Dẫu Lìa Ngó

Dẫu Lìa Ngó Ý

(Dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng. Kiều - Nguyễn Du)

      Lâm vẫn trở về Sài Gòn thường, nhưng lâu nay Lâm hay la cà ở quán rượu ngoài đầu ngõ hơn là ở nhà. Nhiều lần Lâm nhủ thầm chẳng biết mình về đây làm gì. Thành phố năm 2005 ồn ào, toàn người xa lạ, đi ngoài đường chỉ thấy xe và bụi, chẳng còn một chút gì để nhớ. Thế nhưng San Diego, nơi Lâm sống hơn nửa đời người, vẫn là nơi xa lạ. Hàng ngày đi làm về Lâm mệt mỏi nhìn ra biển, lại mong có dịp để trở về chỗ thân quen, nơi sinh ra và lớn lên.

      Hai Tòng chủ quán nhe răng cười khi thấy Lâm thất thểu leo lên chiếc ghế cao cạnh bar rượu:
      -     Như mọi lần?
      Lâm gật gù:
      -     Ừ. Cho tôi ly Tequila.
      Hai Tòng vửa rót rượu vừa hỏi cho có chuyện:
      -     Công việc ở bển  saoVẫn OK chứ?
      Lâm thở ra:
      -     Cái nghề điện tử của tôi dạo này cũng bị ảnh hưởng vì kinh tế Mỹ trì trệ, nhưng tôi OK. Chỉ có cái là mệt thấy mẹ. Tôi cảm thấy mình già rồi!
      Hai Tòng cười hềnh hệch:
      -     Chúa ơi. Già như ông thế nhưng không có gái là vẫn không xong!
      Lâm cũng nhe răng cười buồn:
      -     Mấy con nhỏ hôm nay đâu hết?
      Hai Tòng hất hàm về một góc tối:
      -     Đó. Con Phấn và con Lành đang quấn lấy thằng thủy thủ kia kìa. Thằng đó chịu chơi lắm, nói chuyện có duyên và chi tiền rộng rãi. Nó cũng ở bên Cali  như ông nhưng ngon hơn, đi biển mút mùa, lâu lâu tàu nó cặp bến Nhà Rồng là nó bò tới đây.  
      -     Mẹ kiếp! Nó chỉ được cái trắng hơn tôi!
      -     Ông cũng thích hai con nhỏ đó hả?
      Lâm lắc đầu ngao ngán:
      -     Tôi không thích mua rượu cho chúng nó uống để ngồi nói chuyện suông!
      -     Tôi biết. Hai đứa đó là sinh viên, chúng nó tới đây kiếm thêm tiền đóng học phí, chỉ ngồi uống rượu và nói chuyện với khách để ăn hoa hồng chứ không ‘đi khứa’. Mấy đứa khác đang chui trong phòng ngồi tán dóc. Giờ này còn sớm chưa có khách. Để tôi gọi con Ngân cho ông.
      Lâm xua tay phản đối:
      -     Xin lỗi ông! Con đó trơ trẽn lắm. Chưa vào trong phòng đã cởi quần. Ông đã đuổi nó đi vì nó hỗn với khách sao bây giờ nó lại vác mặt về đây?
      -     Ờ ờ. Nó xin lỗi rồi. Không chịu nó thì con Chinh vậy nhé?
      Lâm gãi đầu:
      -     Tôi thích big boob, nhưng con đó hôi lắm, ăn nói tùm lum, văng nước miếng và hay cằn nhằn những đứa chậm chạp như tôi.
      -     Ông khó tính thấy mẹ! Còn con Túy. Sao, chịu không?
      Lâm thở dài cúi đầu:
      -     Thôi, hôm nay tôi không hứng thú gì cả. Tôi thích con Túy và đã ‘đi’ với nó một vài lần. Nó ở trong ngõ nhà chúng mình. Thấy nó bị đời đá lên đá xuống, lúc nào cũng sụt sùi than thở nên tôi thương hại an ủi nó mỗi khi có dịp, thế nhưng mới đây nó trở chứng, gây hấn tùm lum trong ngõ. Đàn bà lắm điều tôi không dám lại gần.
      Hai Tòng nhún vai:
      -     Chúng nó đáng ghét nhưng cũng đáng thương vì đời tư đứa nào cũng có vấn đề. Mà ông tới đây vui chơi hay là muốn làm thày tu giảng đạo?
      Lâm cười buồn:
      -     Ông nói cũng đúng, nhưng càng ngày tôi càng chán cái xứ này. Chắc tôi chẳng thèm về nữa.
      -     Sống độc thân suốt đời như vậy chán là phải. Lấy vợ đi!
      -     Lang bạt như tôi, ai thèm lấy. Chắc đi luôn quá.
      Hai Tòng trầm ngâm:
      -     Ông đọc John Steinback chưa?
      -     Cái gì? Tôi chữ nghĩa đâu mà đọc! Ông nói chuyện cổ tích gì vậy?
      -     Nói ông nghe. Ông ta viết về một lão già Mexican khi sắp chết tìm về quả đồi nơi lão ta sinh ra. Nơi ấy bây giờ người ta xây biệt thự cho bọn nhà giàu ở. Họ đuổi lão ta đi nhưng lão ta cứ nhất định ở lại để chết ở đó. Tên tập truyện hình như là ‘Red Pony’. Lâu ngày quá tôi cũng không còn nhớ hết. Những người như ông, dù có bôn ba rồi cũng tìm về nguồn. Ông không bỏ được xứ này đâu!
      Lâm cúi đầu thở dài:
      -     Tôi không biết. Rót cho tôi ly nữa đi.
      Hai Tòng cầm chai rượu rót vào ly cho Lâm:
      -     Quên đi cuộc đời buồn. Ly này, ờ tiếng Mỹ nói sao nhỉ? À, ‘on the house’!
      -     OK. Cám ơn. Này ông Tòng, tại sao ông bỏ nghề dạy học, mở cái quán rượu thổ tả này?
      Hai Tòng nhún vai:
      -     Sao ông không nói luôn là mở quán rượu kiêm nghề chứa gái?
      Lâm phân trần:
      -     Tôi chỉ tò mò thôi. Ông học cao chứ đâu có như tôi.
      -     Ông biết mà. Cũng chỉ vì tiền. Nếu cứ hàng ngày nạt nộ mấy đứa nhãi ranh thì tôi lấy tiền đâu cung phụng con vợ tôi, làm sao tôi gửi được hai đứa con sang Úc du học. Mở quán rượu và nuôi gái có lẽ còn sạch hơn là đi ăn cướp, hoặc bán cần sa, bạch phiến như mấy thằng chó đẻ đứng đầy đường. Nơi này dù sao cái gì cũng rẻ hơn bên Mỹ nên những đứa như thằng kia – Hai Tòng hất hám chỉ về phiá người thủy thủ - và những người như ông về tìm vui. Ông biết thành phố này có bao nhiêu cái quán như thế này không? Đếm không hết đó.
      Hai Tòng ngừng nói nhìn ra ngoài:
      -     Chán thật. Trời như muốn mưa. Chắc là tối nay ế khách mấy con qủy nhỏ lại eo xèo đủ điều. Ông uống nữa không?
      Lâm lắc đầu, uể oải đứng lên:
      -     Tôi đủ rồi. Để tôi đi lang thang xem có gì vui.
      -     Ông cẩn thận. Đừng có gây với mấy đứa nhỏ ngoài phố. Gây với một đứa, cả bọn xúm lại làm um sùm chẳng ra sao cả.
      Lâm ngúc ngoắc cái đầu, giơ cao tay khua khua như vẫy chào, và cũng như trả lời Hai Tòng là đừng có lo. Đi ra cửa, kéo cao cổ áo, Lâm lầm lũi bước không có chủ đích, thế nhưng đôi chân dại khờ đưa đẩy Lâm về phiá khu nhà Ánh đang sống với người chủ hãng may Đại Hàn.

