài sửa chữa nhỏ nữa là anh có thể sẽ được chấp thuận đem ra trình bày trước một hội đồng giáo sư.
  Mưa làm anh nhớ nhiều về những ngày thơ dại ở quê nhà, nhớ cái đầu hè nhà chú Duy nơi anh hay ngồi nhìn mưa, thả con thuyền giấy trong vũng nước đọng, và  nghĩ tới ba, tới má  lúc đó đã ở một nơi nào đó xa xôi trên trời. Khi còn nhỏ anh hay buồn lắm, chú Duy cứ phải đưa bờ vai cho anh khóc vùi, nhất là những khi trời mưa gió như lúc này.
  Anh đứng hút thuốc trong hành lang thư viện nhìn mưa và nhớ em. Anh biết là em không muốn anh hút thuốc nên anh không còn hút nhiều như xưa, chỉ những lúc nhớ em như lúc này anh mới tìm quên trong khói thuốc. Ước gì có em ở đây, để anh được ôm em, như đôi tình nhân đang đi dưới mưa kia. Người con trai một tay cầm dù một tay ôm chồng sách, người con gái nép mình, một tay ôm ngang lưng người yêu, lâu lâu lại ngửng mặt nhoẻn miệng cười, đưa bàn tay còn lại gạt những giọt nước mưa đọng trên má người con trai mà chiếc dù nhỏ bé không che kín được cả hai mái đầu.
 
Anh ước mơ có em ở gần vì anh lo sợ. Người ta thường nói tình cảm nào rồi cũng phôi pha với thời gian, ngay cả tình yêu, nhất là những người yêu nhau lại xa nhau hàng ngàn dậm. Mong là chuyện đó không bao giờ xảy ra cho chúng mình, để không bao giờ anh mất em trên cõi đời này.

Cám ơn mẹ em đã đọc thư và hiểu được tấm lòng anh. Hôm nay anh muốn chia xẻ với em một chút suy tư về tương lai để em thấý rằng anh Dũng không phải chỉ biết thổi kèn, chỉ biết yêu em, mà còn có một mang nặng một tâm tư.

Thư của chú Duy mới viết về từ VN:

 “… Chú dừng lại một tỉnh nhỏ trên đường từ Nha Trang vào Sài Gòn. Restaurant ngay gần bãi biển, mà bãi biển nào của VN mình cũng rất nên thơ, thế nhưng chú thật ngậm ngùi không nuốt nổi miếng cơm. Trong lúc chú ngồi ăn có vài em bé gái tuổi mới độ lên 10 lại gần gạ bán cho chú mấy cành san hô gắn với nhau một cách thô sơ. Có một em xin chú lon coca uống còn thừa. Chú hỏi em sao không đi học, em nói không có tiền đóng cho cô giáo. Em gầy còm, nước da em đen và mắt em ngơ ngác buồn …
   Dũng biết là gia đình mình còn nhiều ‘ân oán giang hồ’ với chính thể này mà sao lòng chú thật là xốn xang. Chú đã nhận lời người bạn  trở về góp một bàn tay. Tay chúng mình nhỏ lắm, nhưng nếu một ngày nào chú chỉ giúp được MỘT người, hay đúng hơn một đứa bé được đến trường, có cơm ăn, có manh áo lành, có đôi dép cho đôi chân nhỏ bé thì chú sẽ thấy mình bớt xót xa.

Tuần rồi chú có ra Hà-Nội, thành phố mà một thời chú đã yêu thương đậm đà. Trong tiệm ăn chú thấy hai người trẻ ăn mặc sang trọng nhưng khạc nhổ và  vứt thức ăn xuống sàn! Trong tiệm sách chú thấy người trí thức lấn tới trước quầy hàng chứ không xếp hàng trả tiền. Trong khách sạn, người xuống thang máy chưa kịp ra thì người đi lên đã lấn vào. Có nhiều cái làm chú đau lòng. Người ta tranh sống, và hình như xã hội này thiếu tình người. Phải chăng vấn đề nằm trong căn bản giáo dục, cái mà chúng mình có thể góp một bàn tay? …”

  Em yêu, anh biết là chú Duy đã có một thời đa đoan, dăm ba mối tình dang dở, nhưng chú cũng là người có lòng. Chú về VN dạy học không phải vì tiền hay vì danh vọng mà chỉ vì một chút gì cho quê hương. Dũng cũng sẽ về Bé ạ. Trước đây anh cứ tưởng là xong niên học này anh sẽ tìm một chỗ dạy học nào đó ở gần em nhưng có lẽ chưa phải lúc. Em hãy nghe mẹ, chú tâm vào việc học, biết đâu một ngày nào anh và em chẳng sống chung với nhau, chẳng cùng nhau góp một bàn tay cho quê hương, ở một thành phố nhỏ bên quê nhà. Anh biết đó chỉ là một mơ ước, nhưng em ơi nếu không có ước mơ đời sẽ thật buồn.
  Anh sẽ đi xa, có lẽ rất là bận rộn, và có thể không có những phương tiện truyền thông tối tân để liên lạc với em hàng ngày, nhưng lúc nào anh cũng vẫn nghĩ tới em. Đây cũng là một thử thách cho em, hay đúng hơn cho chính anh. Nếu xa nhau mà còn âm thầm thương nhớ nhau thì rồi có ngày chúng ta sẽ đoàn tụ. Tuy nhiên anh cũng biết là một mối tình không thể tồn tại chỉ bằng nhớ thương. Nếu em có gặp một người nào đó cùng trang lứa, và có yêu người đó thì anh cũng không bao giờ giận hờn. Không phải là lòng anh bao la đến độ đó, nhưng anh cũng biết rằng khó có thể làm gì hơn.

