Bài 1. TÂM LÝ HỌC LÀ MỘT KHOA HỌC

Bài 1. TÂM LÝ HỌC LÀ MỘT KHOA HỌC
Các nội dung chính
 
 1. Sự hình thành tâm lý học
 2. Đối tượng nghiên cứu của tâm lý học
 3. Các phương pháp nghiên cứu của tâm lý học

1. Sự hình thành tâm lý học 
    Những thành tựu khoa học gần đây cho thấy con người hiện đại (người Neandertal) xuất hiện cách đây khoảng 100.000 năm . Về hình thái và tổ chức cơ thể con người đó giống với chúng ta ngày nay. Từ khi xuất hiện con người không ngừng khám phá thế giới xung quanh và khám phá chính bản thân mình. Và những tri thức đầu tiên về thế giới tinh thần của con người, có lẽ, xuất hiện khi con người bắt đầu nhận ra rằng nó khác biệt so với tất cả những gì xung quanh nó.
    Những lý giải về thế giới tinh thần của con người đã bắt đầu xuất hiện trong các nền văn minh cổ đại ở phương Đông cũng như ở phương Tây. Cuối thiên niên kỷ IV TCN trong sách “Thần học Memphis” của Ai Cập cổ đại đã viết rằng Chúa Ptakh sáng tạo mọi sự vật: “Chúa tạo ra khả năng nhìn của mắt, nghe của tai, hơi thở của mũi nhằm thông báo cho tim (cơ quan trung tâm của linh hồn)”. Người Ai Cập cổ đại đã lý giải quan hệ “ngoại biên – trung tâm”: ngoại biên gồm các cơ quan mắt, tai, mũi…; trung tâm – tim, ý thức (tâm lý), cho lời nói xuất phát từ tim. Họ đã nỗ lực tìm hiểu nguyên nhân của các hiện tượng đơn lẻ khi cho vai trò quan trọng thuộc về tuần hoàn: máu và không khí.
    Từ thế kỷ XV trước Công nguyên, trong tập kinh Upanishad người Ấn Độ cổ đã cố gắng lý giải bản tính con người. Upanishad cho rằng tinh thần thế giới (Brahman) là căn nguyên sáng tạo ra tất cả, là bản chất nội tại của vũ trụ và muôn vật. Tinh thần thế giới (Đại ngã) biểu hiện trong con người là linh hồn (gọi là Atman), hay cái ngã, cái tôi, Tiểu ngã. Upanishad cũng đề cập đến sự nhận thức của con người khi chia nhận thức thành hai trình độ: hạ trí – tri thức về những sự vật hiện tượng cụ thể và thượng trí – sự nhận thức vượt qua thế giới hữu hình.