***

      Thế mà đã hơn 20 năm! Sài Gòn hồi đó lầm than nhưng Lâm vừa mới lớn nên chưa biết đau buồn về những thay đổi của quê nhà, những thay đổi đáng sợ làm tan nát bao nhiêu cuộc đời.
      Trời đã tối, Lâm và Mai đứng xà nẹo trước nhà. Mai dục Lâm về đi nhưng hai tay con nhỏ vẫn cuốn chặt cổ thằng bé trong lúc Lâm đẩy sát nó vào chân tường, phủ lên mặt nó hơi thở nặng nề.Thình lình có tiếng tiếng bà mẹ Mai the thé sau cánh cửa. Hai đứa vội vã buông nhau, Mai lẻn nhanh vào nhà, không kịp nhìn theo Lâm đang chạy biến ra đầu ngõ.
      Ra tới phố Lâm đứng lại thở dài, không biết đi đâu. Nó đã chán học, mà có xong phổ thông cũng không lên đại học được vì lý lịch cảnh sát của bố nó. Trước sau gì cũng sẽ thất học nên Lâm chẳng muốn về nhà nghe mẹ nó cằn nhằn. Mới mười tám tuổi, nhìn quanh thấy tương lai mù mịt Lâm rất muốn bỏ thành phố ngột ngạt này mà đi nhưng còn tiếc nuối mối tình với Mai, con bé hàng xóm theo nó từ ngày hai đứa còn bé tí teo.
      Mai thương Lâm nhưng mẹ cô bé ghét nó thậm tệ. Mà cũng phải, Mai xinh đẹp như thế mẹ nó đâu muốn nó đeo theo đứa con trai không có tương lại. Lâm buồn nhưng cũng biết là mình không thể thay đổi được hoàn cảnh ở nơi này. Lâm nghĩ tới nước Mỹ như một thiên đường, và Lâm mơ tới tương lai ở nơi xa xôi. Nó sẽ qua bên đó, nó sẽ kiếm được nhiều tiền, và nó sẽ trở về cưới Mai như hai đứa đã từng thề thốt với nhau. Giấc mơ ngọt ngào như tình yêu đầu đời.
     