Tuần tới anh sẽ về VN ít lâu để tiếp xúc với chú Duy, với những người cũng có một tấm lòng. Nếu em không thấy anh viết nhiều thì cũng đừng ngạc nhiên nghe. Anh có xa em ba, hay 10, ngàn dậm thì lúc này anh cũng vẫn thấy rất gần, và vẫn rất yêu em.

Anh Dũng

o0o


Sài-Gòn, Ngày … tháng … năm 2007
  Bé yêu,
  Có lẽ anh là một Việt kiều nghèo nhất thế gian. Hành lý của anh là một valise nhỏ với vài bộ quần áo, cây kèn saxophone và cái backpack cũ mềm từ thời còn đi học under-graduate. Tài sản đáng giá chỉ là chiếc laptop anh mang theo để hàng ngày anh có thể viết thư cho em.
  Em ơi, 16 năm trở lại anh vừa ngơ ngác vừa bồi hồi, vừa thương nhớ em ở bên đó, xa cách nhau không phải chỉ là ba ngàn dậm mà còn thêm cả một đại dương. Anh về vì chú Duy muốn anh nhìn thấy tận mắt những gì ở quê nhà VN trước khi anh quyết định theo chân chú, đóng góp một bàn tay trong lãnh vực học đường.
   Khi ra đi anh vừa 12 tuổi. Bây giờ ngoài chú Duy,  thân nhân và bạn bè thời thơ ấu ở nơi này chẳng còn ai.  Anh đi giữa Sài-Gòn như một người xa lạ, chiếc taxi đưa anh về một khách sạn rẻ tiền nơi mà ‘Tây Ba-Lô’ thường trú ngụ trong những ngày thăm viếng VN. Có lẽ anh là một ‘Ta Ba Lô’ độc nhất ở khu này. Anh sẽ chỉ ở tạm đây vài ngày, nhìn lại Sài-Gòn trong trí tưởng trước khi lên Đà Lạt, nơi đó họ Trần Đình còn một căn nhà cổ mà chú Duy đang tạm trú để đi dạy học. Trước khi về anh đã đọc, đã tìm hiểu về quê nhà thật kỹ càng mà sao lúc này anh vẫn thấy mình rất bơ vơ.
  Anh sẽ viết cho em từ những nơi anh sẽ đi qua trong vài tuần lễ thăm viếng ngắn ngủi. Hôm nay anh chỉ viết cho em vài dòng thôi vì anh vẫn còn ngất ngây sau chuyến bay dài, hơn thế nữa tháng này thời tiết Sài-Gòn nóng như thiêu, anh muốn ngủ một giấc cho lại sức trước khi bắt đầu cuộc hành trình về một nơi mà trong lòng lúc nào anh cũng nhớ thương.
  Anh biết là thế nào trong giấc ngủ anh cũng sẽ mơ thấy em, thấy nét em cười, thấy làn tóc em bay và thấy cả ánh mắt em chan chứa ân tình. Em còn nhớ không, hôm chúng mình du ngoạn vịnh San Diego trên con tàu nhỏ của bố Ngụy em đứng gần anh, gió thổi tóc em cuốn vào mặt anh, hương tóc em đã làm anh ngất ngây, làm anh muốn ôm em vào lòng, muốn nói với em là anh yêu em và muốn che chở cho em suốt đời!
   Bây giờ là 3 giờ chiều ở Sài Gòn và là 3 giờ sáng ở New York. Lúc này chắc em đang ngủ say. Sweet dream, my love. Lúc nào anh cũng mong em được êm đềm trong giấc ngủ cũng  như trong lúc em đi trên đường phố tới trường. Take care, Candy. Anh Dũng lúc nào cũng thương nhớ em.
  Anh Dũng của Bé.
  P.S. Anh viết thư này nhưng chưa biết lúc nào gửi được cho em. Khách sạn này không có Internet connection. Có lẽ anh phải đi tìm một quán café Internet. Nếu thư tới chậm đừng giận anh nghe.