    Phật giáo nhìn nhận con người là sự kết hợp các yếu tố được gọi là Dharma (Pháp). Khi con người xuất hiện tức lúc đó đã đủ nhân duyên để các yếu tố (ngũ uẩn – sắc, thọ, tưởng, hành, thức) kết hợp lại theo một trình tự nhất định. Khi hết duyên các yếu tố lại tan rã ra, và lúc đó cái chết sẽ đến.
    Thế kỷ VI TCN Khổng Tử (551- 479 TCN) đã bàn đến bản chất con người và con đường rèn luyện, phát huy bản chất đích thực của con người. Con người, theo Khổng Tử, có bản chất tốt đẹp, nhưng bị cuộc đời làm cho tha hóa. Ông đã xây dựng học thuyết giáo dục để trả lại cho con người bản chất tốt đẹp vốn có.
    Ở phương Tây, Heraclit (530-470 TCN) người Hy Lạp, đã chú ý đến mối quan hệ của con người với chính bản thân mình. Ông khẳng định “con người có thuộc tính nhận thức chính mình và suy nghĩ”. Hướng suy nghĩ này đã được kế tục trong suốt lịch sử phát triển của tâm lý học. Heraclit coi tự nhiên là một thể vật chất thống nhất, trọn vẹn, có sự sống; không tách rời “hồn” và vũ trụ. “Mọi vật là những hình thể của lửa, khởi đầu lửa trong cơ thể là tâm lý – Psyché”; “Người chồng say không biết đi đâu là do tâm lý của nó bị ướt”.
Democrit (460-370 TCN), một nhà tư tưởng Hy Lạp khác, nhìn nhận “linh hồn” là một dạng của vật thể, mang tính chất của cơ thể, do các “nguyên tử lửa” – các hạt tròn, nhẵn, vận động theo tốc độ nhanh nhất trong cơ thể, tạo ra. Ông cũng thừa nhận sự phức tạp, phong phú của đời sống tinh thần của con người: “Đi hết mọi nẻo đường chẳng thấy hết phạm vi của tâm hồn – quy luật của nó thật sâu sắc vô cùng”.
    Platon (437-347 TCN) coi tâm lý là cội nguồn của mọi sự tồn tại trên đời, lấy tâm hồn làm nguyên lý chủ đạo trong đời sống con người, coi tự ý thức là khả năng duy nhất giúp ta hiểu được ta.
    Một trong những đỉnh cao của tư duy khoa học cổ đại về tâm lý con người là cuốn “Bàn về tâm hồn” của Aristotle (384-322). Trong cuốn sách này Aristotle khẳng định vị trí của tâm lý học (“phải đặt tâm lý học lên một trong những vị trí hàng đầu”), nhìn nhận vai trò chủ thể của con người đối với tâm hồn (“nên nói: con người thông cảm,học tập, suy nghĩ bằng tâm hồn”). Aristotle xác định “tâm hồn” là những hiện tượng tâm lý có thực, những hiện tượng này cùng với cơ thể tạo thành tồn tại sống. Ông nhìn nhận thế giới tâm lý như một cấu trúc tập hợp xung quanh ý chí và ước muốn, đồng thời cũng nhấn mạnh vai trò của trí tuệ trong đời sống con người.
    Sự phát triển của các tư tưởng tâm lý học trong các thế kỷ tiếp theo được đánh dấu bởi các công trình nghiên cứu công phu của hàng loạt các tác giả. Có thể kể đến Ibn-Xina (980-1037), Ibn-Al-Haixam (965-1039), Ibn-Roshd (1126-1198) ở Arab thời Trung cổ; Phoma Akvinxki (1225-1274), Roger Bacon (1214-1292), Duns Scot (1265-1308), William Okkam (1300-1349) thời Trung cổ ở Châu Âu, Pompanattzi (1462-1525), Telezio (1509-1588), Homes Pereira (1500-1560), Hoan Uarte (1529-1592), Vezalia (1514-1564) thời Phục hưng, Decartes (1596-1650); Hobbs (1588-1679), Spinosa, Leibnits, J.Lock ở thế kỷ XVII, Cristian Volf (1679-1754), Tomas Rid (1710-1796), Lametri (1709-1751), Gelvetzzi (1715-1771), Didro (1713-1784), Cabanis (1757-1808), Radishev (1749-1802), Vicô (1668-1744), Monteskiơ (1689-1755), Condorse (1743-1794), Iogan Gerder (1744-1803) ở thế kỷ XVIII, Ch.Bell (1774-1842), F.Gall (1758-1828), Flúan (1794-1867), Gerbart (1774-1841) nửa đầu thế kỷ XIX. Những công trình nghiên cứu của các tác giả này đã tạo lập được một khối lượng đồ sộ các tri thức khoa học về tâm lý con người, phát triển các học thuyết về tâm hồn và cho phép tâm lý học dần thoát ra ngoài khuôn khổ của Triết học và Y học, đặt nền móng cho sự ra đời của tâm lý học như một khoa học độc lập về sau.