      Tìm kiếm cơ hội mãi rồi Lâm cũng được một người Tàu đã từng chịu ơn của bố Lâm đồng ý cho Lâm đi theo chuyến ghe vượt biên do ông ta chủ trương. Lâm hứa là qua Mỹ sẽ đi làm trả nợ cho ông ta vì không có vàng mua chỗ.
      Cuộc đời không tươi sáng như Lâm ước mơ lúc ban đầu. Hành trình gian khổ trên biển, và những tháng năm dài chờ đợi ở Mã Lai, là những gì Lâm không muốn nhớ. Ở đảo, thú vui độc nhất là tối tối xúm xít với mấy người bạn cùng cảnh ngộ chuyện trò, hoặc ngồi viết thư cho Mai, những lá thư tình vời vợi yêu thương, và hẹn hò:

      “Anh ở nơi xa xôi này rất nhớ em, và cũng vì em. Mai mốt qua đó đi làm để dành đủ tiền cho tương lai hai đứa anh sẽ về, về để được mẹ em chấp thuận, để được sống bên em suốt đời.”
     
      Sang được đến Mỹ, những lá thư càng thêm thiết tha:

      “Anh đã qua tới Mỹ. Được nhà thờ bảo trợ, cho đi học Anh Văn, và  rồi sẽ học nghề. Mấy người đồng hương qua trước thương anh một thân một mình nên kéo anh đi cắt cỏ, làm vườn để kiếm tiền tiêu vặt. Nắng Cali không gay gắt bằng nắng Sài Gòn, nhưng mỗi giọt mồ hôi chảy ra là một nỗi nhớ. Anh nhớ em vô vàn.
      Em không còn phải lo cho anh nữa. Chừng nào thông thạo tiếng Anh, anh sẽ đi học nghề điện tử. Bước đầu chỉ là ráp nối mấy bộ phận nhỏ nhoi, nhưng vì em anh sẽ cố gắng tiến thân, và dù có việc làm tốt hơn, cuối tuần anh vẫn theo bác Tăng đi cắt cỏ làm vườn, dành dụm cho tương lai. Mấy năm rồi xa cách nhưng không giây phút nào anh không nghĩ tới em …”
     
      Những lá thư tình không giữ được Mai. Vài năm sau ngày Lâm bỏ đi, cô bé lấy chồng, một anh chàng hàng xóm khác trong cái ngõ tối tăm lái xe ôm đưa đón khách ở phi trường. Dù sao thì cô cũng cần lo lắng cho sống đời riêng của mình chứ chờ Lâm biết đến bao giờ. Lâm cũng hiểu điều đó, nên dù buồn đến xót xa nhưng Lâm không hề thống hận Mai, chỉ tìm khuây bằng rượu, và bắt đầu theo bạn bè đến những nơi chơi bời lén lút, hoặc vùi đầu vào công việc nặng nhọc cho qua những ngày tháng u buồn.
       
      Hơn mười năm sau mới được nhập tịch, Lâm buồn vui lẫn lộn, mang đôi bàn tay sần sùi và khuôn mặt rám nắng với mái tóc đã nhiều sợi thay mầu tới cơ quan chính phủ làm passport, và xin visa để trở về Sài Gòn thăm nhà.
     