o0o

Sài-Gòn ngày … tháng … năm 2007
  Em yêu,
   Anh muốn về thăm lại căn nhà xưa ở con đường nhỏ gần cổng xe lửa số 6, nơi anh đã sống thời thơ ấu với ba má. Căn nhà xưa còn đó nhưng không còn như trong trí tưởng. Cây hoa huỳnh anh với những chiếc hoa vàng óng ánh và những con ong chập chờn đã biến mất. Khoảng sân nhỏ nơi anh hay tắm mưa cũng không còn! Người chủ mới đã dựng những tấm tôn làm thành một cửa tiệm bán quần áo cũ. Con đường nhỏ bây giờ cũng tấp nập hơn xưa và hình như chẳng ai quan tâm tới anh đang ngẩn ngơ đứng nhìn. Anh đã bỏ lại sau lưng một mảnh đời mà không bao giờ anh tìm lại được nữa đâu em.
   Anh cũng tìm đến cái nghĩa trang hẻo lánh ở ngọai thành nơi ba má nằm yên giấc ngủ cuối đời. Nghĩa trang đìu hiu, không một bóng người. Khi má mất anh còn thơ dại nên chẳng nhớ gì nhưng ngày ba mất anh đã lên mười, anh đã biết đau đớn, hiểu thế nào là vĩnh viễn chia ly. Hai ngôi mộ thấp lè tè gần nhau nhưng mới được chú Duy thuê người đắp điếm lại nên cũng bớt thê lương. Anh đốt nắm nhang mua vội vã tại quán hàng ngoài cổng nghĩa trang, cắm lên đầu hai ngôi mộ và ngồi xuống đó khóc nức nở như ngày anh biết là ba không còn ở lại với anh trên đời. Nước mắt anh nhạt nhoà, đầu anh gục xuống, anh gọi “Ba ơi, Dũng nè”, như hồi anh thơ dại. Anh ngồi đó lâu lắm, những cây nhang đã tàn từ lâu và khi bóng chiều đã phủ dần xuống nghiã trang anh mới nặng nề đứng dậy ra về.
  Anh trở về khách sạn, lòng ngẩn ngơ buồn, mang kèn ra thổi bài “Going home’, tiếng kèn ray rứt càng làm nỗi buồn thêm thấm thía, nước mắt anh lại ứa ra đầm đìa! Mặc dù anh đã cố giữ cho tiếng kèn thật nhỏ nhưng vách tường của khách sạn quá mỏng nên khi bài nhạc vừa chấm rứt anh nghe tiếng gõ cửa phòng mình. Một cái đầu tóc vàng bù xù ló qua cánh cửa hé mở và anh Tây Ba-Lô hàng xóm giơ ngón tay cái nói bập bẹ:
- Tốt … tốt.
Anh bật cười:
- Sorry to disturb you.
Anh chàng la lớn:
- Oh! You speak English! I actually enjoy your play. Outstanding! By the way, I’m Nick, staying next door.
Anh chìa tay bắt tay:
- Michael. Nice to know you, Nick - và mở rộng cửa mời anh ta vào phòng.

Nick khoe vơí anh là anh ta ‘taking a break from work’, cùng vơí bạn gái đi du-lịch các nước Á Đông. Nick đã thăm Thailand, Cambodia mà mới từ Hà Nội đi dọc theo quốc lộ ven biển bằng xe lủa vào tới Sài-Gòn. Nick bị tiếng kèn của anh đánh thức nỗi nhớ, vì cũng đã xa nhà khá lâu, nên tìm sang làm quen. Nick trở về phòng dẫn cô bạn gái Cathy sang giới thiệu với anh. Cô gái có đôi mắt xanh lơ, mái tóc mầu hạt dẻ, và má vẫn còn tàn nhang, cũng chỉ hơn em một hai tuổi là cùng. Cathy ăn nói nhỏ nhẹ, và hay nghiêng đầu dễ thương hệt như em làm anh nhớ Bé thật nhiều!
   Buổi tối anh lang thang trên phố phường quanh quẩn gần trung tâm Sài Gòn. Thành phố vẫn nhộn nhịp hơn bất cứ nơi nào ở California về đêm. Còi xe inh ỏi, trai gái ăn mặc mượt mà và chắc chắn thời thượng hơn là cái quần jean và áo thung ngắn tay anh mặc trên người.  Nơi này xô bồ nhưng đầy sức sống, và em biết không, anh chợt ước ao có em bên cạnh để anh dắt tay em hoà nhập vào làn sóng người, vui hay buồn vẫn còn hơn làm người xa lạ cô độc trên quê hương.
 
Anh cũng tản bộ ra tận bến sông Sài-Gòn. Khi anh còn nhỏ ba có đưa anh ra đây vài lần. Những lúc đó ba buồn lắm, đứng nhìn những con tàu im lìm trên bến và thường thở dài. Anh chắc ba nhớ những ngày tháng cũ khi ba còn đi biển, nhớ bạn bè xưa kẻ mất người còn, tản mát khắp bốn phương trời. Bến tàu còn đó, anh đứng bơ vơ, nước mắt anh lại muốn trào ra vì thương nhớ ba.
   Sài-Gòn có những con đường vương lá me bay tình tứ nhưng không có em bên cạnh nên anh đi lầm lũi cúi đầu. Mai anh sẽ dời thành phố này lên Đà-Lạt gặp chú Duy. Hành trình bằng xe đò lên thành phố cao nguyên đó cũng mất vài tiếng đồng hồ. Anh đi ngủ đây, mai anh viết nữa để cho em thấy là dù anh ở đâu chúng mình vẫn rất gần nhau, và anh vẫn nhớ em rất nhiều.
   Anh Dũng