    Thế kỷ XIX giữ một vị trí đặc biệt trong lịch sử tâm lý học. Chính sự phát triển của các khoa học liên quan đã tạo tiền đề cho sự nảy sinh tâm lý học với tư cách một khoa học độc lập. Trước hết phải kể đến những tiền đề triết học trong Thực chứng luận của Ogust Kont (1798-1857), Chủ nghĩa phi lý và Ý chí luận của A.Shopengauer (1788-1860), Chủ nghĩa duy vật tầm thường (thông tục) Đức với các tên tuổi như Fost (1817-1895); Moleshott (1822-1893); Bukhner (1824-1899); Sholbe (1819-1873), Học thuyết duy vật của các nhà dân chủ cách mạng Nga như V.G.Belinxkij (1811-1848); A.I.Gertsen (1812-1870); N.A.Dobraljubov (1836-1861); Trernưshepxkij (1828-1889), Học thuyết biện chứng của G.F.Hegel (1770-1831). Những tiền đề khoa học tự nhiên cho sự ra đời của tâm lý học như một khoa học độc lập là Tâm lý học liên tưởng của J.Mill (1806-1873), Học thuyết phản xạ với vai trò điều khiển của tâm lý của E.Pjluger (1829-1910), Tâm sinh lý học các giác quan của H.Helmholzer (1821-1894) và I.Muller (1801-1858), Tâm vật lý học của G. Fesner (1801-1887) và E. Veber (1795-1878), nghiên cứu thời gian phản ứng của Helmholzer và F. Donders (1818-1889). Cũng phải kể đến ảnh hưởng của Thuyết tiến hóa của C.Darwin (1809-1882), Tâm lý học phát sinh của F.Galton (1822-1911), Tâm thần học của Sacco (1825-1893).
    Năm 1879 tại Đại học Tổng hợp Lai-Xich, Đức, V.Wundt (1832-1920) sáng lập ra phòng thí nghiệm tâm lý học đầu tiên trên thế giới và một năm sau phòng thí nghiệm này trở thành Viện tâm lý học đầu tiên trên thế giới, xuất bản Tạp chí tâm lý học đầu tiên. Sự kiện này đánh dấu một bước trưởng thành quan trọng của tâm lý học:
1) khẳng định được đối tượng nghiên cứu;
2) hình thành đội ngũ nghiên cứu;
3) hình thành phương pháp nghiên cứu;
4) xây dựng được các phương tiện nghiên cứu;
5) phổ biến thông tin khoa học;
6) khẳng định ý nghĩa lý luận và thực tiễn của các công trình nghiên cứu. Các nhà nghiên cứu lịch sử tâm lý học sau này thống nhất lấy năm 1879 làm thời điểm ra đời của tâm lý học như một khoa học độc lập.
    Hướng nghiên cứu của V.Wundt sau này được phát triển với tên gọi là chủ nghĩa cấu trúc và được phát triển mạnh ở Mỹ trong suốt nửa thế kỷ sau đó. Cùng với chủ nghĩa cấu trúc hàng loạt các hướng nghiên cứu khác cũng được định hình. Đó là Thuyết chức năng, Thuyết hành vi ở Mỹ, Phân tâm học ở Viên, Thuyết phản xạ ở Nga, Thuyết văn hóa xã hội ở Liên Xô… Vào những năm 30 của thế kỷ XX một trào lưu mới của tâm lý học ra đời với việc định hướng vào chủ nghĩa Marx. Trào lưu này đầu tiên xuất hiện ở Liên-Xô và gắn liền với tên tuổi của L.X.Vưgotxki (1896-1934), X.L.Rubinstein (1902-1960), A.N.Leontiev (1903-1979), A.R.Luria (1902-1977)… Trào lưu tâm lý học này lấy triết học Mac-Lenin làm cơ sở phương pháp luận, hướng đến xây dựng nền tâm lý học lịch sử người. Trong nghiên cứu các nhà tâm lý học lấy hoạt động làm khái niệm then chốt, làm mô hình lý giải, điều khiển, hình thành tâm lý; coi tâm lý là sự phản ánh thế giới khách quan vào não thông qua hoạt động. Tâm lý học được nhìn nhận là khoa học về cơ chế nảy sinh, hình thành và vận hành của thế giới tâm lý. Trào lưu này về sau được thừa nhận rộng rãi trên thế giới và được biết với tên gọi Tâm lý học mác-xit hay Tâm lý học hoạt động.
    Trong hệ thống tri thức khoa học của nhân loại ngày nay tâm lý học có vị trí của một khoa học độc lập. Tâm lý học hiện đại có cấu trúc phức tạp bao gồm các lĩnh vực nền tảng như Tâm lý học đại cương, Tâm lý học sai biệt, Lịch sử tâm lý học, Tâm lý học phát triển, Tâm lý học nhân cách, Tâm-sinh lý học và các chuyên ngành ứng dụng như Tâm lý học xã hội, Tâm lý học sư phạm, Tâm lý học kỹ sư, Tâm lý học trị liệu… với nhiệm vụ thực tiễn trung tâm là nhân văn hóa tồn tại người.
    Ở Việt Nam, những tư tưởng tâm lý học tiền khoa học có thể tìm thấy trong hàng loạt tư tưởng đạo đức, tôn giáo hay giáo dục dân gian, trong ca dao, tục ngữ… Tâm lý học khoa học xuất hiện muộn hơn rất nhiều. Tâm lý học lúc đầu chỉ xuất hiện với tính cách một môn học trong trường trung học chuyên khoa (trường Trung học phổ thông ngày nay) và trường Cao đẳng sư phạm thời Pháp thuộc. Chương trình và sách giáo khoa lúc đó thể hiện nền tâm lý học nhị nguyên, duy tâm, nội quan. Tinh thần này cũng là chủ đạo trong các sách giáo khoa xuất bản ở miền Nam Việt Nam trước 1975. Nền tâm lý học ngày nay của Việt Nam được xây dựng trên cơ sở học tập nền tâm lý học xô-viết, Tâm lý học mác-xit. Viên gạch đầu tiên của nền tâm lý học mới là Tổ tâm lý học thuộc trường Đại học Sư phạm Hà Nội, hình thành năm 1958. Sau hơn 50 năm phát triển tâm lý học Việt Nam đã có những thành tựu đáng kể đóng góp vào sự nghiệp cách mạng của đất nước, dần dần hình thành rõ nét hơn với tư cách một bộ phận của nền khoa học dân tộc.