      Mái nhà xưa điêu tàn vẫn thế. Bố mẹ Lâm vẫn còn đó, già hơn xưa, ra vào như chiếc bóng, lủi thủi sống với vợ chồng đứa em nheo nhóc một đàn con. Có bao nhiêu tiền Lâm móc ra đưa cho bố mẹ gần hết để sửa sang lại căn nhà, và cho em dâu may mặc áo quần mới cho đàn con.
      Ngập ngừng mãi rồi Lâm cũng đến gõ cửa nhà Mai để thăm hỏi người yêu xưa bây giờ đã có gia đình. Mai mở cửa, ngơ ngác nhưng rồi cũng nhận ra người tình cũ. Cô đưa tay chặn ngực không nói lên lời, một giọt nước mắt từ từ ứa ra, và Mai cố gắng không để bật ra tiếng khóc. Những lời hẹn hò xưa như sống lại nhưng nhìn nhau chỉ là những ngỡ ngàng. Lâm cười buồn:
      -     Mai, em khoẻ không?
      Mai gật đầu:
      -     Anh đi lâu quá, anh Lâm.
      -     Ừ, cũng đến hơn hai mươi năm rồi.
      -     Gần nửa đời người!
      Lâm thở dài nhìn Mai:
      -     Chúng mình thay đổi quá nhiều.
      Khác nhiều lắm! Mai bây gìờ không còn là cô thiếu nữ ngây thơ mảnh mai mà là một người đàn bà đã ngoài 40, hom hem, và ăn mặc lôi thôi như một người giúp việc trong nhà. Theo chân Mai vào trong nhà, ngồi xuống chiếc sofa ọp ẹp, Lâm xót xa nhìn người tình xưa:
      -     Chồng em đâu. Cho anh gửi lời chào.
      Mai đưa tay lau mắt:
      -     Anh ấy chạy xe ôm suốt ngày. Tối mới về.
      Lâm thở dài:
      -     Còn các con em? Mấy đưá?
      -     Ba! Hai đứa đang đi học. Đứa con gái lớn đã xong phổ thông, mười tám tuổi nhưng cũng chưa có việc làm. Để em gọi nó ra chào anh.
      Mai lớn tiếng:
      -     Ánh à!
       Mai phải lên tiếng vài lần mơi thấy Ánh chạy ra đứng cạnh:
      -     Mẹ gọi con?
      Chỉ Lâm Mai giới thiệu:
      -     Bác Lâm là một người bạn. Bác qua Mỹ đã lâu, hôm nay mới trở về, và qua chào gia đình mình.
      Con bé nhìn Lâm lí nhí:
      -     Cháu chào bác ạ.
      Lâm ngồi chết trân. Mấy chục năm nay Lâm chưa bao giờ quên Mai. Anh mang hình bóng người yêu trên khắp nẻo đường, ngay cả khi cô đã có chồng, lúc vui cũng như lúc buồn. Những khi cay đắng với cuộc đời, hình ảnh cô trong trí tưởng như một người bạn gần kề an ủi để Lâm cố gắng vượt qua những gian nanAnh luôn luôn nhớ tới hình bóng cũ, thế nhưng thời gian thật là tàn nhẫn, những thay đổi thật là phũ phàng làm Lâm chua xót thấy Mai đã không còn như xưa. Khi thấy Ánh, Lâm thật bàng hoàng! Đây là Mai của anh ngày đó, đây là hình bóng anh mang theo gần nửa cuộc đời. Cũng làn da mịn màng trắng hồng, cũng đôi mắt đen như nhung, cũng thân hình thon gọn anh đã từng ôm trong vòng tay, đây là Mai của anh.
      Lâm nuốt nước bọt khó khăn:
      -     Chào Ánh. Cháu thật là dễ thương.
      Ánh lí nhí cám ơn, và xin phép mẹ lui vào trong nhà. Lâm nhìn theo bâng khuâng:
      -     Mai, em có thấy là con gái em rất giống em?
      Mai gật đầu:
      -     Vâng. Nó lớn tướng rồi. Em lo quá vì chẳng có công ăn việc làm. Nó chỉ ăn rồi đi chơi, quất quít với thằng quỉ Long ở xóm trong.
      Lâm cười buồn:
      -     Cứ như chúng mình năm xưa.
      Một thoáng ánh hồng trên nét mặt Mai:
      -     Lâu quá rồi, anh nhắc lại làm chi. Mỗi người đã có một đời sống riêng.
      -     Anh biết. Nhưng anh không thể nào quên những ngày tháng cũ.
      Mai nói lảng sang chuyện khác:
      -     Ánh nó đang xin việc tại hãng may mới mở. Mong là nó được thu nhận. À, anh còn ở lại nhà lâu không?
      Lâm gật đầu:
      -     Vài tuần nữa em. Bây giờ anh đã có quốc tịch Mỹ, đi lại dễ dàng nên anh sẽ về thường. Em không ngại khi anh qua thăm chứ?
      -     Không. Chúng mình vẫn là hàng xóm mà.
      Buồn bã kể cho Mai nghe một chút về đọan đời xa cách, và thăm hỏi nhau thêm vài câu, Lâm tần ngần, đứng lên:
      -     Gặp lại em thật là vui. Anh phải đi đây. Mai, em giữ gìn sức khoẻ. Anh sẽ sang thăm em thường.
      Mai nhìn theo người đàn ông một thời mình đã từng ôm ấp, mắt thật buồn. Cô đã quên, thật tình đã quên mối tình cũ vì những trăn trở của đời sống. Lâm trở về khơi lại chút tro tàn nhưng cô biết mình không còn như xưa. Thôi thì đừng nghĩ ngợi vẩn , chỉ mong là Ánh sẽ may mắn hơn mình.