o0o

Đà-Lạt ngày … tháng … năm 2007
   Em yêu,
   Chú Duy đón anh ở bến xe đưa anh về căn nhà cũ của họ Trần Đình ở Trại Hầm, không xa trung tâm thành phố mấy. Căn nhà của ông nội dựng lên bằng những cây thông còn nguyên vỏ xù xì khi ông di cư từ miền Bắc vào đây năm 1954, và lần hồi qua bao nhiêu năm tháng được tu bổ thành một dinh cơ. Đàn con của ông đã được nuôi dưỡng và lớn nên lớn lên ở căn nhà đó để rồi mỗi người đi một phuơng. Ông qua đời trong hưu quạnh, và anh chẳng bao giờ biết mặt ông vì sinh ra quá muộn màng. Từ ngày ông qua đời căn nhà được giao cho một người cháu họ xa trông nom. Ngày xưa lâu lâu ba và chú Duy mới về thăm một lần, căn nhà vẫn đứng đó bên những cây thông già trên sườn đồi, ôm ấp quá khứ của một thế hệ nay không còn.
   Buổi chiều xuống dần, sương mù từ rừng cây bay ra như muốn che kín mái nhà.Trời không lạnh bằng mùa đông Cali, nhưng cũng đủ cho bếp lửa thêm ấm áp và mùi thuốc từ ống điếu của chú Duy thêm nồng nàn. Anh lặng yên ngồi nghe chú nói về những ngày tháng cũ và về những hoài vọng cho những ngày còn lại của cuộc đời. Anh hỏi:
- Chú yêu nghề dạy học ở nơi này lắm hả?
Chú cười:
- Không phải là nghề Dũng ạ. Có lẽ là một đam mê từ ngày còn trẻ, bây giờ cũng vẫn còn là một ước mơ.
Nhìn chú ngồi mơ màng với khói thuốc anh mỉm cười:
- Chú vui không?
Chú gật đầu:
- Vui khi thấy ánh mắt sinh viên nhìn lúc chú giảng bài. Buồn vì có những điều không nói được, và đôi khi cũng nhớ nhà.
Anh cười với chú:
- Trước khi về cháu có ghé qua nhà. Thím Trinh dặn cháu nói với chú là đừng có lăng nhăng như xưa để làm buồn mọi người.
Chú chỉ mỉm cười lắc đầu:
- Thời của chú đã qua. Cháu hãy lo thân cháu đó Dũng ạ.
Anh nói nhỏ:
- Chú chưa gặp Candy nên nói thế. Cháu làm sao quên được người con gái đó một ngày để mà nghĩ ngợi vẩn vơ.
Chú chỉ cười và anh cũng lặng thinh nghĩ đến em. Người đàn bà đứng tuổi chú Duy mướn để lo cơm nước là một đầu bếp hiếm có. Lâu lắm anh mới lại được ăn một bữa cơm gia đình ấm cúng và ngon miệng. Trong bữa ăn chú Duy nói về công việc anh có thể làm, về nhà trường, về ban giám đốc, về những ưu tư, về những khó khăn mà anh có thể gặp phải nếu muốn về góp một bàn tay.  Giọng chú khi sôi nổi, khi thoáng u buồn và chú kết luận rất gọn là “chỉ cần có một tấm lòng”.
   Buổi tối khi chú Duy rút vào phòng chuẩn bị cho bài giảng ngày mai, anh thả bộ theo con đường dốc đi lần về thành phố. Đà Lạt vẫn còn giữ được nét yêu kiều của một thành phố nhỏ, không có xe cộ đông đúc, không có tiếng động ồn ào, và trong không khí nhạt nhoà của buổi tối anh thoáng ngửi thấy mùi thơm từ những bông hoa trong vườn các biệt thự im lìm. Không rét lắm nhưng anh cũng thấy lạnh lẽo nên ghé vào quán café Thủy Tạ bên hồ Xuân Hương. Anh thèm một ly café, như anh thèm nét môi em. Candy ơi, lúc này em đang làm gì? Mới 8 giờ sáng ở bên đó thôi, chắc em đang trên đường tới trường, em có nhảy những bước chân chim như hôm chúng mình thăm Disney Land với nhau, hay là em âm thầm cúi đầu đếm bước, nhớ tới anh, nhớ như chưa bao giờ nhớ?
   Đâu đâu anh cũng thấy bóng dáng em chập chờn. ‘Yêu em biết mấy cho vừa nhớ thương’. Anh không nhớ đó là thơ hay lời nhạc của ai đó. Chỉ biết rằng lúc này nếu có em ở bên anh sẽ ôm em thật chặt, cho hai đứa bay lên trời sao, và mãi mãi ở một nơi chỉ có hai đứa chúng mình. Điên phải không em? Ừ, anh điên vì nhớ thương em. Have a nice day, my love.
   Anh Dũng

o0o

Đà-Lạt ngày … tháng … năm 2007
 Cách nhau mười ngàn dặm !
Mỗi người sẽ có mỗi mảnh đời riêng .

Trong mảnh riêng của em .
Có một mảnh riêng riêng , rất riêng , nho nhỏ.
Dành cho anh …suốt đời ! ( Nguyệt Thanh)


Em yêu,

Mấy câu thơ trên cũng là của nữ-sĩ Nguyệt Thanh viết về tình yêu. Anh cũng muốn bắt chước viết cho em vài dòng:

Anh Dũng biết 
Bé rất buồn
 Vì mười ngàn dậm đường xa cách Là mười ngàn nỗi nhớ thương   Anh Dũng biết 
không có anh cho em bờ vai 

Lúc em buồn muốn khóc
 Em sẽ buồn hơn, với tiếng thở dài   Anh Dũng biết Không có anh đón đưa em đi học 
Em sẽ không nghiêng mái tóc, 

Hé môi cười,
Dù cho một ngày có  vui.
  