2. Đối tượng nghiên cứu của tâm lý học 
    Tâm lý học có một điểm khác biệt lớn so với các khoa học khác. Đó là, với tư cách hệ thống những tri thức được kiểm nghiệm, chỉ một số người, chủ yếu là những người nghiên cứu chuyên sâu tâm lý học, biết về nó. Đồng thời, với tư cách hệ thống những hiện tượng trong cuộc sống thực của con người, hầu như ai cũng quen thuộc với tâm lý học. Ai cũng có thể tự nhận ra hay nhận ra ở người khác các hiện tượng tâm lý cơ bản như cảm giác, trí nhớ, biểu tượng, cảm xúc…
    Thuật ngữ tâm lý học xuất hiện khá muộn trong lịch sử phát triển của tâm lý học – chỉ vào thế kỷ XVI. Đầu tiên nó được dùng để chỉ một khoa học đặc biệt chuyên nghiên cứu các hiện tượng tinh thần hay các hiện tượng tâm lý, tức các hiện tượng mà con người có thể dễ dàng nhận ra trong ý thức của mình nhờ tự quan sát. Sau này, trong thế kỷ XVII-XIX lĩnh vực nghiên cứu của các nhà tâm lý học được mở rộng ra, bao gồm cả các quá trình tâm lý mà con người không ý thức được (các quá trình vô thức) và hoạt động của con người. Sang thế kỷ XX các nghiên cứu tâm lý học đã vượt ra ngoài khuôn khổ những hiện tượng mà tâm lý học trong hàng thế kỷ đã tập trung vào. Tên gọi tâm lý học với nghĩa ban đầu là khoa học nghiên cứu các hiện tượng ý thức chủ quan, được cảm nhận và trải nghiệm trực tiếp bởi con người đã trở nên quá hẹp. Tuy nhiên theo truyền thống nghiên cứu hàng ngàn năm tên gọi tâm lý học vẫn được giữ lại cho đến ngày nay.
    Bắt đầu từ thế kỷ XIX tâm lý học đã trở thành một khoa học độc lập, một khoa học thực nghiệm. Vậy đối tượng nghiên cứu của tâm lý học hiện đại là gì? Tâm lý học, trước hết, nghiên cứu tâm lý con người và động vật, bao gồm nhiều loại hiện tượng chủ quan.
    Thông qua cảm giác, tri giác, trí nhớ, tư duy, tưởng tưởng, ngôn ngữ… con người nhận biết thế giới. Do đó, các hiện tượng tâm lý này được gọi là các quá trình nhận thức. Những hiện tượng khác điều khiển giao tiếp, hành vi của con người – chúng được gọi là các thuộc tính tâm lý và trạng thái tâm lý – đó là nhu cầu, động cơ, mục đích, ý chí, tình cảm, năng lực… Các quá trình tâm lý thường diễn ra trong thời gian tương đối ngắn, có mở đầu, diễn biến, kết thúc tương đối rõ ràng. Các trạng thái tâm lý diễn ra trong thời gian tương đối dài, mở đầu và kết thúc không rõ ràng, thường làm nền cho các hiện tượng tâm lý khác. Các thuộc tính tâm lý tương đối ổn định, bền vững, tạo thành những nét riêng của nhân cách và biểu hiện ra ngoài thông qua các quá trình và trạng thái tâm lý. Ngoài ra, tâm lý học còn nghiên cứu giao tiếp và hành vi của con người, sự phụ thuộc của giao tiếp và hành vi vào các hiện tượng tâm lý, và ngược lại sự phụ thuộc của quá trình hình thành các hiện tượng tâm lý vào giao tiếp và hành vi.
    Con người không chỉ nhận thức thế giới, nó sống và hành động trong thế giới, sáng tạo ra các sản phẩm vật chất và tinh thần thỏa mãn các nhu cầu của nó và của xã hội, thực hiện các hành vi khác nhau. Để hiểu và lý giải hành vi của con người tâm lý học sử dụng khái niệm nhân cách.
    Khó có thể hiểu các quá trình, trạng thái, thuộc tính tâm lý đặc biệt là các biểu hiện bậc cao của chúng nếu không xem xét chúng trong mối quan hệ với điều kiện sống của con người, với cách mà con người tổ chức sự tương tác với tự nhiên và xã hội. Giao tiếp và hoạt động, do đó cũng là đối tượng nghiên cứu của tâm lý học.
    Các quá trình, thuộc tính, trạng thái tâm lý của con người, hoạt động và giao tiếp của con người được phân tách để nghiên cứu, tuy nhiên trên thực tế chúng liên hệ chặt chẽ với nhau tạo thành một thể thống nhất gọi là hoạt động sống của con người.
    Trong khi nghiên cứu tâm lý và hành vi của con người các nhà nghiên cứu tìm kiếm sự lý giải, một mặt, trong bản chất sinh học của con người, mặt khác, trong vốn kinh nghiệm cá nhân, và ở mặt thứ ba – trong các quy luật xã hội. Ở mặt thứ ba này các nghiên cứu tập trung vào sự phụ thuộc của tâm lý và hành vi vào địa vị của con người trong xã hội, hệ thống xã hội đang tồn tại, phương pháp giáo dục, các quan hệ cụ thể của con người với những người khác, vai trò xã hội của cá nhân, loại hình hoạt động mà cá nhân trực tiếp tham gia.
   Ngoài các hiện tượng tâm lý cá nhân, tâm lý học còn nghiên cứu mối quan hệ giữa con người trong các cộng đồng khác nhau – nhóm lớn và nhóm nhỏ, trong các tập thể.
Có thể tóm tắt phạm vi các hiện tượng mà tâm lý học hiện đại nghiên cứu trong sơ đồ dưới đây (xem sơ đồ 1).