      Sau lần thăm viếng đầu tiên ấy Lâm còn trở về nhiều lần. Lần nào cũng qua thăm gia đình Mai, tặng quà cho những đứa nhỏ, và nhất là cho Ánh. Quả tình Lâm không hiểu rõ được tình cảm của mình với Ánh. Nhiều lúc thấy Ánh nhỏ nhắn bên cạnh Mai, Lâm ước gì Ánh là con mình để cho mình chăm sóc yêu thương, nhưng cũng có lúc thấy Ánh một mình thơ thẩn trước hiên nhà Lâm tưởng như là người yêu xưa của mình đang chờ đợi, chỉ muốn chạy lại ôm con bé vào lòng, như những tháng ngày khờ dại năm nào.
      Đã nhiều đêm trằn trọc suy nghĩ, nhưng Lâm cũng chẳng hiểu được lòng mình. Cô đơn càng thêm cô đơn mặc dù Lâm trở về thăm con ngõ cũ rất thường, cho đến khi Long chặn ông ta trước cửa vào nhà Mai:
      -     Ê, thằng già!
      Lâm ngơ ngác:
      -     Tôi?
      Long túm cổ áo Lâm:
      -     Ừ, mày! Tao không muốn thấy mặt mày ở cái nhà này nữa nghe chưa?
      Lâm nhíu mày đẩy mạnh Long ra:
      -     Anh là ai mà ăn nói lỗ mãng, và có quyền gì cấm đoán tôi.
      Long bật lên chửi thể, bật lưỡi dao rút từ trong túi, khoa khoa trước mặt Lâm:
      -     Tao là cái này! Mày có muốn nó cắm vào ngực mày không?
      Lâm giật mình lùi lại trong lúc Long hùng hổ tiến lên. Có tiếng Ánh kêu thét từ trong nhà, chạy ra ôm lấy Long:
      -     Đừng anh!
      Quay sang nhìn Lâm bằng đôi mắt thiết tha, cô bé cầu khẩn:
      -     Bác làm ơn …
      Lâm thở dài, cúi đầu lặng lẽ quay đi. Lâm đã hiểu, thôi đành sống với hình bóng xưa. Tối hôm đó Lâm say ngất ngư ở cái bar của Hai Tòng ngoài đầu ngõ.
      Những lần về Sài Gòn sau đó, thay vì sang nhà Mai để gặp Ánh, Lâm ra quán rượu, và  bắt đầu làm quen với những cô gái làm tiền. Hôm nghe Hai Tòng báo tin là Ánh đã bỏ Long, sống với tên chủ hãng may người Đại Hàn, Lâm đã gục xuống bàn, khóc âm thầm.

***

      Lâm cũng chẳng biết mình đi qua đó để làm gì. Trời đã tối, căn biệt thự trong con phố vắng vẻ đó đèn sáng chưng nhưng không một bóng người. Mà giả dụ có thấy Ánh chắc là Lâm cũng không dám gọi. Nơi đó như một thế giới khác, cao và xa vời. Lâm đi dưới đường nhìn lên, lòng buồn tênh. Những hạt mưa đã rơi lác đác, Lâm kéo cao cổ áo, tiếp tục những bước chân vô định. Nước mưa tạt vào mái tóc lăn xuống cổ gây gây lạnh, Lâm thò tay vào túi tìm bao thuốc, đốt một điếu gắn lên môi hững hờ.
      Thật là tội nghiệp! Sao chúng mình không có nhau trong đời? Lâm hỏi thầm nhưng không biết là với Mai hay là với Ánh.

Trần Quang Thiệu
May 5, 2009

No comments:

Post a Comment