Ban đêm em hãy nhìn trời sao lấp lánh
 Mỗi ánh sao là một niềm thương. Và có một ngôi sao rất sáng Là sao của chúng mình 
Nên anh không thể lạc đường.
   Anh cũng có một niềm riêng Dấu trong trái tim đỏ thẫm Là dáng em dịu hiền Suốt một đời, để anh nói nhỏ Yêu em.   Suốt một đời, để anh nhắc nhở Rất yêu em.  

Bé yêu của anh,   Anh Dũng không biết làm thơ, nhất là thơ tình, nên  anh chỉ viết vài hàng vụng dại. Mai mốt anh về sẽ xin đền em bằng một nụ môi hôn. Em chịu không?   Anh Dũng

o0o

Đà-lạt ngày … tháng … năm 2007.
   Em yêu dấu,
  Quán café vào một buổi tối ngày giữa tuần nhưng vẫn khá đông. Đa số khách hàng còn rất trẻ, ngồi với nhau như một nhóm bạn bè hay như những cặp tình nhân. Anh được hướng dẫn tới một chiếc bàn nhỏ kê sát vách tường, lẻ loi nhưng không lạc lõng vì tiếng nhạc trữ tình mở vừa đủ nghe, không khí ấm cúng, và ánh đèn mờ  làm mọi người trông rất dễ thương.
  Người nữ tiếp viên mặc áo dài, một hình ảnh hiếm hoi chỉ còn thấy ở những cơ quan du lịch, mỉm cười dịu dàng đứng chờ nhận order. 
- Café sữa nóng, please.
Cô tiếp viên che miệng dấu nụ cười và  anh  ngượng ngịu vì chợt nhận ra câu nói vụng về không hợp cảnh của mình. Anh phân trần:
- Xin lỗi, tôi không cố ý …
Cô tiếp viên nghiêm trang nhưng trong ánh mắt như có gì vui thích:
- Dạ, không có chi. Chúng tôi sẽ mang lại ngay.
   
Bé biết không, ở đây người ta hút thuốc ở bất cứ nơi nào nên anh cũng tìm điếu thuốc đưa lên môi ngồi trầm ngâm. Anh muốn hoà nhập vào thế giới rất khác biệt ở quê nhà nhưng dù cố gắng anh hãy còn rất vụng về, nhiều lúc đến ngô nghê. Xung quanh anh mọi người hầu như rất thoải mái, họ không nhỏ nhẹ giữ gìn ở những nơi công cộng như chúng mình. Họ nhìn anh, và có lẽ họ nhận ra ‘thằng Việt kiều’!
   Người nữ tiếp viên trờ lại với phin café và bình thủy nước nóng, nhẹ nhàng xếp mọi thứ trên bàn :
- Anh cần gì nữa không ạ.
Anh lắc đầu:
- Cám ơn cô.
Bất thình lình cô ta hỏi:
- Anh mới về VN lần đầu?
Anh hơi đỏ mặt gượng cười:
- Vâng, nhưng sao cô biết?
Cô ta nhoẻn miệng cười, khoe chiếc răng khểnh thật xinh:
- Vì ở đây người ta ít khi nói cám ơn.
Bỗng dưng cô ta có thoáng buồn:
- Nếu người khách nào cũng như anh thì … Loan cũng đỡ tủi thân.
Anh ngạc nhiên:
- Tôi tưởng đây là đây là một chỗ thanh lịch. Xin lỗi, phải vậy không cô Loan.
Vẻ thoáng buồn đã biến mất:
- Dạ đúng, nhưng không phải người khách nào cũng như nhau. Cũng may là  Loan chỉ làm vài tối một tuần, kiếm tiền đóng học phí.
Anh mừng rỡ:
- Thế ra cô là sinh viên. Tôi cũng đang muốn tìm hiểu về sinh hoạt học đường ở đây. Nếu không có gì bất tiện mời cô ngồi cho chúng tôi hỏi thăm vài điều. Please!
  Loan lại che miệng cười, ngồi xuống chiếc ghế trông đối diện với anh:
-Anh về thăm nhà?
Anh cười buồn:
- Cũng không hẳn, cô Loan ạ. Tên tôi là Dũng. Tôi tính về đây dậy học, tuy nhiên chưa biết là mình có làm được gì ở chốn này.
Anh tóm tắt cho Loan nghe về những dự tính tương lai, về nỗi băn khoăn không biết là kiến thức của mình có giúp gì được cho quê hương, và nhất là quê hương có chấp nhận người đi xa trở về như lòng mong mỏi. Loan chăm chú lắng nghe, thỉnh thoảng nhẹ mỉm cười. Anh trầm ngâm:
- Chú Duy tôi cũng đang dạy học ở đây. Chú nói chỉ cần có một tấm lòng, và tôi rất muốn tin như vậy.