Sơ đồ 1 thể hiện những khái niệm cơ bản sử dụng để xác định các hiện tượng được nghiên cứu trong tâm lý học. Các hiện tượng này được liệt kê trong bảng 1. Trong bảng này có thể thấy nhiều hiện tượng khó có thể chỉ xếp vào một ô duy nhất. Chúng có thể là hiện tượng cá nhân hoặc nhóm, có thể là quá trình hay trạng thái. Do vậy, một số hiện tượng sẽ lặp lại ở các ô trong bảng.
STT Loại hiện tượng
 Khái niệm biểu đạt hiện tượng tâm lý
  1Các quá trình: cá nhân, bên trong (tâm lý)
Tri giác, tưởng tượng, ghi nhớ, tái hiện, quên, tâm vận động, insight, nội quan, tạo động cơ, tư duy, học, khái quát, cảm giác, trí nhớ, nhân cách hóa, ôn lại, biểu tượng hóa, thích nghi, quyết định, phản tỉnh, lời nói, tự tích cực hóa, tự kỷ ám thị, tự quan sát, tự kiểm tra, tự xác định, sáng tạo, nhận biết, suy đoán, lĩnh hội.
2Các trạng thái: cá nhân, bên trong (tâm lý)
Thích ứng, xúc động, ham muốn, chú ý, kích động, ảo giác, thôi miên, mong muốn, hứng thú, tình yêu, buồn rầu, ý định, sự căng thẳng, tâm trạng, hình ảnh, chú ý, nhu cầu, đam mê, thiên hướng, tự chủ, tự tích cực, stress, ngượng, lo sợ, tin tưởng, mệt mỏi, mức kỳ vọng.
3Các thuộc tính: cá nhân, bên trong (tâm lý)
Ảo ảnh, tính ổn định, ý chí, tư chất, tính cá thể, mặc cảm, nhân cách, sự thiên phú, thành kiến, khả năng làm việc, sự quyết đoán, lương tâm, tính bình thản, tính cách.
4Các quá trình: cá nhân, bên ngoài (hành vi)Hành động, hoạt động, cử chỉ, trò chơi, imprinting, nét mặt, kỹ xảo, bắt chước, hành vi, phản ứng, luyện tập
5Các trạng thái: cá nhân, bên ngoài (hành vi)Sẵn sàng, hứng thú, định hướng
6Các thuộc tính: cá nhân, bên ngoài (hành vi)Uy tín, tính bền bỉ, tính tổ chức, yêu lao động, tính cách, tính quá khích, trọng danh dự, vị kỷ.
7
Các quá trình: nhóm, bên trong
Đồng nhất, giao lưu, tuân thủ, tri giác liên nhân cách, quan hệ liên nhân cách, hình thành chuẩn mực nhóm.
8Các trạng thái: nhóm, bên trongMâu thuẫn, đoàn kết, phân nhóm, không khí tâm lý.
9Các thuộc tính: nhóm, bên trongHòa hợp, kiểu lãnh đạo, cạnh tranh, hợp tác, hiệu quả hoạt động nhóm
10Các quá trình: nhóm, bên ngoàiCác quan hệ liên nhóm
11Các trạng thái: nhóm, bên ngoàiHoảng loạn, tính mở, đóng của nhóm
12Các thuộc tính: nhóm, bên ngoàiTính tổ chức
Sơ đồ 1

3. Các phương pháp nghiên cứu của tâm lý học 
    Phương pháp nghiên cứu khoa học là những cách thức mà nhà khoa học sử dụng để thu thập những chứng cứ đáng tin cậy cho việc xây dựng các học thuyết và đưa ra các chỉ dẫn thực tiễn. Sức mạnh của khoa học phụ thuộc nhiều vào sự hoàn thiện của các phương pháp nghiên cứu. Đối với tâm lý học, để nghiên cứu những hiện tượng vô cùng phức tạp và đa dạng, các nhà khoa học trong hàng thế kỷ đã sáng tạo và thích ứng phương pháp của nhiều khoa học khác nhau. Đó là phương pháp của triết học và xã hội học, toán học và vật lý học, sinh học và y học, sinh lý học và lịch sử, tin học và điều khiển học…
    Trước giữa thế kỷ XIX phương pháp chủ yếu của tâm lý học là tự quan sát (nội quan), tư biện, quan sát. Các kết luận khoa học do vậy mang nặng tính chủ quan. Nhờ việc sử dụng các phương pháp của khoa học tự nhiên và khoa học chính xác vào nửa sau của thế kỷ XIX tâm lý học đã tách ra thành một khoa học độc lập và phát triển mạnh mẽ. Ngày nay xu thế chung của sự phát triển các phương pháp của tâm lý học là toán học hóa và kỹ thuật hóa đan xen với việc sử dụng các phương pháp truyền thống.
    Người ta phân biệt các phương pháp tổ chức nghiên cứu và các phương pháp thu thập dữ kiện thực tế. Các phương pháp tổ chức nghiên cứu bao gồm:
  1) phương pháp bổ dọc - dùng nghiên cứu ảnh hưởng của các điều kiện khác nhau lên một loại hiện tượng tâm lý, bảo đảm tốt nhất nguyên tắc phát triển;
 