Anh mở nắp phin café, loay hoay với bình thủy nước nóng. Loan chìa tay:
- Để Loan giúp anh.
Loan chế nước sôi, quậy tan lớp sữa đặc ở đáy tách, đẩy về phía anh:
- Anh thử xem đã vừa chưa.
Anh gật đầu :
- Cám ơn cô. Ở bên đó tôi chỉ quen với café Starbucks và chưa dùng phin café bao giờ. Có nhiều thứ ở quê nhà tôi vẫn chưa quen. 
Loan mỉm cười đứng lên
- Rồi anh sẽ quen. Nhưng cũng có những cái anh không nên … Xin lỗi anh Dũng nhé. Loan phải làm việc. Hôm nào anh Dũng tới trường Loan xin tiếp chuyện anh lâu hơn.
Anh cũng đứng lên:
- Cám ơn cô Loan nhiều lắm. Vâng, mai mốt tôi theo chú Duy tôi lên thăm trường. Hy vọng là có dịp gặp lại cô.
   Loan vẫy tay chào quay đi. Anh nghe một thanh niên bàn bên cạnh huýt sáo “Ê, Loan”, nhưng Loan cúi đầu đi thẳng, như không nghe tiếng gọi.
  Anh ra khỏi quán café khì trời cũng đã khá khuya. Mùa xuân Đà Lạt hương hoa cỏ nồng nàn trong không gian. Kéo cao cổ áo lạnh anh thong thả đếm bước về nhà. Mai anh sẽ theo chú Duy lên trường nói chuyện với ban giám đốc. Cảm tưởng của anh vẫn còn rất mơ hồ, anh không biết là chuyến trở về tìm hiểu quê nhà này sẽ có kết quả ra sao nhưng có một điều rất rõ ràng, đó là lúc này anh thấy rất nhớ em.
   Tháng sáu năm nay, sau khi trình xong luận án anh sẽ sang NY thăm em cho thỏa lòng nhớ thương. Candy ơi, đêm đêm em hãy nhìn lên trời, vì sao sáng nhất là sao của chúng mình, là sao hộ mệnh, soi đường cho chúng mình tìm về với nhau, dù lúc này chúng mình có xa nhau mười ngàn dậm đường.  Mùa hè năm nay sẽ là mùa hè rực rỡ cho chúng mình. Em có uớc mơ như anh không?
  Anh Dũng của Bé,

o0o

Đà Lạt ngày … tháng … 2007

Em yêu,
   Em đau hả? Tội chưa! Mẹ phải đi làm, anh ở xa, em đau như vậy rồi ai săn sóc em! Ước gì anh ở cạnh em lúc này để đắp khăn ướp lạnh lên trán em cho em bớt nóng, ngồi bên em, nắm tay em cho em an tâm chìm vào giấc ngủ bình yên, và khi em ngủ say, hôn lên má em, như một thiên thần thường đến với em trong giấc mơ. Em chịu khó uống thuốc cho mau khỏi, đừng làm anh lo nghĩ nhiều trong lúc anh ở xa. Candy, em nhớ chưa?
  Bé yêu, em đừng buồn vì history paper của em chỉ được grade C, và đừng quan tâm nhiều vì mẹ hay lo âu về thời thế! Anh cũng đang đi tìm kiếm ý-nghiã của cuộc đời, và đôi khi cũng có những băn khoăn như mẹ em thường ưu tư. Nhưng Bé à, anh cũng biết là chúng mình chỉ là một hạt cát trên xa mạc, nơi mà gió bão có thể đưa chúng mình đến bất cứ chân trời nào. Có những điều chúng ta không thể làm gì hơn, dù chúng ta rất muốn. Em nói mẹ đừng lo nghĩ nhiều về những vấn đề ngoài tầm tay vì băn khoăn nhiều chỉ làm chúng ta chóng hao mòn. (Mẹ muốn trẻ mãi để đi ngoài phố với em như là hai chị em, đúng không?)
   Bố Ngụy anh thường nói “Nhất tướng công thành, vạn cốt khô”. Có lẽ Saddam Hussein là như vậy. Hàng vạn người đã chết cho ông ta, và dưới tay ông ta, để cho ông ta thành nhà cai trị độc tài. Ông ta chết cũng là do cái nghiệp của mình. Một cá nhân không có gì đáng kể, dù cá nhân đó là Cụ Diệm hay Hussein, trước quyền lợi của một tập đoàn hay một quốc gia. Người Mỹ bắt buộc phải có một chỗ đứng ở Trung Đông, nắm giữ nguồn năng luợng quan trọng để không bị các quốc gia Á Rập khác như Saudi Arabia, Iran, … làm áp lực. Anh nghĩ Cộng Hoà hay Dân Chủ họ cũng chỉ bất hòa ngoài mặt, bên trong họ có những thoả hiệp ngầm cho quyền lợi của nước Mỹ. Hussein hay võ khí nguyên tử cũng chỉ là cái cớ để hành động mà thôi. Em cũng đừng buồn vì giáo sư của em không đồng ý với bài viết của em.
  Sáng ngủ dậy em hãy nhìn qua cửa sổ, ngắm tuyết phủ trên cành cây, cười với nắng vàng, nghe chim hót đâu đó trên mái nhà, nghĩ tới người thân, tới bạn bè, và tới anh cho một ngày thật vui. Em còn đang trong tuổi thần tiên, đang được mẹ che chở, được bạn bè quý mến, được anh yêu thương. Em hãy giữ lấy hạnh phúc đơn sơ nhưng đằm thắm đó trong lúc này. Những lo lắng, những ưu tư rồi sẽ đến, nhưng đó là lúc có anh chia xẻ với em tất cả những vui buồn của cuộc đời. 
     Hoa mimosa ở đây đằm thắm lắm Bé à. Anh không biết NY có hoa này không, anh ước gì có em ở đây, để anh chụp cho em một tấm hình bên những nụ hoa vàng lẫn trong lá xanh biếc. Em sẽ cười, sẽ nghiêng mái tóc, và anh thấy em còn đằm thắm hơn mimosa! Một ngày nào đó chúng mình sẽ đi với nhau trên quê hương này, để em nép vào anh, để anh thấy trời xanh trong mắt em. Lúc này em nghe anh, uống thuốc  cho mau khỏi và viết thư cho anh thường, nhớ chưa? Thương nhớ em rất nhiều.
   Anh Dũng.