  2) phương pháp cắt ngang-so sánh – sử dụng để nghiên cứu nhiều khách thể cùng một lúc;
 
  3) phương pháp phức hợp, liên ngành dùng nghiên cứu các hiện tượng đặc biệt phức tạp, đòi hỏi sự hợp tác của nhiều ngành khoa học. Các phương pháp thu thập tài liệu thực tế là nhóm phương pháp đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của khoa học tâm lý. Các phương pháp này và những biến thể của nó được thể hiện ở bảng 2.
    Quan sát là tri giác có chủ định nhằm xác định các đặc điểm của đối tượng qua những biểu hiện bên ngoài của nó. Trong nghiên cứu tâm lý học nhà nghiên cứu có thể quan sát ngôn ngữ, cử chỉ, hành vi, nét mặt… của người khác để từ đó đưa ra các nhận định. Tự quan sát được sử dụng khi nhà nghiên cứu muốn xem xét hiện tượng ở hình thức trải nghiệm trực tiếp. Quan sát tự do không đòi hỏi một chương trình và trình tự đặt trước, có thể thay đổi khách thể và tính chất quan sát tùy thuộc vào nhà nghiên cứu. Quan sát tiêu chuẩn, ngược lại, được tiến hành theo trình tự nghiêm ngặt được xác định từ trước. Trong quan sát tham dự (thường sử dụng trong tâm lý học sư phạm và tâm lý học xã hội) nhà nghiên cứu đóng vai trò của một thành viên tham gia trực tiếp vào quá trình hay sự kiện mà anh ta nghiên cứu. Quan sát không tham dự không đòi hỏi nhà nghiên cứu tham gia vào sự kiện. Ưu thế lớn nhất của quan sát là cho phép thu thập được tài liệu khách quan, cụ thể trong các điều kiện tự nhiên của hành vi của con người. Tuy nhiên các dữ kiện thu thập được có thể bị ảnh hưởng mạnh bởi quan điểm chủ quan của nhà nghiên cứu. Do vậy, các dữ kiện thu thập bằng quan sát luôn cần được kiểm tra về độ tin cậy và tính chân thực.
Bảng 2. Các phương pháp thu thập tài liệu thực tế
STT Loại hiện tượng
 Khái niệm biểu đạt hiện tượng tâm lý
  1   Phương pháp cơ bản
Các biến thể của phương pháp chính
2   Quan sát
 
Bên ngoài (từ bên ngoài)
Bên trong (tự quan sát)
Tự do
Tiêu chuẩn
Tham dự
Không tham dự
3   Điều traNói
Viết
Tự do
Tiêu chuẩn
4   Test (trắc nghiệm)Test-bản khai
Test-bài tập (ảnh)
Test phóng ngoại (ảnh)
5   Thực nghiệmTự nhiên
       - nhận định
       - hình thành
Trong phòng thí nghiệm
 
6   Mô hình hóaToán học
Logich
Kỹ thuật
Cybernetics
7   Phân tích sản phẩm hoạt động 
8   Nghiên cứu tiểu sử cá nhân 
 
   Điều tra là phương pháp nghiên cứu xây dựng trên việc thu thập và phân tích các chỉ báo bằng lời, tức là dựa trên việc nêu và trả lời các câu hỏi. Điều tra có một số biến thể. Điều tra nói sử dụng khi nhà nghiên cứu muốn quan sát hành vi và phản ứng của người trả lời. Điều tra nói cho phép nghiên cứu sâu tâm lý con người nhưng đòi hỏi nhà nghiên cứu phải được đào tạo chuyên sâu. Ngoài ra, các kết quả thu được phụ thuộc nhiều vào nhà nghiên cứu, vào người trả lời và khung cảnh tiến hành điều tra. Điều tra viết cho phép tiến hành với một số lượng lớn khách thể. Hình thức phổ biến nhất của điều tra viết là trưng cầu ý kiến. Tuy nhiên điều tra viết lại không thu thập được dữ kiện về phản ứng của người trả lời. Điều tra tự do (viết và nói) không giới hạn danh mục các câu hỏi, thứ tự và phương án trả lời các câu hỏi. Nó cho phép thay đổi chiến thuật nghiên cứu. Điều tra tiêu chuẩn, ngược lại, giới hạn về danh mục các câu hỏi, thứ tự và phương án trả lời các câu hỏi. Điều tra tiêu chuẩn, đặc biệt điều tra tiêu chuẩn viết, tiết kiệm về thời gian và kinh phí hơn so với điều tra tự do.
    Trắc nghiệm là phương pháp chuyên biệt hóa của nghiên cứu chẩn đoán tâm lý. Trắc nghiệm, về bản chất, là một phép đo đã được chuẩn hóa dùng xác định sự có mặt hay không của một thuộc tính nhất định của hiện tượng cần nghiên cứu. Trắc nghiệm cho phép thu thập được những đặc tính định lượng và định tính chính xác của hiện tượng. Việc sử dụng trắc nghiệm đòi hỏi phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình thu thập và xử lý số liệu, quy trình lý giải dữ kiện thực tế. Sử dụng trắc nghiệm có thể nghiên cứu và so sánh tâm lý của những người khác nhau, đưa ra các đánh giá sai biệt và so sánh. Trắc nghiệm có một số biến thể chính là trắc nghiệm bài tập, trắc nghiệm bản khai và trắc nghiệm phóng ngoại. Ưu điểm cơ bản của trắc nghiệm là tiến hành nhanh, tương đối đơn giản, có khả năng lượng hóa và chuẩn hóa chỉ tiêu tâm lý cần đo. Tuy nhiên trắc nghiệm chủ yếu cho ta biết kết quả, ít bộc lộ quá trình đi đến kết quả, và rất khó khăn khi soạn thảo một bộ trắc nghiệm tiêu chuẩn.
    Thực nghiệm là phương pháp nghiên cứu trong đó nhà nghiên cứu tác động vào đối tượng một cách chủ động, trong những điều kiện đã được khống chế, để gây ra và thu thập ở đối tượng những biểu hiện về quan hệ nhân quả, tính quy luật, cơ cấu, cơ chế của chúng. Ưu điểm lớn nhất của phương pháp thực nghiệm là nó cho phép khẳng định quan hệ nhân quả giữa các hiện tượng được nghiên cứu, lý giải một cách khoa học nguồn gốc và sự phát triển của hiện tượng. Tuy nhiên, để thực hiện được một thực nghiệm tâm lý học theo đúng những yêu cầu khoa học nghiêm ngặt là một điều không dễ dàng, chưa kể, do những lý do về đạo đức và luật pháp, không phải mọi vấn đề có thể đem ra thực nghiệm. Người ta phân biệt hai dạng thực nghiệm chính – thực nghiệm tự nhiên và thực nghiệm trong phòng thí nghiệm. Hai dạng này khác nhau ở chỗ việc nghiên cứu được tiến hành trong những điều kiện gần hay khác lạ (nhân tạo) so với hiện thực. Ưu thế của thực nghiệm tự nhiên là ở tính gần gũi hiện thực còn ưu thế của thực nghiệm trong phòng thí nghiệm là sự chính xác. Thực nghiệm còn được phân loại thành thực nghiệm nhận định và thực nghiệm hình thành – tùy theo mục đích của chúng.
    Mô hình hóa với tư cách phương pháp nghiên cứu được sử dụng khi việc nghiên cứu bằng các phương pháp thông thường như quan sát, điều tra, thực nghiệm… khó hoặc không thể thực hiện được. Khi đó người ta sẽ xây dựng mô hình nhân tạo của hiện tượng cần nghiên cứu với các phương diện và tính chất tương đồng với hiện tượng thực. Việc nghiên cứu được thực hiện trên mô hình nhân tạo này. Mô hình có thể là mô hình kỹ thuật, mô hình logic, mô hình toán hay mô hình điều khiển học. Ngày nay với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin và máy tính các mô hình điều khiển học đang trở nên phổ biến trong việc nghiên cứu tâm lý con người.
    Phân tích sản phẩm hoạt động là phương pháp dựa vào các kết quả, sản phẩm (vật chất hay tinh thần) của hoạt động của con người để nghiên cứu về tâm người làm ra sản phẩm đó. Những sản phẩm hoạt động có thể là tranh vẽ, các bộ sưu tập, bài viết... Trong sản phẩm hoạt động của con người luôn chứa đựng “vết tích” của tâm lý, ý thức, nhân cách – nó phản ánh tâm tư, tình cảm, đam mê, khả năng và những tố chất... của con người. Phân tích sản phẩm hoạt động có thể làm “sống lại” những yếu tố tâm lý “lắng đọng” trong sản phẩm ấy. Tuy nhiên, khi sử dụng phương pháp này cần lưu ý – các kết quả hoạt động phải được xem xét trong mối liên hệ với những điều kiện tiến hành hoạt động. Việc phân tích phải chú trọng đến không chỉ sản phẩm mà còn cả quá trình làm ra sản phẩm. Đồng thời, hoạt động mà sản phẩm của nó được đưa ra nghiên cứu, phải là loại hình hoạt động đặc trưng đối với hiện tượng tâm lý định xem xét.
    Nghiên cứu tiểu sử cá nhân là phương pháp thu thập dữ kiện thực tế dựa trên việc phân tích tiểu sử cá nhân – toàn bộ cuộc sống của con người từ khi sinh ra. Việc nghiên cứu còn có thể được tiến hành ở những giai đoạn sớm hơn – liên quan đến tiểu sử gia đình, dòng họ. Cách nghiên cứu này đã thể hiện nhiều ưu thế trong việc nghiên cứu hành vi trong những hoàn cảnh sống thực. Ưu điểm của phương pháp này là ở chỗ nó cho phép tính đến toàn bộ tính phức tạp và đôi khi mâu thuẫn của những nét cá biệt của cá nhân, và chính đây là điểm khác biệt với các phương pháp nghiên cứu khác. Thêm nữa, phương pháp này là duy nhất thích hợp cho việc nghiên cứu những biểu hiện đặc thù của một hiện tượng nào đó. Nhược điểm chủ yếu của phương pháp nghiên cứu này là ở chỗ nhà nghiên cứu không bao giờ có thể hoàn toàn tin tưởng được rằng sự tương quan mình xác lập có mang tính nhân-quả không, bởi lẽ nhà nghiên cứu không thể kiểm soát được những yếu tố mà ảnh hưởng của nó đến sự kiện được quan sát hay kết quả của nó là hoàn toàn có thể, và do đó luôn tồn tại sắc xuất rằng trong thực tế nguyên nhân của hiện tượng là hoàn toàn khác cái mà nhà nghiên cứu nghĩ. Thứ hai, do lẽ trong cách tiếp cận này chỉ có một cá nhân được nghiên cứu nên khả năng đưa ra những kết luận khái quát bị hạn chế.
    Tâm lý học cũng sử dụng rộng rãi các phương pháp xử lý và phân tích dữ kiện thực tế thu thập được. Đó là các phương pháp thống kê toán học, và các phương pháp phân tích định tính.
    Nghiên cứu khoa học nói chung, nghiên cứu tâm lý học nói riêng, đòi hỏi việc tuân thủ nghiêm ngặt quy trình nghiên cứu. Các giai đoạn tiến hành một nghiên cứu tâm lý học bao gồm các bước: 1) chuẩn bị - xác định đối tượng, nghiên cứu tài liệu, xây dựng giả thuyết; 2) xây dựng phương pháp nghiên cứu - phương pháp tổ chức, thu thập tài liệu, phương tiện, điều kiện tiến hành; 3) thu thập số liệu; và 4) phân tích kết quả.
    Các phương pháp nghiên cứu của tâm lý học rất phong phú. Mỗi phương pháp có những thế mạnh và hạn chế nhất định. Để việc nghiên cứu đảm bảo tính khách quan và chân thực đòi hỏi phải sử dụng các phương pháp thích hợp với vấn đề nghiên cứu, sử dụng đồng bộ, phối hợp các phương pháp để đảm bảo nghiên cứu khách quan và toàn diện. Thông thường, trong một nghiên cứu tâm lý học người ta không bao giờ chỉ sử dụng duy nhất một phương pháp, mà luôn sử dụng một loạt các phương pháp khác nhau nhằm bổ sung cho nhau cũng như kiểm chứng độ tin cậy lẫn nhau.
(1) Trái đất có tuổi khoảng 5 tỷ năm, đại dương – 2 tỷ năm, sự sống – 1,5 đến 2 tỷ năm, cơ thể đơn bào – 1 tỷ năm, cơ thể đa bào – 600 triệu năm, động vật có xương sống – 320-210 triệu năm, họ khỉ - 59 triệu năm, người vượn Otrapitec – 1 triệu năm, người vượn Bắc Kinh – 700-500 ngàn năm.

(2) Upanishad là một trong các tập của Veda – tác phẩm văn học bao gồm những tập thơ phản ánh sinh hoạt và tín ngưỡng của người Ấn Độ thời kỳ Veda bắt đầu từ tk. XV TCN – khi dân du mục Arya ở phía bắc Ấn Độ tràn vào khu vực của người bản địa Dravida

No comments:

Post a Comment