o0o

Đà-Lạt ngày... tháng... năm 2007
  Em yêu,
  Chú Duy nói ‘chỉ cần có một tấm lòng’, và anh rất muốn tin như vậy, nhưng sau khi nói chuyện với những người có trách nhiệm anh thấy rằng những người trẻ như anh muốn trở về đây góp một bàn tay sẽ gặp nhiều trở ngại hơn là anh thường nghĩ.
  Trở ngại chính không phải là tiền bạc vì thực ra những người tình nguyện như anh, như chú Duy không hề đòi hỏi  bất cứ một điều kiện tài chánh nào. Một người bạn của anh sang Indonesia dạy học đã phải tự lo liệu tất cả từ nơi ăn chốn ở đến phương tiện di-chuyển, v.v… nhưng cô ta chấp nhận vì muốn truyền đạt kiến thức và lý tưởng của mình. 

Trở ngại chính là vấn đề chuyên môn và ít nhiều liên quan tới suy tư và cách thức truyền đạt tư tưởng. Như em biết, anh học sử với hoài bão liên quan tới chủ quyền quốc gia trên biển Nam Hải. Chuyên môn của anh không thích nghi mấy tại trường đại-học dân lập này. Hai môn học ‘hot’ nhất là Anh-ngữ và vi-tính vì bất cứ sinh viên nào cũng cần để có thể kiếm được một việc làm xứng đáng sau khi tốt nghiệp. 
   Anh ngần ngừ không muốn chấp nhận làm người dạy Anh-ngữ vì thứ nhất anh không có chuyên môn về linguistics, và hơn thế nữa anh không muốn hoài bão của mình sẽ mai một. Có lẽ anh sẽ phải đi tìm một nơi khác, gặp gỡ những người có chung một chí hướng và hoài bão như mình.
  Tình cờ anh gặp lại Loan và một nhóm bạn tại sân trường. Anh làm quen với nhóm người trẻ này và họ có vẻ thích thú khi biết anh mới từ Cali về. Vài người trong nhóm đang có ý định du học tại Hoa-Kỳ nên Thủy, một cô trong nhóm bạn, mời anh tham dự birthday party vào cuối tuần, và anh đã hứa là sẻ tới tham dự.
  Anh thấy lớp người trẻ bên này rất là năng động, và đặt trọng tâm vào vấn đề thành đạt ở đời. Thành đạt với họ là giầu sang và quyền thế. Có lẽ đây là một tư duy thích nghi ở một nước đang trên đà phát triển. Mọi người đều muốn thoát cảnh nghèo đói, chậm tiến, mong mỏi một đời sống thoải mái, ít lo lắng về môi sinh, về  xã hội như là các nước tây phương, nơi anh và Bé đang sinh sống.
  Lẽ dĩ nhiên ở đâu cũng có những điều trái ngược, và những gì anh đang tìm chắc là cũng hiện hữu ở một nơi nào đó mà anh sẽ gặp nếu cố gắng hết sức mình, và có được chút duyên, như anh đã gặp em một lần ở Cali để rồi thương nhớ em suốt đời.
  Hôm nay anh nói chuyện vơ vẩn hơi nhiều, em đừng giận nghe. À, anh mới thấy người ta bày bán các bộ đồ con gái Thượng. Anh muốn mua cho em một bộ vì anh nghĩ nếu em mặc bộ đồ sơn cước này đi dạo phố ở NY thì sẽ có trăm nghìn con mắt ngưỡng mộ. Dám không?  Thương nhớ em rất nhiều.

Anh Dũng

o0o

Đà-Lạt ngày … tháng … năm 2007
 
Bé yêu,
 
Hôm nay anh viết vội cho em vài hàng trước khi rời thành phố này. Anh chưa quyết định hẳn là sẽ trở về Đà-Lạt trong tương lai hay không vì như anh nói với em trong thư trước là có còn nhiều trở ngại phải vượt qua trước khi những người trẻ như anh có thể về đây góp một bàn tay.
 
Còn hơn tuần nữa mới phải trở lại Hoa-Kỳ nên anh sẽ đi từ đây ra Hà-Nội bằng đường bộ, như anh ‘Tây Ba Lô’ Nick mà anh gặp ở Sài Gòn. Anh sẽ ngừng lại tại các thành-phố lớn như Nha Trang, Đà Nẳng, Huế, Quảng Trị trrước khi tới Hà-Nội để trở về California.

Sẽ có nhiều phong cảnh cho anh ngắm nhìn, sẽ có nhiều cảnh đời cho anh quan sát, học hỏi, và chắc chắn sẽ có những nơi anh sẽ đi qua để rồi nhớ thương một đời, như rừng thông Đà Lạt cạnh ngôi nhà của họ Trần Đình.
   Uớc gì có em ở đây để chúng mình dắt tay nhau đi trên con đường mòn ven rừng. Em sinh ra ở đất nước người, nên có lẽ em chỉ biết đến VN như một địa danh, có chút cảm tình vì nguồn gốc chứ chưa chắc là đã thiết tha. Còn anh, dù đã sống ở bên Mỹ nhiều hơn là thời gian anh sống ở VN, mà sao anh vẫn thấy gắn bó với quê hương này. Anh biết có nhiều điều anh sẽ phải chấp nhận dù không hài lòng, và chắc đó cũng chỉ  là vấn đề thời gian mà thôi.
  Mấy hôm nay cơn sốt của em đã lui chưa? Mong em được bình yên, sớm trở lại trường, tung tăng bước chân chim, thủ thỉ với bạn bè (về anh ), và trước khi đi ngủ chắp tay cầu nguyện cho chúng mình. Người ta nói xa nhau thì tình sẽ phôi pha, out of sight out of mind, nhưng với anh thì càng xa cách nỗi nhớ càng đậm đà.  Mùa hè rực rỡ sắp đến với chúng mình, thay mùa đông giá buốt, để em yêu đời hơn, và để anh yêu em hơn.

Chỉ vài ngày nữa là anh về tới Cali. Anh sẽ gọi cho em ngay khi về tới nơi. Nhớ em rất nhiều.
   Anh Dũng

o0o


California ngày … tháng … năm 2007

Em yêu,

Hôm qua anh về tới nơi, ôm điện thoại gọi em liền, nghe em nói “Bé nhớ anh” gần như khóc, khiến anh thật bồi hồi. Bé biết anh còn mệt sau chuyến bay dài nên không cho anh nói nhiều, bắt anh đi ngủ để mai còn đi làm. Em yên lòng vì anh đã trở về bình yên, anh vui mừng nghe tiếng em sau gần 30 ngày xa cách, dù rằng chưa gặp được nhau nhưng chúng mình vẫn có nhau. Ít ra thì bây giờ chúng mình có thể gọi nhau bất cứ lúc nào, có thể thủ thỉ những lời thương nhớ mà không cần ngồi trước computer chờ email. Anh không phải viết cho em thường nữa, chỉ khi nào biết em đang có lớp mà anh chợt nhớ tới em thì anh sẽ ghi vội vài hàng, em chịu không?
  Anh suy nghĩ thật nhiều sau chuyến thăm VN vừa qua. Như em biết anh rất là thiết tha với quê nhà, yêu từng nẻo đường VN, nhưng có lẽ lúc này anh chưa đóng góp gì được như chú Duy hằng mong. Chú Duy đã làm xong bổn phận với gia đình, đã đạt được một vài mục tiêu của đời sống nên có thể về vui với những ngày tháng êm đềm ở bên đó, đóng góp ít nhiều cho tuổi trẻ, và không thắc mắc gì với những chuyện quanh mình. Anh chỉ mong chú có đầy đủ sức khoẻ và luôn luôn yêu đời.
  Anh không có được những điều kiện như chú Duy. Môn học nhân văn của anh không thích nghi với đời sống VN lúc này như môn khoa học thực dụng của chú. Anh còn thắc mắc về lý tưởng và hoài bão mà anh biết là không thể nào thực hiện được ở một môi trường như nơi chú Duy đang dạy học. Nhưng lý do chính đáng nhất là … em.
  Anh mồ côi từ khi còn thơ dại, và dù được chú Duy, được bố Ngụy thương yêu nâng đỡ, nhưng anh vẫn thiếu một tình thương cho đến khi anh gặp em. Anh biết rằng chúng mình sẽ không thể nào sống xa nhau. Em mới vào đại học, không thể nào theo anh đến góc biển chân trời, mà anh bỏ em lại sao đành. Thôi thì anh hãy gác lại những chuyện xa xôi, về sống gần em, vun sới tình yêu của chúng mình, đợi đến một ngày nào thích hợp cả hai đứa chúng mình sẽ cùng cất cánh tung bay, sống đời chúng mình thấy thích nghi, em nghĩ sao? Hơn thế nữa, anh biết là VN đang trên đà thay đổi, có lẽ vài năm nữa sự đóng góp của chúng mình sẽ dễ dàng và hữu hiệu hơn.
  Mai anh mới trở lại trường gặp giáo sư đỡ đầu đề chuẩn bị cho ngày bảo vệ luận án. Xa trường ít lâu anh cũng đã thấy nhớ, dù rằng không nhớ như là nhớ em. Bây giờ thì anh chỉ mong tới mùa hè để sang NY gặp em. Chúng mình sẽ đi với nhau tới chỗ em để dành riêng cho chúng mình, sẽ tung tăng suốt mùa hè, và suốt đời bên nhau, em có mong như thế không? Yêu em tới dại khờ.

  Anh Dũng

No comments:

Post a Comment